Không được 'buông lơi' vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, trong ngắn hạn năm 2023, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Không được buông lơi vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần “song hành”
Ngày 19/9, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, với Chuyên đề 2 có chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”, ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, xu hướng giảm tỷ lệ tăng năng suất trong dài hạn đang diễn ra trên toàn cầu, ở hầu khắp các khu vực trên thế giới đã đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách. Bên cạnh đó là thay đổi môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, áp lực lạm phát, căng thẳng địa chính trị, giá lương thực, năng lượng, cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các nguồn lực đầu tư cần thiết; hạn chế về tài nguyên...
Cho rằng Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong 1 thập kỷ qua, tuy nhiên, ông Felix Weidencaff cho biết, so với các nước ASEAN hiện nay thì Việt Nam vẫn còn khoảng cách, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất, ông Felix Weidencaff cho rằng, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. Theo đó, chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra…
Theo ông Felix Weidencaff, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0; thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư
Trong khi đó, tham gia thảo luận bàn tròn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu và phần lớn các quốc gia là ở châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành, cả công nghiệp và nông nghiệp.
Chuyên gia kinh tế của UNDP chia sẻ thực tiễn trước đây ở khu vực Đông Nam Á có Thái Lan và Malaysia có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh, tuy nhiên, 2 nước này lại không duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á. Các quốc gia này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp mà không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước.
Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian. Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không? Theo chuyên gia của UNDP, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp nhất ở khu vực công, các viện nghiên cứu tư nhân thì chưa được khuyến khích phát triển. Điều này là do các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển.
Chuyên gia của UNDP chỉ rõ 2 vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.
Ngoài ra, chuyên gia của UNDP cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Hiện nay, chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học, nhất là các ngành khoa học, kĩ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn nhân lực này.
Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, về vấn đề năng suất, trong ngắn hạn năm 2023, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Không được buông lơi vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ.
“Về dài hạn, cần đổi mới cơ cấu nội ngành, tạo ra sự bền vững của năng suất, tạo sự đồng bộ trong các khâu triển khai, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ.