Không được 'buông' năng suất lao động, an sinh xã hội dù khó khăn

Đây là nhấn mạnh của các diễn giả trong phiên thảo luận chuyên đề 2 'Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an ninh xã hội trong bối cảnh mới'.

Chuyên đề 2 bắt đầu với phần tham luận về “Giải pháp đột phá nâng cao năng suất lao động” của diễn giả Felix Weidencaff - Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Theo ông Felix Weidencaff, xu hướng năng suất của Việt Nam đã có sự cải thiện kể từ giai đoạn 2012 đến nay, tuy nhiên vẫn tương đối thấp so với khu vực ASEAN, thấp hơn Indonesia, Thái Lan, Malaysia…

Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương Felix Weidencaff phát biểu

Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương Felix Weidencaff phát biểu

Thách thức liên quan đến năng suất của Việt Nam khá đa dạng theo từng phân khúc doanh nghiệp: Năng suất của khu vực nhà nước và FDI cao hơn so với khu vực tư nhân trong nước và hộ kinh doanh.

Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. “Việt Nam chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, song không thể tiếp diễn vĩnh viễn nên cần có công nghiệp và sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là động lực để tăng năng suất”, ông Felix Weidencaff nhấn mạnh.

Đặc biệt, vai trò của các thể chế và chính sách thị trường lao động rất quan trọng để giải quyết những thách thức kép trong việc duy trì tăng trưởng năng suất và bảo đảm tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều công ăn việc làm. Phải tạo được hệ sinh thái về thị trường lao động, điều này đòi hỏi sự can thiệp từ cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Tham luận về chủ đề “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho biết tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Để giải quyết triệt để khó khăn, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của Ngân hàng vốn đóng vai trò chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu phát biểu

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu phát biểu

Sau phần tham luận, chuyên đề 2 bước vào phiên thảo luận do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chủ trì điều hành.

Lý giải nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp như hiện nay, TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Năng suất của Viện Năng suất Việt Namcho rằng, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Năng suất của Viện Năng suất Việt Namphát biểu. Ảnh: Hồ Long

Mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Thời gian qua đã có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ nhưng quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Jonathan Pincus phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Jonathan Pincus phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằnghai vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ngoài ra, chuyên gia của UNDP cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Hiện nay chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học nhất là các ngành khoa học, kĩ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014 là hết sức quan trọng và cần thiết hiện nay và đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024. Những định hướng lớn nhất sửa đổi Luật BHXH là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 và hướng đến bảm đảm an sinh xã hội toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội cho toàn lực lượng lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về đối tượng sửa đổi, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội bổ sung nhóm lực lượng lao động là chủ hộ gia đình, có khoảng 2 triệu chủ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh và có đóng thuế. Đồng thời bổ sung nhóm đối tượng quản lý HTX và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí BHXH cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách BHXH.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần đang nhận được nhiều sự quan tâm. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, trong giai đoạn 2016- 2022, số người rút BHXH một lần lên đến 3,5 triệu người… Số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%).

Nguyên nhân là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời, một phần do hoàn cảnh khó khăn của người lao động…

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt.

Có 5 nhóm chính sách lớn trong Luật BHXH (sửa đổi) trình lên Quốc hội, đáng chú ý là sửa đổi quy định mức đóng, mức hưởng BHXH, quy định thu - chi Quỹ BHXH; giải quyết việc trốn đóng BHXH; giải quyết việc rút BHXH một lần; cải cách hệ thống BHXH một cách hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn; quy định về đầu tư an toàn, hiệu quả của Quỹ BHXH trong tương lai.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Kết luận phiên chuyên đề 2, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, về vấn đề năng suất, trong ngắn hạn năm 2023, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

"Không được buông lơi vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ", ông nhấn mạnh.

Về dài hạn, cần đổi mới cơ cấu nội ngành, tạo ra sự bền vững của năng suất, tạo sự đồng bộ trong các khâu triển khai, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.

Về bảo đảm an sinh xã hội, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các chuyên gia đã có nhiều chia sẻ xoay quanh vấn đề sửa đổi Luật BHX theo định hướng linh hoạt, mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng, đối tượng thu, đa dạng hóa danh mục cơ cấu quỹ đầu tư bảo hiểm, hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị sửa đổi quy định của pháp luật liên quan đến quỹ đất, đối tượng thụ hưởng chính sách, điều kiện thụ hưởng, các ưu đãi cho chủ đầu tư, thủ tục hành chính.

Qua trao đổi với các chuyên gia cũng như các tham luận gửi về Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ đúc rút những khuyến nghị chính sách để đóng góp vào hoàn thiện việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

H. Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/khong-duoc-buong-nang-suat-lao-dong-an-sinh-xa-hoi-du-kho-khan--i343480/