'Không được để người dân, doanh nghiệp thất vọng'
Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố trong cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính. Để nâng cao hiệu quả mô hình mới, ngày 4/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho ý kiến về tình hình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
1. Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để toàn bộ các công việc theo thẩm quyền của 2 cấp (tỉnh, xã) phải được thực hiện thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc.
"Mục tiêu xuyên suốt là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn", Tổng Bí thư nhấn mạnh. Tổng Bí thư yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, nắm tình hình để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp xã khi vận hành bộ máy mới.
Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu sớm, thôi công tác. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân nắm được những quy định mới và địa điểm, cách thức làm việc mới của các cơ quan nhà nước ở địa phương; củng cố và duy trì sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân đối với việc triển khai đơn vị hành chính địa phương 2 cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm, kiểm tra hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội, Chi nhánh số 1 tại đường Võ Chí Công. Ảnh: TTXVN.
"Bước đầu nhân dân cả nước đang rất hào hứng, phấn khởi, chúng ta chỉ có thể làm tốt hơn, không được để người dân, doanh nghiệp thất vọng", Tổng Bí thư chỉ đạo.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, để bảo đảm vận hành trơn tru mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp xã.
Các bộ, ngành cũng đã ban hành 58 thông tư, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện mô hình tổ chức mới. Các nghị định kèm theo quy định rõ ràng về thủ tục hành chính, trong đó làm rõ thẩm quyền giải quyết, thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện, chi phí, biểu mẫu hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và thực thi ngay từ ngày 1/7/2025.
Theo phân cấp, tổng cộng có 556 thủ tục hành chính được chuyển giao từ Trung ương về địa phương. Trong đó, UBND cấp tỉnh đảm nhiệm 262 thủ tục, Chủ tịch UBND cấp tỉnh 217 thủ tục, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh 70 thủ tục, UBND cấp xã 6 thủ tục và Chủ tịch UBND cấp xã 1 thủ tục. Đồng thời, 24 thủ tục hành chính được bãi bỏ.
Đối với 346 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp huyện trước đây, nay đã được phân định lại: 18 thủ tục chuyển lên cấp tỉnh, 278 thủ tục chuyển xuống cấp xã và 50 thủ tục bị bãi bỏ.
Như vậy, sau quá trình phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền, tổng số thủ tục hành chính hiện nay gồm: cấp tỉnh đảm nhiệm 1.261 thủ tục, cấp xã 463 thủ tục và có tổng cộng 74 thủ tục được bãi bỏ.
2. Trước hết, phải khẳng định rằng, việc "sắp xếp lại giang sơn", mà trong đó việc đầu tiên là chính quyền địa phương 2 cấp nhận được sự đồng thuận rất cao của cán bộ và nhân dân. Vì thế, đã có những cán bộ có học hàm, học vị đến phó giáo sư, tiến sĩ cũng xin về làm lãnh đạo xã. Vì thế mà đã có khá nhiều cán bộ xin nghỉ trước tuổi, trong đó nhiều người tự nhận thấy mình không còn phù hợp cho xu thế phát triển của xã hội.
Việc người dân đồng thuận đầu tiên chính là ai cũng thấy chính quyền 4 cấp trước đây của ta là quá cồng kềnh. Số lượng cán bộ ăn lương thì quá lớn, lớn đến mức mà làm được 10 đồng thì gần 7 đồng chỉ để nuôi nhau. Như thế, làm sao còn vốn dành cho đầu tư, phát triển.
Số lượng biên chế đã nhiều, nhưng quản lý xã hội kém hiệu quả, không ít cán bộ các cấp thì lười nhác, chỉ nhăm nhăm sách nhiễu dân, gây khó khăn, cản trở xã hội phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng đã bị cấp cơ sở từ tỉnh, huyện trở xuống thực hiện sai hoặc không thực hiện. Không phải bỗng dưng mà từ nhiều năm nay, mỗi khi Đảng ra nghị quyết thì bao giờ cũng lại có những yêu cầu khi quán triệt, triển khai là làm thế nào để "nghị quyết đi vào cuộc sống". Tình trạng các cấp "xuất bản" nghị quyết nhưng sau đó, nghị quyết bị rơi vào quên lãng là không phải... chuyện hiếm.
Chúng ta đã rất thừa loại cán bộ nói thì rất giỏi, rất hay, nhưng làm thì chả ra gì. Từ gần 30 năm trước, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản từng có những bài viết phê phán nghiêm khắc tình trạng cán bộ "Nói rồng leo, làm mèo mửa". Và, bây giờ, xem ra loại cán bộ thạo nhất việc "chỉ tay 5 ngón", cái gì cũng "phải... phải... và phải!" là còn rất nhiều. Hy vọng rằng, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, chúng ta sẽ loại bớt được kiểu cán bộ "Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa".
Cuộc "đại cách mạng sắp xếp lại giang sơn" lần này chúng ta quyết tâm phải cải tổ bộ máy hành chính, phải thay đổi tận gốc lề thói quan liêu, nhũng nhiễu của cán bộ cơ sở. Và, nhân dân đều hy vọng tương lai sẽ có một xã hội minh bạch hơn, trong sáng hơn, phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp không phải là không có những khó khăn, khúc mắc mà nếu không giải quyết kịp thời là dễ "sinh chuyện"?
Việc đầu tiên là cần sớm có các văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm cụ thể hóa quyền hạn và trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc thiếu sót trong quản lý. Cho đến giờ, Bộ Nội vụ mới có "Cẩm nang dành cho cán bộ xã", tuy nhiên đây không phải là các quy định có tính pháp lý.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp liên cấp cũng cần được thiết lập chặt chẽ, đặc biệt trong các vấn đề liên vùng hoặc liên xã. Về nguồn lực, cần đảm bảo cấp xã có đủ tài chính, nhân sự và cơ sở hạ tầng để thực thi nhiệm vụ. Việc triển khai thí điểm tại một số địa phương trước khi áp dụng rộng rãi sẽ giúp đánh giá tính khả thi và điều chỉnh kịp thời.
Hiện nay, điều lo lắng nhất chính là năng lực cán bộ cấp xã có thể chưa đáp ứng được yêu cầu khi phải đảm nhận thêm các nhiệm vụ phức tạp trước đây thuộc cấp huyện. Mặc dù chúng ta đưa nhiều cán bộ có trình độ của huyện, tỉnh về làm cán bộ xã, nhưng việc quản lý chính quyền cấp xã mới có những yêu cầu mới ở tầm cấp tỉnh và là điều chưa từng có trước đây, cho nên cán bộ - đặc biệt là người đứng đầu - phải có tư duy chiến lược trong cấp xã và phải thực hiện được các yêu cầu chiến lược của cấp tỉnh. Rõ ràng, cần phải có thời gian để cán bộ và người dân thích nghi, đặc biệt là trong tư duy quản lý và thực thi.
Một khó khăn nhãn tiền mà thấy được ngay đó là việc nhiều cán bộ phải di chuyển quá xa, thậm chí cả trăm km mỗi ngày, trong điều kiện giao thông của ta còn kém thì chính là vấn đề dễ gây chán nản, mệt mỏi cho cán bộ. Phải đi làm xa hàng chục cây số thậm chí nhiều hơn nữa vậy thì việc chăm sóc con cái, gia đình sẽ làm sao đây? Không thể để cán bộ phải kéo dài tình trạng sáng đi làm từ 5 giờ và 8-9 giờ tối mới về đến nhà.
Việc nâng cao trình độ cho cán bộ cấp xã thực sự là nhu cầu cấp bách. Giáo dục chính trị, đạo đức thì dễ nhưng để cán bộ am hiểu việc chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ vào công tác quản lý, ứng dụng nhuần nhuyễn trí tuệ nhân tạo vào công việc thì rõ ràng là không đơn giản.
Cán bộ cấp xã phải giỏi về ứng dụng công nghệ số, đồng thời trang bị phần mềm quản lý hành chính điện tử hướng dẫn sử dụng tại chỗ cho cán bộ, công chức để tăng hiệu quả công việc và minh bạch hóa quy trình.
Nhưng, làm thế nào để nâng cao trình độ cán bộ, giảm tình trạng lạm quyền, lộng quyền và sách nhiễu? Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, bởi không ít cán bộ của ta sống và làm việc có tính "hai mặt" đã quá phổ biến. Các vụ án lớn mà có liên quan đến cán bộ cao cấp được đưa ra xét xử trong những năm qua đã minh chứng cho tính "hai mặt" của không ít cán bộ thời nay.
Muốn giảm thiểu và ngăn chặn được thì quan trọng nhất phải có hệ thống giám sát từ người dân. Cần phải thiết lập được hệ thống đánh giá dựa trên khảo sát mức độ hài lòng của người dân.
Để tránh tình trạng cán bộ cấp xã lạm quyền trong bối cảnh được phân quyền nhiều hơn, cần xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Và, phải có chế tài nghiêm khắc với các hành vi vi phạm.
Nói thẳng thắn thì tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền ở ta chưa giảm nhiều... Hơn chục năm qua, Đảng, Chính phủ tăng cường đấu tranh quyết liệt thì cũng đã làm "chùn tay" một số cán bộ có "máu tham" nhưng cũng đã xuất hiện những "cách ăn" mới, thủ đoạn tinh vi hơn, kín đáo hơn... Vì vậy, việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp của ta có thành công hay không, tất cả phụ thuộc vào những người đứng đầu ở các cấp.
Chỉ khi những người đứng đầu gương mẫu, công tâm, công minh trong công tác điều hành thì nghị quyết, chủ trương của Đảng mới đi vào cuộc sống và đất nước mới phát triển ổn định và bền vững.