'Không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ'
Hiện nay, nhiều đề tài được nghiệm thu nhưng không có giá trị thực tiễn hay nghiên cứu khoa học, khiến dư luận băn khoăn về trình độ thực sự của người nghiên cứu.
Thời gian gần đây có nhiều phản ánh liên quan tới chất lượng luận án tiến sĩ, chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, dư luận xôn xao về những tên đề tài luận án tiến sĩ mà nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn. Mới đây đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những trả lời về vấn đề này.
Trước những băn khoăn về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) luôn hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo”.
Bà Thủy dẫn chứng rằng, theo quy định tại Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GDĐT, yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh.
Ngoài ra còn thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.
Quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất.
“Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo. Từ đó đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách cầm cân nảy mực phản biện luận án… phải luôn đề cao đạo đức khoa học, nghiêm minh, trung thực, khách quan, không nể nang dễ dãi trong quá trình đào tạo”, bà Thủy bày tỏ.
Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Hội đồng xét duyệt phải có vai trò phản biện
Đưa ra những khuyến cáo với các cơ sở đào tạo, bà Thủy cho rằng đối với việc đào tạo tiến sĩ cần quan tâm nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.
Để làm được điều này cần chú trọng đến việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận.
“Tuy nhiên, các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý”, Vụ trưởng nhấn mạnh.
Cần nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình trong chuyên môn học thuật, tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin về quy trình đào tạo tiến sĩ để tranh thủ tiếp nhận và tổng hợp các phản biện xã hội và phản hồi của các bên liên quan về chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin trong rà soát việc sao chép luận văn, luận án và thực hiện tốt liêm chính khoa học.
Ngoài ra việc nhận thức và vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá luận án tiến sĩ là vô cùng quan trọng.
Bà Thủy chia sẻ: “Tránh việc nể nang, dễ dãi để bảo đảm giá trị khoa học của từng luận án, góp phần gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng”.
Về việc giải quyết những vi phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, bà Thủy thông tin: “Về vấn đề này, năm 2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT và Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT.
Các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nói chung và Học viện Khoa học xã hội nói riêng có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy trình đào tạo căn cứ vào 02 văn bản hướng dẫn này, đồng thời đảm bảo các yêu cầu tối thiểu quy định tại các quy chế”.
Từ năm 2017 đến nay, Học viện Khoa học xã hội đã được thanh tra, kiểm tra bởi 03 cơ quan chức năng gồm Bộ GD&ĐT, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
Do vậy, công tác tuyển sinh và đào tạo của Học viện thường xuyên được chỉ đạo, chấn chỉnh theo hướng đảm bảo đúng quy định và ngày càng cải tiến chất lượng. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, làm việc trực tiếp với Học viện Khoa học xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để làm rõ các nội dung liên quan.