Không gian của hiện đại và công nghệ

Người nghệ sĩ mất hàng tháng, thậm chí cả năm trời để tìm chất liệu và ý tưởng cho tác phẩm, nhưng mọi sắp đặt chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn. Đó chính là cái thú của nghệ thuật sắp đặt, đòi hỏi người nghệ sĩ không ngừng sáng tạo theo nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả, không chỉ xem, nghe, nhìn mà còn phải tương tác trực tiếp với tác phẩm.

Bạn trẻ tương tác với tác phẩm trong một triển lãm nghệ thuật sắp đặt tại TPHCM vào tháng 10 vừa qua

Bạn trẻ tương tác với tác phẩm trong một triển lãm nghệ thuật sắp đặt tại TPHCM vào tháng 10 vừa qua

Đa dạng tương tác

Sự xuất hiện của nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam không quá rầm rộ, tuy nhiên ứng dụng của loại hình nghệ thuật này ngày càng phổ biến trong các cuộc triển lãm, sự kiện, trung tâm thương mại…

Tầng 6 một trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến check-in, bởi sự độc đáo của không gian tương tác hiện đại. “Tôi đến đây là lần thứ 3 nhưng rất thích, vì mỗi bước chân hay một cái chạm tay của mình đều tương tác với một hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Trước đây, tôi thường thấy các mô hình này ở Singapore hay Nhật Bản, nay trực tiếp trải nghiệm ở Việt Nam nên rủ bạn bè cùng đi”, Trần Ngọc Hưng (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Đi cùng nhóm bạn để trải nghiệm và làm bài tập thực tế, Nguyễn Ngọc Minh Thư (20 tuổi, sinh viên ngành thiết kế đồ họa, Trường Đại học Hoa Sen) hào hứng: “Tôi thích tìm hiểu thêm những không gian nghệ thuật sắp đặt như thế này, mặc dù mỗi lần ghé vào đây đều mất tiền để trải nghiệm, tuy nhiên rất đáng. Đây là một xu hướng sẽ phát triển nhiều trong tương lai, vì nhu cầu thưởng thức của giới trẻ hiện nay khá cao, nên việc ứng dụng thiết bị công nghệ vào không gian nghệ thuật sắp đặt để tăng thêm phần tương tác rất được ưa chuộng”.

Triển lãm nghệ thuật sắp đặt với chủ đề “Tuổi trẻ và tương lai thành phố” do Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp cùng Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức vào tháng 10 vừa qua, thu hút nhiều bạn trẻ tham quan. Lê Tuyết Nhi (sinh viên ngành Đồ họa tương tác, ĐH Văn Lang) cho biết: “Họa sĩ theo loại hình này có lẽ khó sống được với nghề nếu chỉ làm công việc này, cần phải có nghề tay trái hỗ trợ, vì người thực am hiểu loại hình này chưa nhiều, nên việc thường thức và ứng dụng chỉ giới hạn trong một bộ phận khán giả”.

Đòi hỏi cao về sáng tạo và thường thức

Khán giả ngày càng trẻ và đòi hỏi trong thường thức tác phẩm ngày càng cao chính là một thách thức lớn với người họa sĩ tạo nên tác phẩm. Nghệ thuật sắp đặt, dù còn mới mẻ nhưng không dễ để chinh phục. “Để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, buộc họa sĩ phải có kiến thức nhất định về hội họa, bố cục, màu sắc, hình khối... Khi vẽ thì tác phẩm có kích thước, khuôn khổ nhất định còn với nghệ thuật sắp đặt là một không gian lớn, tác phẩm ba chiều và họa sĩ phải cân nhắc từng li từng tí giữa tác phẩm với không gian vì yếu tố âm thanh, ánh sáng góp phần rất lớn để làm nên một tác phẩm thực sự thu hút. Và dĩ nhiên, nghệ thuật không chỉ làm đẹp mà còn phải giúp ích cho cuộc sống, vì vậy tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cũng phải mang một thông điệp bên cạnh yếu tố nghệ thuật”, chị Phan Bảo Châu (giảng viên ngành Thiết kế đồ họa, Đại học FPT TPHCM) chia sẻ.

Nói về nghệ thuật sắp đặt, họa sĩ Trung Nghĩa cho biết: “Tôi theo đuổi mỹ thuật từ nhỏ, nhưng với nghệ thuật sắp đặt, tôi cũng chỉ dám nhận là một lựa chọn thú vị để mình tự trải nghiệm, làm mới, chiêm nghiệm cuộc đời sau khi đã đắm mình quá lâu trong lối sáng tác thường ngày”.

Cái mới luôn có những khó khăn bước đầu và nghệ thuật sắp đặt cũng thế, cần người thực sự am hiểu, nguồn tài liệu hướng dẫn… Tuy nhiên, với việc công chúng đón nhận các tác phẩm mỹ thuật ngày càng trẻ, nghệ thuật sắp đặt rất có thể là một xu hướng mới trong tương lai, cùng với việc các thiết bị công nghệ hỗ trợ nghe nhìn ngày càng nhiều.

“Ở một số nước trên thế giới, nghệ thuật sắp đặt ứng dụng công nghệ nghe nhìn rất nhiều, hỗ trợ tương tác tối đa người xem nên thu hút công chúng. Hiện tại, một số không gian trung tâm thương mại và các nhóm họa sĩ, sinh viên ở Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện tác phẩm sắp đặt với công nghệ hỗ trợ. Tương lai, có thể xu hướng này sẽ thịnh hành và ứng dụng nhiều thiết bị hiện đại hơn”, giảng viên Phan Bảo Châu chia sẻ thêm.

Nghệ thuật sắp đặt (installation) là một trong các loại hình nghệ thuật hậu hiện đại. Người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm từ nhiều chất liệu khác nhau như: giấy, gỗ, kim loại, chai nhựa… thậm chí là tái sử dụng các phế phẩm. Tác phẩm hoàn thành được sắp đặt theo một ý đồ nghệ thuật của tác giả, mang một thông điệp nào đó và thể hiện ba chiều trong một không gian lớn. Ở đó, người xem là khách thể nhưng cũng có thể là chủ thể và tương tác trực tiếp với tác phẩm.

KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khong-gian-cua-hien-dai-va-cong-nghe-695946.html