Không gian hợp tác phát triển Việt Nam- Mỹ còn rất nhiều

Trong 30 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại luôn là một điểm sáng và tạo động lực cho quan hệ giữa hai nước phát triển. Vào những năm 1994 - 1995, khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại hai chiều chưa đến nửa tỷ USD, nhưng đến năm 2024 đã tăng lên khoảng 150 tỷ USD, nghĩa là gấp 300 lần.

Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: VGP

Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: VGP

PV: Nhìn lại chặng đường 30 năm kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Đại sứ thấy những dấu ấn nào nổi bật?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong 30 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Đây không phải điều ngẫu nhiên mà là cả một quá trình nỗ lực của hai nước, của hai dân tộc Việt Nam và Mỹ.

Tôi không thể liệt kê hết những điểm nhấn mà chỉ xin nêu một số điểm. Trước hết, sự hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau đã tăng lên rất nhiều. Hai nước từ thù địch trở thành đối tác, đến năm 2013 đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, năm 2023 trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện - mức cao nhất trong hệ thống đối tác của Việt Nam.

Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, đáng chú ý nhất là cho đến nay, tất cả các đời tổng thống Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã thăm Việt Nam từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Một điểm nhấn quan trọng là vào năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Nhà Trắng, cùng Tổng thống Barack Obama ra Tuyên bố tầm nhìn cho quan hệ Việt – Mỹ. Không chỉ xác định những lĩnh vực hợp tác, hai bên còn nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng cho quan hệ giữa hai nước, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đó là dấu mốc có ý nghĩa to lớn.

Trong 30 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại luôn là một điểm sáng và tạo động lực cho quan hệ giữa hai nước phát triển. Vào những năm 1994 - 1995, khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại hai chiều chưa đến nửa tỷ USD, nhưng đến năm 2024 đã tăng lên khoảng 150 tỷ USD, nghĩa là gấp 300 lần.

Điều đó nói lên rằng không gian hợp tác phát triển giữa hai nước còn rất nhiều. Điều đó cũng cho thấy trong quá trình Đổi mới và hội nhập, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Quan hệ thương mại tăng cường mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ, cho người dân Việt Nam và người dân Mỹ.

Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác đều có những bước phát triển vượt bậc, trong đó có giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, du lịch, an ninh - quốc phòng.

Hai bên không chỉ hợp tác song phương mà cả đa phương, trong khuôn khổ ASEAN hay các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc.

Một khía cạnh không thể không nói đến là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Với tinh thần nhân đạo, Việt Nam được Mỹ đánh giá là hợp tác rất tích cực và đầy đủ trong tìm kiếm người Mỹ mất tích, là mẫu hình cho hợp tác nhân đạo của Mỹ với các nước.

Mỹ cũng hợp tác ngày càng nhiều hơn với Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có hoạt động tháo gỡ bom mìn, giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, tẩy độc sân bay Đà Nẵng và hiện đang làm ở sân bay Biên Hòa.

Cần thấy rằng việc tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau, và hợp tác cùng có lợi giúp quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong 3 thập kỷ qua.

Quan hệ Việt Mỹ trong 30 năm qua phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Riêng về thương mại - đầu tư, theo Đại sứ những yếu tố nào đã giúp hai nước đạt được sự tăng trưởng vượt bậc như vậy?

Đây là lĩnh vực đã phát triển cực kỳ nhanh chóng. Yếu tố tạo nên điều đó là hai nước cùng có lợi, hai nền kinh tế tương tác và bổ sung cho nhau. Việt Nam rất cần những mặt hàng chất lượng cao về công nghệ, về đầu tư, về tài chính, về dịch vụ của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ cũng rất cần những mặt hàng Việt Nam cung cấp, và thực sự hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh mới vào được thị trường Mỹ.

Trong 30 năm qua khi quan hệ Việt – Mỹ phát triển cũng là giai đoạn đổi mới, cải cách kinh tế của và hội nhập của Việt Nam.

Năng lực của nền kinh tế Việt Nam so với 30 năm trước đã tăng lên rất nhiều, vì vậy bây giờ Việt Nam tự tin hợp tác và hội nhập với thế giới. Các hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn rất khắt khe của thị trường Mỹ và có sức cạnh tranh.

Năng lực và sức mua của nền kinh tế Mỹ rất lớn, tạo không gian cho những mặt hàng của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của họ.

Cũng cần nói rằng quan hệ chính trị tốt đã tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Về đầu tư, Mỹ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Đã có những tập đoàn và công ty chủ chốt của Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, từ tiêu dùng, sản xuất đến khoa học - công nghệ đều đã có mặt và có đại diện ở Việt Nam. Trong thời gian qua, họ đánh giá rất cao môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam, cho thấy tiềm năng chưa được phát huy hết. Riêng về đầu tư, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần làm nhiều hơn nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên đàm phán với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại sứ Jamieson Greer, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ, ngày 12/6. Ảnh: MOIT

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại phiên đàm phán với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và Đại sứ Jamieson Greer, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ, ngày 12/6. Ảnh: MOIT

Tạo sự ổn định

Theo Đại sứ, việc lãnh đạo hai nước vừa có cuộc điện đàm và hai bên đạt đượckhuôn khổ thỏa thuận về thuế đối ứng có ý nghĩa như thế nào?

Khi chính quyền Mỹ có những ưu tiên mới và thực hiện chính sách thuế quan mới, rõ ràng Việt Nam đã chủ động đối thoại để tìm giải pháp phù hợp.

Chính chủ trương chủ động tìm giải pháp thông qua thương lượng giúp hai bên đạt được kết quả. Chủ trương của Việt Nam trong đối thoại với Mỹ là muốn bảo đảm thương mại giữa hai nước công bằng, bình đẳng, hai bên cùng có lợi và mang tính bền vững.

Trong tất cả câu chuyện này, điều quan trọng nhất là phải mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tôi cho rằng Việt Nam cần phải làm một số việc. Trước hết, phải nâng cao chất lượng hàng hóa của mình để tạo sức cạnh tranh lớn hơn, trong bối cảnh thuế đối ứng khiến mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt và phức tạp hơn.

Việt Nam cũng phải lựa chọn những mặt hàng có giá trị cao, không chỉ có thể vào thị trường Mỹ mà phải tăng thêm lợi nhuận và giá trị gia tăng.

Việt Nam nên tranh thủ hợp tác nhiều hơn với Mỹ về đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ. Nội dung này đã được nêu trong Tuyên bố chung về Đối tác Chiến lược toàn diện.

Trong thời gian tới, hai bên cần phải tranh thủ hơn khía cạnh này. Việt Nam không chỉ cần nâng cao năng lực về khung pháp lý, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực mà còn phải tham gia được vào các chuỗi cung ứng của những tập đoàn hàng đầu của Mỹ, để chúng ta có thể tranh thủ những công nghệ đó.

Việc Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về thuế đối ứng sẽ tạo nên sự ổn định về chuỗi cung ứng, sự ổn định cho các nhà đầu tư. Hai bên sẽ tiếp tục thương lượng để đạt được mục tiêu cùng có lợi ở mức tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Thu Loan (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-gian-hop-tac-phat-trien-viet-nam-my-con-rat-nhieu-post1758948.tpo