Những tư liệu chưa từng hé lộ về quan hệ Việt – Mỹ
Lần đầu tiên, bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cố vấn Mỹ và Cựu hoàng Bảo Đại tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 11/10/1945 được công bố, nằm trong trưng bày '30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ' khai mạc sáng 10/7 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
“Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”- Đây là một phần bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16/2/1946 (nguồn Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ). Ảnh chụp bức thư này là một trong những tư liệu đang được giới thiệu tại trưng bày “30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ” tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, khai mạc sáng nay (10/7) tại Hà Nội.

Hình ảnh tư liệu đang được giới thiệu tại trưng bày “30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ”
Bên cạnh đó, nội dung bức thư còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề nghị Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam giành độc lập hoàn toàn và hỗ trợ trong công cuộc tái thiết đất nước từ năm 1946, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh và có tên trên bản đồ thế giới.
Trưng bày còn giới thiệu nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, chẳng hạn như hoạt động của các cố vấn Hoa Kỳ tại Việt Nam trong giai đoạn 1945-1946, với hình ảnh Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam Võ Nguyên Giáp và Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, Thiếu tá Archimedes L.A.Patti trong ngày đón quân đồng minh vào giải giáp khí giới quân Nhật ở Hà Nội, ngày 26/8/1945; Bức ảnh chụp Bác Hồ với cố vấn Hoa Kỳ và cố vấn Vĩnh Thụy ở Nhà hát lớn ngày 11/10/1945 (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh Phông nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản); Tuyên bố của Tổng thống William Jeffesson Clinton về việc thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam, công bố tại Nhà trắng ngày 11/7/1995, hiện đang lưu giữ tại Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ; Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 12/7/1995 về quyết định bình thường hóa mối quan hệ của Tổng thống Bill Clinton, hiện bản quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Lần đầu tiên, bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cố vấn Mỹ và Cựu hoàng Bảo Đại tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 11/10/1945 được công bố
Trong 3 phần nội dung của trưng bày tư liệu 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ”: Tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao; Hợp tác và phát triển; Vững bước vào kỉ nguyên mới, có thể thấy: từ việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau đi qua những cột mốc lịch sử: Ký kết Hiệp định Thương mại song phương năm 2000, xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào tháng 9/2023.
Ông Cao Huy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: Đây là sự phản ánh chín muồi và lòng tin tưởng, lợi ích lâu dài, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước. Đáng lưu ý bên cạnh những thành tựu trong lĩnh vực chính trị- ngoại giao-kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-y tế, văn hóa, du lịch… từ khi hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, việc khắc phục hậu quả chiến tranh luôn là ưu tiên của cả hai nước và đạt nhiều kết quả cụ thể: rà phá, tháo gỡ bom mìn, xử lý ô nhiễm dioxin (về phía Hoa Kỳ); hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích (về phía Việt Nam).


Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper và Đoàn công tác Trường Harvard Kennedy tham quan kho bảo quản hồ sơ, kỷ vật đi B tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, ngày 10/12/2024. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Nhân dịp này, Hội Việt-Mỹ, tổ chức “Trái tim người lính”, câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech- Hoa Kỳ tổ chức trao trả hồ sơ chứng tích chiến tranh cho các gia đình liệt sĩ và các cựu chiến binh. Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ kể lại: ông từng được chứng kiến Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng trao bộ hồ sơ của Thượng nghị sĩ John Sidney McCain trong thời gian 5 năm rưỡi tại Trại giam Hỏa Lò- “Khách sạn Hilton Hà Nội”.
Lúc ấy ông McCain đã nhận ra chữ của mình, những kỉ vật, hình ảnh với gia đình cũng như tài liệu về cuộc sống sinh hoạt của ông tại “Khách sạn Hilton Hà Nội”. Đó là khoảnh khắc thực sự cảm động! Hay như cuốn nhật kí Đặng Thùy Trâm được trở về quê nhà…Những kỉ vật đó trở về làm nhẹ đi nỗi đau cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, cũng là một hoạt động nhân văn, thể hiện tinh thần trách nhiệm và thiện chí trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh. “Chính những bước đi khắc phục hậu quả chiến tranh đó đã tạo nên sự hiểu biết, lòng tin, khởi đầu của khởi đầu để bắc cầu cho tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao”- Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nhung-tu-lieu-chua-tung-he-lo-ve-quan-he-viet-my-post1213829.vov