Không gian khám phá ngoài lớp học

Không chỉ trong lớp học, trẻ cần được khám phá thiên nhiên ở ngoài lớp học để thỏa sức sáng tạo, góp phần phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Cô Nguyễn Thị Mai Vân và trẻ cùng khám phá môi trường thú vị bên ngoài không gian lớp học. Ảnh: TG

Cô Nguyễn Thị Mai Vân và trẻ cùng khám phá môi trường thú vị bên ngoài không gian lớp học. Ảnh: TG

Hiệu quả từ mô hình “lớp học không tường”

Với cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Hà Trì (Hà Đông, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Mai Vân không ngừng nỗ lực, học hỏi nâng cao trình độ để xây dựng và lan tỏa tiết dạy học mẫu tới đồng nghiệp trong và ngoài trường. Cô cũng luôn tìm tòi và đưa ra giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Năm học 2023 - 2024, cô Vân có phương án đổi mới, mở rộng không gian học tập, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho trẻ với sự xuất hiện của các “lớp học không tường”. Điều này mang đến một làn gió mới giúp trẻ hứng thú và chủ động hơn trong học tập.

Đây là hình thức học thông qua trải nghiệm ở ngoài lớp học. Thay vì dạy trẻ chiếc lá có màu xanh, con gà kêu cục tác, cô khuyến khích giáo viên để trẻ được mắt thấy, tai nghe, từ đó nắm bắt và ghi nhớ dễ dàng hơn.

Cô Mai Vân đã kết hợp với tổ chuyên môn, đồng hành cùng giáo viên trong công tác đổi mới xây dựng kế hoạch ngân hàng - nội dung, chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm của trẻ.

Ở Trường Mầm non Hà Trì có những lớp học không bàn ghế, không bảng đen, phấn trắng nhưng là nơi khởi nguồn của nhiều bài học hay. “Thay vì ở trong một căn phòng chỉ biết đến tivi, điện thoại thì tại sao không đặt trẻ trong một khu vườn. Các em sẽ được hòa mình với thiên nhiên, lắng nghe tiếng chim hót, suối chảy, tìm hiểu về sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Bởi trẻ em vốn luôn mang nguồn năng lượng dồi dào và thích khám phá”, cô Mai Vân tâm sự.

Sau một thời gian thực hiện hiệu quả các nội dung ở “lớp học không tường”, trẻ học được kỹ năng sống cần thiết trong cuộc sống như: Lao động, tự phục vụ, giao tiếp, hợp tác trong nhóm bạn bè...

Cô Phạm Thị Kim Huế - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Trì chia sẻ, cô Mai Vân là nhà giáo tâm huyết, sáng tạo vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội vinh danh vì những cống hiến, đóng góp xuất sắc thời gian qua. Những đổi mới, sáng tạo của cô trong quản lý, giảng dạy được minh chứng bằng nhiều việc làm cụ thể và hiệu quả rõ nét.

“Với tinh thần trách nhiệm cao và tình yêu thương con trẻ, cô Mai Vân đã đem hết những gì học được qua các buổi tập huấn của cấp trên để phổ biến, chỉ đạo và thực hiện với tổ/nhóm chuyên môn. Trẻ được tham gia nhiều hoạt động để phát triển toàn diện nên phụ huynh rất yên tâm khi gửi con tại trường”, cô Huế trao đổi thêm.

 Cô Trần Thị Thập (giữa) và trẻ tại Trường Mầm non Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ.

Cô Trần Thị Thập (giữa) và trẻ tại Trường Mầm non Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ.

Lồng ghép dự án vào các hoạt động

Công tác tại Trường Mầm non Thượng Cốc (Phúc Thọ, Hà Nội) và giữ vai trò Chủ tịch Công đoàn, cô Trần Thị Thập đã mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến để phát huy sự sáng tạo của trẻ. Môi trường giáo dục là người thầy thứ ba, góp phần ảnh hưởng lớn đến sự phát triển năng lực trí tuệ của trẻ.

Vì vậy, cô Thập chủ động thay đổi từ hướng trang trí sang xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm, sử dụng hiệu quả các nguyên vật liệu rời. Chưa dừng lại ở đó, cô cùng với tập thể nhà trường cải tạo khu sảnh để trống thành một không gian mới cho trẻ hoạt động.

Là giáo viên trẻ với lòng nhiệt huyết, đam mê, yêu nghề cô đã chủ động học tập và ứng dụng các phương pháp mới vào trong giảng dạy một cách hiệu quả như STEAM. Hằng ngày, cô lựa chọn, lồng ghép các dự án vào trong các hoạt động một cách hợp lý. Từ đó, trẻ thoát khỏi sự rụt rè, nhút nhát mà tham gia hoạt động một cách tích cực, chủ động và dần hình thành các kỹ năng như: Làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thuyết trình.

Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi giáo viên phải biết ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng một số thiết bị dạy học hiện đại vào tổ chức các hoạt động cho trẻ. Để bắt kịp xu hướng thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, cô Trần Thị Thập đã chủ động học tập, ứng dụng nhiều công cụ trong giảng dạy như: Sử dụng Canva để thiết kế bài giảng điện tử, maket, phim hoạt hình, các câu chuyện...

Bên cạnh đó, cô sử dụng bộ công cụ AI để hỗ trợ quá trình soạn giáo án điện tử, thiết kế nhân vật hoạt hình, chuyển hình ảnh tĩnh thành ảnh động, tìm kiếm tài nguyên dạy học, sáng tác bài hát, bài thơ, viết kịch bản truyện ngắn cho trẻ phù hợp với các chủ đề đang thực hiện. Cô cho trẻ tiếp cận với thiết bị dạy học hiện đại như bảng tương tác thông minh, iPad để các tiết học luôn có sự đổi mới, thu hút trẻ và đạt hiệu quả cao.

Từ những kiến thức đã học kết hợp với kinh nghiệm chuyên môn nhiều năm, cô còn chủ động đề xuất với nhà trường tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Nữ nhà giáo đã “nhận lửa” và “truyền lửa” cùng thắp sáng hành trình sáng tạo trong sự nghiệp “trồng người”.

Theo cô Đặng Thị Vân Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Cốc, những điều mà cô Thập làm được tuy còn nhỏ bé nhưng cho thấy phần nào những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục trẻ tại trường mầm non. Đây cũng là minh chứng cho sự cố gắng thay đổi, luôn sáng tạo làm mới bản thân, cập nhật kiến thức phù hợp với học trò của một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết và yêu nghề.

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, 70 năm truyền thống ngành Giáo dục Thủ đô, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8, năm 2024. Theo đó, cô Nguyễn Thị Mai Vân - Trường Mầm non Hà Trì và cô Trần Thị Thập đến từ Trường Mầm non Thượng Cốc đều được tuyên dương sau nhiều nỗ lực, cố gắng và đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-gian-kham-pha-ngoai-lop-hoc-post712136.html