'Không gian lịch sử - văn hóa Kinh đô Hoa Lư là giá trị đặc trưng, định dạng thương hiệu đô thị Ninh Bình'
Báo Ninh Bình: Thưa giáo sư, là một người tâm huyết, có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng, ông có thể cho biết vai trò của Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Đinh Bộ Lĩnh là người động Hoa Lư, trong bối cảnh đất nước vừa mới thoát ra khỏi ách đô hộ nghìn năm của phương Bắc, đã bị lún sâu vào tình cảnh phân rã, loạn ly, ông xây dựng quê hương mình thành căn cứ địa, thành đại bản doanh của công cuộc xóa bỏ cục diện cát cứ, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, sáng lập vương triều Đinh và định đô Hoa Lư, mở ra bước phát triển xứng tầm của quốc gia Đại Việt. Lâu nay sử sách thường chỉ căn cứ vào Dư địa chí của Nguyễn Trãi và Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV để mặc nhiên thừa nhận nước ta dưới thời Đinh - Lê là nước Đại Cồ Việt.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư nhìn từ trên cao.
Cũng có thể dưới thời Đinh - Lê, nước ta còn có tên là Đại Cồ Việt (hay còn gọi là Nam quốc; Nam Việt quốc…), nhưng có lẽ không phải là quốc hiệu chính thức (vì không có tài liệu gốc nào xác nhận điều này). Trong khi đó Khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt những viên gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" (gạch xây quân thành nước Đại Việt) là tư liệu vật thật, nguyên gốc và tuyệt đối chính xác nằm ngay trong tường thành Hoa Lư thời Đinh, đã minh chứng hiển nhiên rằng Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Việt và chọn Hoa Lư làm kinh đô đầu tiên. Hoa Lư nằm ở vị trí tối ưu của quốc gia Đại Việt khi đó nên có thể cùng một lúc huy động được cao độ các nguồn lực từ mọi miền đất nước, không chỉ góp phần khẳng định vị thế của chính thể trung ương tập quyền đầu tiên, nâng tầm quốc gia dân tộc, mà còn bảo vệ an toàn cho vương triều và đất nước trong những hoàn cảnh phức tạp, khó lường.
Kinh đô Hoa Lư đã nuôi lớn sự nghiệp của Lý Công Uẩn, giúp Lý Công Uẩn mở rộng tầm nhìn, cách nghĩ, sáng lập vương triều Lý và dồn tâm, dốc sức hoàn thành sự nghiệp dời đô Hoa Lư và định đô Thăng Long, xây dựng kinh đô mãi mãi muôn đời của đất nước vẫn theo mẫu hình Cố đô Hoa Lư, tạc hình dáng Hoa Lư trong mỗi chặng đường phát triển của kinh đô Thăng Long.
Báo Ninh Bình: Qua các nghiên cứu cho thấy Hoa Lư được chọn là kinh đô thời bấy giờ không chỉ bởi địa thế "thủ hiểm" mà còn là lợi thế của "vùng đất giao thủy, giao thương, giao rừng, giao biển". Theo Giáo sư, Ninh Bình nên phát huy nền tảng này như thế nào trong quá trình tiến tới một đô thị di sản văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước và có tầm vóc quốc tế?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Có nhiều người chỉ nhìn thấy Hoa Lư là tòa thành quân sự thủ hiểm, mà không nhận ra đây là vùng đất giao thủy, giao thương, giao rừng, giao biển. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước GS Trần Quốc Vượng đã chỉ rõ đây là vùng đất "quá độ", "bản lề" và "liền khoảnh", mà Đinh Tiên Hoàng sớm nhận ra và khai thác triệt để những lợi thế trời cho này để xây dựng kinh đô đúng tầm của một nhà nước quân chủ tập trung đang trên bước đường khẳng định vị thế của mình.
Quang cảnh Cố đô Hoa Lư dịp lễ hội.
Đô thị Hoa Lư vì thế đã dần dần trở thành đô thị trung đại sớm nhất và tiêu biểu nhất của quốc gia Đại Việt khi đó. Giá trị bản sắc của đô thị ấy vẫn tiếp tục được phát huy một khi chính quyền và người dân vẫn còn quan tâm và có điều kiện khai thác lợi thế giao thủy, giao thương, giao rừng, giao biển này. Chỉ đến khi chúng ta chuyển sang cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp theo mô hình sản xuất nông nghiệp công điền độc canh cây lúa nước thì các lợi thế này mới không còn và Ninh Bình mới thành vùng nông thôn hẻo lánh, nông nghiệp kém phát triển.
Rất mừng là từ ngày tái lập tỉnh Ninh Bình (1-4-1992) đến nay, Ninh Bình đã tập trung cao độ trí tuệ và công sức cho công cuộc kiến tạo mới trên nền tảng các lợi thế của địa phương và các giá trị truyền thống đã được tạo lập từ thời Kinh đô Hoa Lư. Và thực tế đã chứng minh là hơn 30 năm qua, Ninh Bình đã thành công và có bước phát triển rất ấn tượng. Những giá trị nổi bật của đô thành - đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, cũng như của đô thị - cảng thị trung đại tựa núi, nhìn sông, mở ra Biển Đông đầu tiên ở khu vực phía Bắc, đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử - văn hóa Kinh đô Hoa Lư, làm nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh mẽ và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành đô thị di sản văn minh, hiện đại - thành phố trực thuộc trung ương đại diện cho cực tăng trưởng ở phía Nam châu thổ sông Hồng.
Báo Ninh Bình: Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Kinh đô Hoa Lư. Tuy nhiên, theo Giáo sư còn những dư địa nào để Ninh Bình khai thác sâu hơn các giá trị cốt lõi của di sản phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội?
Đúng là Ninh Bình đã làm rất tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Kinh đô Hoa Lư, nhưng thật ra đấy mới chỉ là những kết quả bước đầu. Phần lớn những di tích, di vật, những kỳ tích của tổ tông ở tòa thành Hoa Lư, đặc biệt ở khu vực đô thị - cảng thị Hoa Lư vẫn còn nằm im trong lòng đất đang chờ nhát cuốc của nhà Khảo cổ học.
Nhận thức của chúng ta về Kinh đô Hoa Lư tuy đã được cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn nghèo nàn và đơn điệu, nặng về các giả thiết và dự đoán. Mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản không thể không dựa trên nguyên tắc phải hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu chuẩn xác về di sản. Từ năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và Ninh Bình đã tận dụng được cơ hội này để phát triển du lịch, mở ra công nghiệp văn hóa - du lịch. Việc khai thác và bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên chưa thật đồng bộ và hiệu quả chưa thật cao.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trong dịp Lễ hội Hoa Lư.
Du khách nước ngoài tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Ninh Bình được xác định là cực tăng trưởng ở phía Nam châu thổ sông Hồng, mà lợi thế căn bản của nó là sức mạnh liên kết, kết nối giữa các vùng miền; giữa núi rừng, đồng bằng với sông biển; giữa thiên nhiên độc đáo với văn hóa giầu bản sắc đều mang giá trị nổi bật toàn cầu; giữa di sản và du lịch, du lịch và công nghiệp văn hóa; giữa quá khứ với hiện tại và tương lai... Đây là những bài toán tổng hợp - liên ngành vô cùng khó, nhưng không thể không tìm ra lời giải thỏa đáng làm tiền đề cho phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
Báo Ninh Bình: Dưới góc độ là nhà nghiên cứu lịch sử, Giáo sư đánh giá như thế nào về việc Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" vào thời điểm này?
Đại hội XIII của Đảng khẳng định "Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế", đã thực sự tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ và thực chất trên phạm vi toàn quốc, trong đó Ninh Bình là một trong những địa phương đi đầu.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018).
Hơn thế, trong thời gian gần đây các địa phương đều gấp rút hoàn thành việc lập quy hoạch chung nên việc Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" vào thời điểm này là đáp ứng yêu cầu rất cấp bách của cuộc sống thực tiễn.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022).
Đêm xuân thành phố Ninh Bình.
Tôi còn biết sau Hội thảo này Ninh Bình tiếp tục tổ chức Hội thảo về Luận cứ xây dựng Ninh Bình thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng Cố đô Hoa Lư, phát huy các giá trị độc đáo, tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, hướng đến mục tiêu năm 2035, tầm nhìn 2045.
Các cuộc hội thảo đều cố gắng tìm mọi cách làm sống dậy Kinh đô Hoa Lư thời kỳ đỉnh cao huy hoàng, với sức hội tụ và lan tỏa vượt không gian và thời gian, để làm bệ đỡ vững vàng, bồi đắp niềm tin và ý chí, tạo nguồn lực đủ mạnh cho Ninh Bình vươn lên tầm cao mới. Đây là thời cơ có khi cả trăm năm mới xuất hiện một lần.
Báo Ninh Bình: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!