Đại diện Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết, cảnh quan sân vườn ở khu vực hồ Văn được thay “áo” mới, toàn bộ nền sân được lát đá, phần kè hồ và lan can được sơn sửa lại, tăng cường hệ thống chiếu sáng, bổ sung thêm cây xanh…
Tại Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025, các triển lãm diễn ra ở cả không gian hồ Văn và khu nội tự phục vụ du khách tham quan.
Đặc biệt trong số đó có triển lãm thư pháp “Thực học” trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ, giới thiệu những áng thơ văn bất hủ về Thăng Long - Hà Nội và tinh hoa đạo học cổ nhân.
Hội chữ Xuân còn hấp dẫn du khách với hoạt động xin chữ đầu năm tại 47 gian lều của các ông đồ, cùng nhiều chương trình văn hóa đặc sắc, biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại khu nội tự, vườn Giám và hồ Văn.
Thời gian bắt đầu Hội chữ Xuân từ ngày 23/1 đến ngày 9/2 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Hội chữ Xuân là sự kiện văn hóa đặc sắc chào đón năm mới.
Hội chữ là hoạt động thường niên vừa tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức qua 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm, Quốc ngữ, vừa là không gian lễ hội vui tươi và an toàn.
Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 còn là nơi gặp gỡ, đối thoại giữa các giá trị văn hóa truyền thống với hơi thở cuộc sống đương đại, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng tinh thần học tập, sáng tạo của thế hệ trẻ và kết nối gia đình trong mùa Xuân mới tràn đầy hi vọng.
Hội chữ Xuân năm nay rất hấp dẫn với hoạt động xin chữ đầu năm tại 47 gian lều của các nhà thư pháp được chọn lựa kỹ lưỡng thông qua khảo tuyển, cùng nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như: Giáo dục di sản, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...) tại khu Nội tự, vườn Giám và hồ Văn.
Bên cạnh đó còn diễn ra 3 cuộc triển lãm: Triển lãm thư pháp “Thực học” trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ, giới thiệu những áng văn thơ về Thăng Long – Hà Nội và tinh hoa tri thức đến từ di sản của các danh nhân như Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, trọng thầy, trọng chữ của dân tộc Việt Nam.
Thiên Anh