Không gian văn hóa người Mạ trong lòng Đà Lạt

Lần đầu tiên đến với Festival hoa Đà Lạt năm 2019 (từ ngày 20 đến 24-12) du khách đã được chiêm ngưỡng không gian văn hóa của người Mạ, một dân tộc thiểu số sống ở bờ Bắc thượng nguồn sông Đồng Nai, dưới chân dãy Nam Trường Sơn hùng vĩ.

Điểm nhấn khác biệt trong dịp Festival hoa Đà Lạt lần này so với 7 lần trước chính là không gian văn hóa của người Mạ bên cạnh bờ hồ Xuân Hương, giữa lòng Đà Lạt. Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Thị Nga cùng cộng sự đã dành nhiều thời gian, tâm huyết trong việc nỗ lực tái hiện, phục dựng lại không gian này để giới thiệu tới bạn bè, công chúng trong và ngoài nước. Nhiều du khách được khám phá, tìm hiểu về đời sống hôn nhân, phong tục tập quán, tâm linh tín ngưỡng nguyên thủy của người Mạ.

Theo bà Đinh Thị Nga, người nhiều năm dành công sức nghiên cứu về văn hóa người Mạ, thật ra khi mới xây dựng, căn nhà của bà con người Mạ không dài như chúng ta vẫn thường thấy. Khi mới dựng nhà, đôi vợ chồng trẻ thường dựng căn nhà vừa đủ để ở. Nhưng, cộng đồng người Mạ vốn có lối sống của một gia đình với nhiều thế hệ.

Cứ mỗi thành viên trong nhà lập gia đình, đôi vợ chồng trẻ phải tự đi chặt cây, lấy lá mây để nối vào với ngôi nhà của ông bà, bố mẹ, cho đến khi ngôi nhà dài thườn thượt. Mỗi một cặp vợ chồng có riêng một bếp lửa và một nhà kho đựng lúa. Trong ngôi nhà dài dù có tới 9 đến 10 cặp vợ chồng cũng chỉ có một bàn thờ thần Mặt Trời vàmột cây nêu uống rượu cần.

Tái hiện không gian văn hóa người Mạ trong lòng Đà Lạt.

Tái hiện không gian văn hóa người Mạ trong lòng Đà Lạt.

Ngôi nhà dài trưng bày ở hồ Xuân Hương được cho là ngôi nhà dài duy nhất của người Mạ ở Lâm Đồng còn sót lại cho đến nay. Chủ đầu tiên của căn nhà là già làng Điểu KBanh và gia đình em rể Điểu KRư làm từ cách đây 50 năm ở buôn Go, huyện Cát Tiên. Cột nhà được làm bằng gỗ mun nên ngôi nhà có thể tồn tại trên được 200 năm.

Cùng với nhà dài là rất nhiều vật dụng, chum ché, ghè cổ, công cụ lao động sản xuất, săn bắn, hái lượm gắn liền với cuộc sống núi rừng. Cuộc sống của cư dân người Mạ không thể tách rời với tín ngưỡng tâm linh và lễ hội truyền thống. Rượu cần là thứ chưa bao giờ vắng mặt trong các sự kiện quan trọng. Ở những ngôi nhà sàn truyền thống, rượu luôn đầy ắp trong các ghè, chóe. Thảo dân mở rượu cần trong bất cứ dịp nào, nhất là khi có khách từ nơi xa đến. Rượu cần đã mở, tiếng cồng chiêng cũng bắt đầu nổi lên, lúc trầm khi bổng, khi gần, lúc xa, nhiệt thành chào đón người bạn phương xa hay mùa lúa mới, một chàng rể hay đứa trẻ chào đời…

Theo nhà nghiên cứu Đinh Thị Nga, với cư dân người Mạ ở Lâm Đồng, từ xa xưa, ghè, chóe được coi là của cải, báu vật… Chóe không chỉ để ủ rượu cần mà trở thành lễ vật trong hôn nhân mẫu hệ. Cổ dân Tây Nguyên quan niệm rằng, chóe cũng có đời sống của riêng nó. Người Mạ còn có lễ riêng để cúng chóe, nuôi chóe…

Khi cha mẹ còn sống, họ thường tặng con những chiếc chóe quý. Họ thường xuyên ủ rượu đầy trong chóe với niềm tin rằng cha mẹ lúc nào cũng có rượu để uống. Cũng từ đó, những chiếc chóe đó không bao giờ được mua bán, trao đổi nữa. Những chiếc chóe như vậy thường được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành linh vật thiêng liêng, gắn bó, gần gũi với tộc họ.

Trong không gian văn hóa người Mạ bên tái hiện hồ Xuân Hương nhân sự kiện Festival hoa Đà Lạt năm 2019, những ghè, chóe này cũng đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, trưng bày, giới thiệu tới du khách.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/khong-gian-van-hoa-nguoi-ma-trong-long-da-lat-574930/