Không hạ chuẩn tín dụng

'Chính sách tiền tệ, tín dụng không thể nào hạ chuẩn được. Hạ chuẩn chỉ giải quyết được trước mắt nhưng lâu dài lại 'gay', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong phiên họp ngày 16-10-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2023, báo cáo của Chính phủ khẳng định, nền kinh tế nước ta “vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu”. Trên cơ sở kết quả của chín tháng đầu năm, Chính phủ ước cả năm 2023 sẽ đạt và vượt ít nhất 10/15 chỉ tiêu, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Tuy nhiên, trong số năm chỉ tiêu không đạt, có nhiều chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng như: tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, GDP chín tháng đầu năm 2023 tăng 4,24%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của chín tháng các năm 2020 và 2021 (bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19) trong giai đoạn 2011-2023. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, đây là mức tăng rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trong bối cảnh năm thứ 2 thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Kết quả này tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quí cuối năm nay. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn năm năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn.

Trong Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng sự giảm tốc này cùng với kết quả tăng năng suất lao động thấp trong những năm qua có nguyên nhân công tác điều hành thiên về các chính sách quản trị tổng cầu mà thiếu tập trung vào những chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong dài hạn, nhất là các chiến lược thúc đẩy động lực nội sinh của nền kinh tế. Đáng chú ý, có ý kiến nhận xét, số liệu tăng trưởng GDP không phù hợp với quy luật vì một số chỉ tiêu quan trọng khác giảm hoặc tăng thấp như xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp hầu như không tăng trưởng, chỉ số tiêu dùng điện chỉ tăng ở mức thấp 2%.

Dù vậy, khi xây dựng kế hoạch phát triển năm 2024, Chính phủ đề xuất phương án tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là 4-4,5%. Chính phủ không nêu luận cứ của đề xuất này.

Nhìn lại một số năm gần đây, kết quả thực hiện và mục tiêu đề ra không sát, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng và lạm phát. Đơn cử, năm 2022, mục tiêu GDP khoảng 6-6,5%, kết quả thực hiện là 8,02%; năm 2023, mục tiêu khoảng 6,5% và kết quả nhiều khả năng thấp hơn khá nhiều. Hoặc khi trình Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Chính phủ đề xuất nới chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân lên khoảng 4,5%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu của các năm trước. Tuy nhiên, thực tế, bình quân tám tháng qua chỉ số CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ và ước cả năm tăng khoảng 3,5%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra.

Trước thực tế như vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ khoa học và thực tiễn xây dựng phương án tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng CPI năm 2024; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 như Chính phủ xây dựng; trong đó có chỉ tiêu về GDP và CPI. Về giải pháp cho năm tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung tăng cường năng lực nội sinh thông qua đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động; quan tâm phát triển doanh nghiệp nội địa và công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững; củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế…

Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tinh thần là phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của năm 2023 và 2024 để góp phần hoàn thành kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Năm 2024 tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn nhưng phải gắn với những vấn đề dài hạn.

Chẳng hạn, “chính sách tiền tệ nếu chỉ nhìn ngắn quá cũng không được”. Theo Chủ tịch Quốc hội, “chính sách tiền tệ, tín dụng không thể nào hạ chuẩn được. Hạ chuẩn chỉ giải quyết được trước mắt, nhưng lâu dài lại “gay”. Mục tiêu cuối cùng vẫn phải củng cố nền tảng, vì một trong những trọng tâm của tái cơ cấu là tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ, nâng cao sức cạnh tranh, có thể chống được va đập của các cú sốc bên trong, bên ngoài. Đây là nhiệm vụ không thể nào không lưu tâm, nhất là trong điều kiện nền kinh tế độ mở lớn, thế giới thì biến động mạnh”.

Nhìn rộng ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giai đoạn này rất phù hợp để đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Làm gì thì làm vẫn phải bám chuyện dài hạn. Tập trung củng cố, hoàn thiện thể chế, các nền tảng để chúng ta bắt được đáy và lên được sớm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

An Nhiên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khong-ha-chuan-tin-dung/