Không hòa hợp với gia đình nhà chồng có nên ly hôn?

Tôi đã nhiều lần đề nghị vợ chồng chuyển ra ngoài sống cho thoải mái và cuối tuần về với bố mẹ nhưng anh ấy không chịu nói có nhà cao cửa rộng hà cớ gì không ở lại đi thuê nhà.

Tôi gặp anh năm 18 tuổi khi vừa chân ướt chân ráo đặt chân sang Anh du học, anh hơn tôi 5 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa cũng sang đấy du học. Hai con người trẻ tuổi, năng động, xa quê nhanh chóng tìm được sự đồng điệu và gắn bó với nhau.

Khoảng thời gian ấy chúng tôi rất hạnh phúc, cùng ăn, cùng ngủ, cùng lên giảng đường, cùng đi chơi. Thế giới hai người mới tuyệt vời làm sao.

Anh là một người con trai Hà Nội, không phải gốc nhưng gia đình anh có nhiều đời sống tại Hà Nội. Bố mẹ anh đều làm nhà nước, gia đình anh gia giáo và truyền thống, có những quy tắc bất di bất dịch như phụ nữ phải chăm lo nhà cửa, sinh con, phục vụ đàn ông, còn đàn ông thì chỉ cần kiếm tiền là đủ rồi, có thể ngồi một chỗ chỉ tay 5 ngón đợi người khác phục vụ.

Trong khi đó, tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, bố mẹ tôi đều làm kinh doanh buôn bán nên rất thoải mái. Bố tôi là người đàn ông tâm lý, chiều chuộng vợ con, ông có thể một tay làm việc một tay cầm gói xôi để ăn cũng không vấn đề gì. Trong khi đó, bố chồng tôi ăn uống cầu kỳ, phải bày biện trang trí, nấu nướng rất cầu kỳ bao nhiêu là món, xong lại ăn một chút để thừa quá nhiều.

Bố mẹ tôi mặc dù đã ly hôn từ khi tôi mới 12 tuổi nhưng không ai đi bước nữa cả, họ vẫn cư xử với nhau như những người bạn lịch thiệp chan hòa và cùng chăm lo cho tôi từ vật chất đến tinh thần chẳng thua kém bất cứ ai.

Tuy tôi và anh ấy sinh ra và lớn lên trong những môi trường khác biệt như thế nhưng vẫn tìm được sự đồng điều, 5 năm sống bên nước ngoài, cuộc sống rất ổn không vấn đề gì, làm cùng làm, mệt cùng nghỉ, rất vui.

Khi về đến Việt Nam, cứ ngỡ là hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn. Nhưng không, kết hôn xong về sống chung với bố mẹ, anh ấy lại dần dần quay về với con người trước đây của mình. Anh ấy như biến thành một người khác: Gia trưởng, khắt khe, độc đoán, khó tính, nghiêm trọng hóa vấn đề một cách quá mức.

Anh không còn tâm lý, ga lăng như tôi từng biết, hay đây mới là bản tính thật sự của anh, trước đó bên nước ngoài đều là trình diễn.

Cuộc sống với nhà chồng khiến tôi rất mệt mỏi và khó chịu, tôi đã cố gắng nhưng không thể hòa hợp nổi. Gia đình rất có điều kiện nhưng không cho tôi thuê người giúp việc vì bố mẹ chồng không muốn có người lạ trong nhà. Vì thế cuối tuần thay vì được ngủ nướng sau chuỗi ngày làm việc mệt nhọc, cả nhà phải thức dậy để lau chùi dọn dẹp nhà cửa.

Nhà chồng chủ trương ăn cơm nhà, hạn chế ăn bên ngoài vừa tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh vừa để các thành viên quây quần tâm sự gia tăng gắn kết. Nhưng gắn kết đâu không thấy chỉ thấy áp lực, gò bó.

Từ hồi về làm dâu, số lần tôi được cùng bố mẹ chồng và chồng đi ăn nhà hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày bình thường ăn ở nhà đã đành, mấy ngày tụ tập cả gia đình lại ăn liên hoan đến 30 - 40 người vẫn phải làm ở nhà khá mệt mỏi vì người ăn thì có người làm thì không. Lại còn rất nhiều những quy tắc khác nữa như phải về nhà trước 10h tối hay luôn phải ăn nói lịch sự khiến tôi thấy vừa nực cười vừa bức xúc.

Tôi đã cố gắng để hòa hợp với nếp sống ở nhà chồng nhưng không thể, tôi thấy bơ vơ lạc lõng khi mình đã đi từ trong Nam ra đây làm dâu nhưng lại không nhận được sự bao bọc che chở bênh vực của chồng. Anh ấy luôn đứng về phía gia đình mình chống lại tôi, với anh gia đình anh lúc nào cũng đúng, mẹ anh lúc nào cũng tuyệt vời nhất, bác bỏ tất cả những ý kiến đóng góp của vợ.

Tôi đã nhiều lần đề nghị vợ chồng chuyển ra ngoài sống cho thoải mái rồi cuối tuần về với bố mẹ nhưng anh ấy không chịu, nói có nhà cao cửa rộng hà cớ gì không ở lại đi thuê nhà. Anh ấy còn bảo mình là con một phải ở với bố mẹ để báo hiếu.

Tôi thấy rất vô lý, nếu không thể hòa hợp trong suy nghĩ, thói quen sinh hoạt, ăn uống thì có thể chuyển ra sống gần nhà bố mẹ để giữ sự tôn trọng và tránh những mâu thuẫn, va chạm không đáng có. Như vậy có gì không tốt, đâu phải không sống cùng bố mẹ là bỏ rơi bố mẹ. Tôi từ trong Nam xa xôi ra đây lấy chồng, mỗi năm về thăm bố mẹ được 1,2 lần thì sao? Anh ấy chỉ biết nghĩ cho mình thôi chưa từng đặt mình vào hoàn cảnh của tôi.

Chồng tôi còn muốn tôitrở thành người giống như mẹ và chị gái anh ấy, tháo vát, đảm đang, có sự nghiệp vẻ vang nhưng vẫn chiều chồng, nuôi con, việc nước việc nhà đâu ra đấy. Tôi rất khâm phục hai người họ nhưng không làm được như họ. Tôi muốn tập trung lo cho sự nghiệp ổn định một chút cho bõ bao năm ăn học tốn kém của bố mẹ còn tất cả những gì nhà chồng em cần là một người con dâu hiền thảo, chỉ cần đi làm cho có công việc còn tập trung sinh con, chăm lo nhà cửa, hỗ trợ chồng, sống an phận thủ thường.

Lại đến chuyện con cái, bố mẹ chồng tôi đã về hưu nên mong ngóng cháu nội từng ngày. Còn tôi thì đang có một chút bệnh trong người nên muốn chữa khỏi hoàn toàn mới mang bầu để tránh lây cho con. Nhưng tôi giải thích như vậy cả nhà không tin, cho là tôi cố trì hoãn để được bay nhảy hoặc không có ý định gắn bó lâu dài với anh nên không muốn để có con cho đỡ ràng buộc. Tôi mệt với những suy diễn ấy và chẳng muốn giải thích nữa.

Đến lúc này tôi quyết định sẽ ly hôn, tôi thấy mệt mỏi, cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình, chẳng phải vì hết yêu mà vì không cố gắng nổi nữa. 5 năm yêu nhau, gần 5 năm hôn nhân, cả thanh xuân của tôi, mối tình đầu của tôi tiếc chứ nhưng thôi chấm dứt thôi, tiếp tục sẽ chỉ khiến tất cả cùng mệt mỏi.

Tôi chủ động nói ra lời chia tay, trả lại cho anh tự do, mỗi người đi tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình, tìm mảnh ghép phù hợp với mình. Tôi sẽ về Nam, về với gia đình thân yêu của mình, sẽ dời ra Hà Nội, chẳng còn điều gì lưu luyến nơi đây.

Câu nói chia tay nói ra sao dễ dàng mà nói xong lòng lại nặng trĩu. Tôi thấy đau lòng, hụt hẫng, nuối tiếc không hiểu mình đã sai từ đâu. Tôi thấy trống rỗng không biết phải làm sao mới đúng, liệu sau này nhìn lại tôi có hối hận không, liệu tôi có quá cố chấp khôn đòi ly hôn chỉ vì không thể hòa hợp văn hóa nhà chồng.

Tôi nên ly hôn như đã định hay tiếp tục cuộc sống ngột ngạt, bế tắc như hiện nay. Mong mọi người cho tôi lời khuyên!

* Bài viết trên đây được viết lại theo chia sẻ được gửi đến Hộp thư gỡ rối Tuệ An.

Thủy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/khong-hoa-hop-voi-gia-dinh-nha-chong-co-nen-ly-hon-Ry1hlfQng.html