Không hoàn thành công việc và hệ quả pháp lý

Trước hết cần khẳng định rằng, việc không thường xuyên hoàn thành công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức hay người lao động là họ phải có ít nhất 2 năm liên tiếp được cơ quan, đơn vị hay người sử dụng lao động đánh giá là không hoàn thành nhiêm vụ. Và theo quy định tại Khoản 3, Điều 58 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức thì việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ được quy định như sau: Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, căn cứ theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại công chức thì nếu trong 2 năm liên tiếp, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu có một trong các tiêu chí sau sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và bị buộc thôi việc: Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá; Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp và sẽ bị cho nghỉ việc, nếu có: Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ; Cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Cũng theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP, nếu viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ: Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

Với viên chức quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ: Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá. Và cũng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, thì viên chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ cũng sẽ bị buộc thôi việc.

Trên đây là những quy định về việc không hoàn thành nhiệm vụ và hệ quả pháp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức. Còn đối với người lao động, cơ sở để pháp lý để người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc ở chỗ thế nào là không thường xuyên hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động?Vì cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa raquy định cụ thể thế nào là không thường xuyên hoàn thành công việc? Trong khi đó, theo Bộ luật Lao động thì việc này phải được quy định trong Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành và trước đó phải có tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở. Theo đó, thủ tục ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động có 2 nội dung chính, là:

Thứ nhất là người sử dụng lao động phải xây dựng dự thảo quy chế. Trong đó bao gồm các quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp. Theo đó, các phòng, ban trong doanh nghiệp phối hợp để xây dựng dự thảo quy chế. Nội dung quy chế có thể gồm các nội dung: nguyên tắc đánh giá, trình tự, thời điểm đánh giá, thang điểm, thẩm quyền đánh giá. Thứ hai, người sử dụng lao động phải phải lấy ý kiến công đoàn cơ sở trước khi ra quyết định ban hành quy chế. Nội dung của quy trình này là người sử dụng lao động sẽ làm việc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở để trao đổi, lấy ý kiến, trên cơ sở có sự thống nhất. Sau đó người có thẩm quyền của doanh nghiệp sẽ ký quyết định ban hành quy chế này. Quy chế này cũng cần được thể hiện, ghi nhận trong Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.

Như vậy, để tránh những phiền hà, rắc rối do khiếu nại, khiếu kiện của người lao động sau khi bị buộc thôi việc, ngoài việc quy định các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động, người sử dụng lao động cần phải quy định cụ thể như các tiêu chí thế nào là “thường xuyên”. Cụ thể là việc quy định số lần, thời gian, mức độ thiệt hại…, mà người lao động vi phạm gây ra tại thời điểm người lao động không hoàn thành được chỉ tiêu công việc được giao.

Lg. Như Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/135335/khong-hoan-thanh-cong-viec-va-he-qua-phap-ly