Không khan hiếm lao động, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đề phòng

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song 98% doanh nghiệp và người lao động vẫn đang hoạt động.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thông qua các đợt kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp, ngay sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 30/1), đã có 85% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất, với hơn 98% số công nhân lao động trở lại làm việc.

Thị trường lao động không có nhiều biến động dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa, Vietnamnet)

Thị trường lao động không có nhiều biến động dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa, Vietnamnet)

Còn theo Liên đoàn lao động TP HCM, nhiều doanh nghiệp, người lao động đã sớm trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết. Hầu hết lao động tại các Khu Công nghiệp - Khu Chế xuất, các công ty có vốn Nhật Bản đã làm việc trở lại từ ngày 30/1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song tỷ lệ lao động quay lại làm việc sau Tết vẫn đạt 98%.

"Bộ đã thành lập các đoàn khảo sát đi đến các địa phương, nhận thấy người lao động đã trở lại làm việc và có thể thấy không khí lao động, sản xuất của các doanh nghiệp cũng như của người dân rất tốt. Sau Tết Nguyên đán năm nay, thị trường lao động không biến động nhiều. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm lao động như một số năm trước không xảy ra, do các doanh nghiệp đã chủ động rất sớm về lực lượng lao động cũng như các chế độ đối với người lao động.

Có thể thấy đến thời điểm này, cả nước có 98% doanh nghiệp và người lao động đã trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh hiện tại, chúng ta cũng phải lường hết các tình huống. Nếu tình hình dịch có thể còn kéo dài, với nguồn nguyên liệu phụ thuộc, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa", Bộ trưởng Dung cho hay.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung lo ngại rằng, khi có khó khăn về nguyên liệu, dễ dẫn đến tình trạng một bộ phận công nhân phải nghỉ việc tạm thời, hoặc dịch chuyển sang những công việc khác, gây biến động cho thị trường lao động. Tuy nhiên, Bộ Trưởng cũng dự báo rằng, nếu có biến động, cũng không lớn, nhất là với lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn.

Song tình trạng thất nghiệp cũng có thể sẽ gia tăng ở khu vực sản xuất có tính chất sử dụng nhiều lao động như giày da, may mặc hay một số ngành nghề phụ thuộc nguyên liệu từ phía Trung Quốc và những nước bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19./.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH của 22/63 tỉnh, thành phố, có 8.773 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trong đó, lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); lĩnh vực vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%)... Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng, nhưng số lượng không nhiều. Riêng về số lao động bị mất việc làm, tại 22/63 tỉnh, thành phố là 1.027 người, chủ yếu rơi vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...

N.T/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-khan-hiem-lao-dong-nhung-doanh-nghiep-van-phai-de-phong-1011568.vov