Không khí bình yên lạ thường tại thủ đô khi Niger đối mặt với hạn chót can thiệp quân sự

Sáng 6/8, thủ đô của Niger vẫn đắm chìm trong bầu không khí yên bình khi dường như phần lớn người dân không mấy để tâm đến lời cảnh báo can thiệp quân sự của khối khu vực Tây Phi và tối hậu thư dành cho chính quyền quân sự đảo chính.

Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban các Tư lệnh quốc phòng ECOWAS về Niger ở Abuja, Nigeria ngày 2/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban các Tư lệnh quốc phòng ECOWAS về Niger ở Abuja, Nigeria ngày 2/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên hãng tin Reuters, trên đường phố thủ đô Niamey, thỉnh thoảng xuất hiện bảng biểu ủng hộ chính quyền quân sự, với nội dung không khuất phục trước áp lực bên ngoài để từ chức sau cuộc đảo chính ngày 26/7.

Cuộc đảo chính thứ bảy ở Tây và Trung Phi trong 3 năm đã làm rung chuyển khu vực phía Tây Sahel, một trong những khu vực nghèo nhất thế giới và có ý nghĩa chiến lược đối với Nga, Trung Quốc và phương Tây.

Khoảng 100 người đã thiết lập một hàng rào gần một căn cứ không quân ở Niamey và cam kết sẽ phản kháng bất bạo động để ủng hộ chính quyền quân sự mới nếu cần.

Ngày 30/7, các nhà lãnh đạo quốc phòng của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã thống nhất về một động thái quân sự, bao gồm thời điểm và địa điểm tấn công, nếu tổng thống bị giam giữ, Mohamed Bazoum, không được trả tự do và phục hồi quyền lực trong ngày 6/8.

Trước các lệnh trừng phạt của ECOWAS, một số nơi tại Niamey đã bị cắt điện và giá thực phẩm cơ bản tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương dường như không nản lòng.

“Tôi không lo lắng vì tôi biết rằng bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào của ECOWAS ở Niger sẽ gây tổn thất cho tổ chức này. Đó không phải là lợi ích mà các nhà lãnh đạo ECOWAS mong đợi”, Hadjo Hadjia, một người dân 59 tuổi, cho biết khi đi qua một con đường gần như vắng vẻ ở thủ đô vào sáng 6/8. Lễ mừng đám cưới trên khắp thành phố, thường được tổ chức vào cuối tuần, vẫn tiếp tục diễn ra như thường lệ.

Về phần mình, ECOWAS đã không đưa ra bình luận về các bước tiếp theo sẽ là gì hoặc chính xác khi nào hành động quân sự diễn ra khi hạn chót đã đến.

Cam kết của khối đã gây ra lo ngại về một cuộc xung đột tiếp theo trong một khu vực vốn đang vật lộn với một cuộc nổi dậy Hồi giáo cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và buộc hàng triệu người phải chạy trốn.

Theo truyền thông địa phương, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune nói rằng ông kiên quyết phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào Niger.

“Một cuộc can thiệp quân sự có thể thiêu cháy toàn bộ khu vực Sahel và Algeria sẽ không sử dụng vũ lực với các nước láng giềng”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tối 5/8.

Chủ tịch Thượng viện Nigeria Godswill Akpabio ngày 6/8 cho biết cơ quan lập pháp này đã kêu gọi ECOWAS tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc đảo chính quân sự ở Niger. Trong phiên họp toàn thể hôm 5/8, ông Akpabio đã đại diện cho Thượng viện Nigeria kêu gọi Tổng thống Tinubu thúc giục các nhà lãnh đạo ECOWAS khác thúc đẩy những cơ hội chính trị và ngoại giao để giải quyết vấn đề chính trị ở Niger. Bên cạnh đó, Thượng viện Nigeria thừa nhận Tổng thống Tinubu đã không đề xuất với quốc hội nước này về việc “phát động cuộc chiến” (ở Niger) trong bức thư của gửi hôm 4/8.

Sự ủng hộ dành cho các nhà lãnh đạo trong cuộc đảo chính của Niger từ các nhóm quân sự ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso có thể làm suy yếu phản ứng của khu vực. Cả hai nhóm đều nói rằng họ sẽ bảo vệ Niger.

Ngày 5/8, Pháp tuyên bố hỗ trợ các nỗ lực lật ngược cuộc đảo chính, mà không nói rõ liệu họ có hỗ trợ quân sự nếu nhưu Ecowas thực sự can thiệp hay không. Trong khi đó, Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou bày tỏ chế độ bị lật đổ vẫn tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận vào phút cuối.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/khong-khi-binh-yen-la-thuong-tai-thu-do-khi-niger-doi-mat-voi-han-chot-can-thiep-quan-su-20230807061008042.htm