Không khí chuẩn bị Tết cổ truyền của người Việt tại Pháp
Dịch Covid-19 bùng phát với biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến mọi hoạt động lễ hội ở Pháp đều bị hoãn hủy và tất cả những kế hoạch tổ chức Tết cộng đồng của các hội đoàn người Việt đã không thể tổ chức lớn như mọi năm.
Tuy không khí có thể trầm lắng, nhưng hương vị của món ăn ngày Tết thì không thể thiếu. Chính vì vậy truyền thống gói bánh chưng, gói giò vẫn được duy trì ở nhiều gia đình người Việt tại Pháp.
Ở Vitré, trái ngược với vẻ ngoài yên bình của thị trấn tỉnh lẻ ở miền Tây Bắc nước Pháp này, không khí trong gia đình anh Lê Anh Tuấn đông vui hơn ngày thường.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, vợ chồng anh lại tất bật đi chợ mua gạo nếp, đỗ xanh, lá dong, lạt tre…, những thứ nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh chưng.
Anh Tuấn cho biết, dù dịch bệnh, nhưng hàng hóa vẫn lưu thông nên không khó để tìm mua nguyên liệu gói bánh chưng nhập khẩu từ Việt Nam. Năm nay, mặc dù Hội người Việt Nam tại Vitré không thể tổ chức Tết cộng đồng, nhưng anh vẫn quyết định gói bánh chưng bởi vì theo anh, đó là truyền thống của người Việt.
Anh chia sẻ: "Mọi năm vào dịp Tết cổ truyền, cộng đồng người Việt ở Vitré vẫn tổ chức Tết rất to. Nhưng từ 2 năm nay, do dịch bệnh Covid-19, cộng đồng không thể tập trung được. Tuy nhiên, mọi nhà vẫn giữ gìn truyền thống gói bánh chưng, làm giò chả để các cháu được thưởng thức và không quên hương vị quê hương".
Từ sáng sớm, tất cả mọi người đã có mặt ở phòng khách để chuẩn bị gói bánh. Bộ salon được xếp gọn lại, chiếu được trải ra. Lá dong, gạo nếp, đỗ xanh đã được chuẩn bị rửa sạch, ngâm sẵn từ tối hôm trước, thịt cũng được pha thành từng miếng vuông vức tẩm ướp muối tiêu cho ngấm.
Người tước lá, người xếp khuôn, người vớt đỗ gạo, mỗi người một chân một tay, nói cười rôm rả, hòa trong tiếng nhạc boléro nhẹ nhàng phát ra từ đôi loa đại.
Năm nay, gia đình anh cùng nhà anh Nguyễn Xuân Cường, hàng xóm ở Vitré và cũng là đồng hương Hà Tây, chung nhau gói 50 chiếc, phần để cho gia đình, phần làm quà cho bạn bè, người thân.
Màu ngà của lạt nổi bật trên nền xanh của lá dong, màu hồng tươi của những miếng thịt ba chỉ, màu trắng căng mọng của nếp cái hoa vàng đã ngậm no nước, màu vàng của đỗ rực rỡ dưới ánh đèn, hương thơm thoang thoảng của gạo, mùi ngai ngái của đỗ, vị mằn mặn của muối tiêu, tất cả tạo thành một bức tranh đầy màu sắc và hương vị ngày Tết.
Anh Xuân Cường chia sẻ, cứ mỗi độ Tết về thì anh em lại tụ tập gói bánh với nhau để nhớ về quê hương. Mặc dù mới chỉ tập gói từ một hai năm trở lại đây, nhưng đôi tay anh nhanh thoăn thoắt, từ lót lá, đổ gạo, xếp thịt, đến đùm bánh, quấn lạt, chỉ vài phút là một chiếc bánh xinh xắn, vuông vức đã thành hình.
Anh bật mí: "Ngoài các nguyên vật liệu được mua từ Việt Nam như lá dong, hay gạo nếp cái hoa vàng, nét đặc biệt của bánh chưng Vitré, đó là thịt lợn. Lợn ở đây được nuôi bằng sữa từ 6 tháng trước khi mổ, nên thịt trắng hồng và rất thơm, khiến cho bánh chưng có độ ngậy và thơm hơn hẳn những nơi khác".
Trong tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra từ chiếc ti vi, những câu chuyện lan man đưa đẩy, những đôi bàn tay khéo léo cắt lá, xếp khuôn, đổ gạo, quấn lạt, và cứ thế từng chiếc bánh chưng thành hình, được xếp cặp đôi một ngay ngắn.
Đến cuối buổi sáng thì 50 chiếc bánh đã được đặt vào nồi và bắc lên bếp. Anh Tuấn cho biết, dù ở bên này bánh chưng được đun bằng bếp ga, đỡ vất vả hơn và cũng ngon không kém, nhưng không thể có được cái không khí quây quần đầm ấm của cả gia đình xung quanh nồi bánh và bếp củi như nơi quê nhà.
Sau khi bắc mẻ bánh chưng lên bếp, chúng tôi cùng nhau sang nhà một gia đình Việt kiều khác để xem họ gói giò. Dưới tầng trệt của ngôi nhà nhỏ xinh xắn, anh Nguyễn Văn Nguyên và vợ là chị Nguyễn Thị Lương, người Hà Tây, đang bận bịu với các công đoạn. Người xay thịt, người gói, hai anh chị nói chuyện râm ran mà tay vẫn thoăn thoắt, không sai một động các nào.
Anh Nguyên cho biết thịt làm giò phải được chọn kỹ và tươi thì mới bảo đảm độ giòn và thơm. Vitré là vùng sản xuất và chế biết thịt gia súc gia cầm nên giò ở vùng này bao giờ cũng ngon hơn nơi khác vì được đảm bảo chất lượng tươi ngon và không hề pha trộn. Bình thường anh chị đi làm nhà máy, họ chỉ làm giò dịp Tết và khi có người đặt làm.
Theo bà con Việt kiều ở đây, bánh chưng muốn xanh thì phải được gói bằng lá dong, còn giò muốn thơm phải được quấn bằng lá chuối.
Tuy nhiên, do lá chuối là hàng nhập khẩu, giá rất đắt, nên giò Vitré được chia làm 3 loại, loại đắt nhất được gói hoàn toàn bằng lá chuối đông lạnh nhập từ Việt Nam, loại thứ hai được gói bằng khuôn và chỉ lót một lớp lá chuối cho gọi là có vẻ đẹp và chút hương vị của lá, còn lại là giò đóng khuôn bọc nylon.
Ngay cả giò lá chuối cũng chỉ được làm vào dịp Tết để đón Xuân mà thôi. Anh Nguyên chia sẻ: "Gia đình chỉ làm giò phục vụ bà con ở Vitré vào dịp Tết, hoặc ai đặt thì làm. Bình thường chúng tôi chỉ làm giò đóng khuôn. Vì giá thành cao nên giò gói bằng lá chuối chỉ làm dịp lễ Tết và để mang biếu cho đẹp".
Theo anh Tuấn, không chỉ có nhà anh gói bánh chưng, hay gia đình anh chị Nguyên Lương gói giò, mà nhiều gia đình khác cũng làm, bởi vì đây là hai món đặc trưng không thể thiếu để đón Xuân.
Thành phố Vitré nhỏ bé hiện có khoảng 40 hộ gia đình người Việt sinh sống. Từ một nhóm thanh niên sang làm việc tại các nhà máy chế biến thịt trong vùng theo diện hợp tác lao động xuất khẩu, sau 20 năm sinh sống và lập nghiệp, cộng đồng người Việt ở Vitré nay đã phát triển đến thế hệ thứ 2, thứ 3 và tạo dựng được một nền tảng kinh tế khá vững chắc.
Họ luôn được người dân địa phương quý mến nhờ bản tính hiền lành, nhưng tháo vát, chăm chỉ và hòa đồng. Cũng nhờ làm việc trong các nhà máy chế biến thịt mà nhiều anh chị em rất thạo trong việc mổ lợn, làm giò chả, làm nem chua, gói bánh chưng, khiến Vitré nổi tiếng về những món ăn truyền thống trong cộng đồng người Việt ở Pháp.