Không khí lạnh bao trùm nhóm cổ phiếu khoáng sản: Vốn hóa KSV bốc hơi hơn 11.000 tỷ đồng

Kết thúc phiên giao dịch sáng hôm nay (ngày 19/2), cổ phiếu KSV (Tổng Công ty Khoáng sản TKV) tiếp tục giảm sâu 9,98%, trong khi, cổ phiếu MSR (Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials) giảm 12,39%...

Sau giai đoạn tăng nóng đầy hưng phấn, nhóm cổ phiếu khoáng sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với đợt điều chỉnh mạnh, trong đó đáng chú ý là KSV và MSR. Từng là tâm điểm của dòng tiền khi liên tục lập đỉnh mới, hai mã này nay đang rơi vào trạng thái lao dốc.

Chỉ cách đây không lâu, KSV và MSR thu hút sự quan tâm mạnh mẽ khi giá cổ phiếu tăng phi mã. Cụ thể, KSV đã tăng từ 44.900 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 11/2024 lên mức đỉnh 299.500 đồng vào ngày 17/2, tương đương mức tăng 567%, vốn hóa cũng xấp xỉ 2,5 tỷ USD chỉ sau 2,5 tháng.

Trong khi đó, MSR cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng từ 11.100 đồng (ngày 14/1/2025) lên 22.400 đồng/cổ phiếu, tăng 101%, khiến vốn hóa cổ phiếu này đạt gần 25.000 đồng/cổ phiếu.

Việc giá kim loại hiếm trên thế giới leo thang, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu, đã tạo động lực cho nhóm cổ phiếu này bứt phá. Nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đổ xô vào các mã này với hy vọng hưởng lợi từ đà tăng.

Tuy nhiên, đà hưng phấn không kéo dài quá lâu. Áp lực chốt lời gia tăng, kết hợp với những tín hiệu không mấy tích cực từ thị trường hàng hóa toàn cầu, đã khiến KSV và MSR nhanh chóng đổi chiều rớt sàn và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chỉ từ ngày hôm qua (ngày 18/2) tới hết phiên giao dịch sáng hôm nay (ngày 19/2), KSV đã mất hơn 18,96% giá trị, rơi xuống mức 242.700 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa mất 11.360 tỷ đồng. Trong khi, MSR cũng lao dốc mạnh xuống chỉ còn 19.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 12,95% so với đỉnh cao trước đó, tương đương vốn hóa mất hơn 2.800 tỷ đồng.

Việc nhóm cổ phiếu khoáng sản lao dốc không chỉ xuất phát từ yếu tố kỹ thuật mà còn đến từ những biến động của nền kinh tế thế giới. Giá kim loại quý như vonfram, titan hay đất hiếm có xu hướng hạ nhiệt sau thời gian tăng mạnh, khiến kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp khai khoáng giảm theo.

Đồng thời, chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng góp phần tác động đến dòng vốn ngoại, khi nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu rút khỏi nhóm ngành rủi ro cao.

 Biến động của cổ phiếu MSR

Biến động của cổ phiếu MSR

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, đợt điều chỉnh này chưa hẳn là dấu chấm hết cho cổ phiếu khoáng sản. Với tiềm năng dài hạn của ngành khai thác và chế biến tài nguyên, những cổ phiếu có nền tảng tài chính vững chắc vẫn có cơ hội phục hồi khi thị trường ổn định. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng, tránh tâm lý "bắt đáy" khi xu hướng giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đặc biệt là cổ phiếu MSR, vì theo lý giải của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) thanh khoản của cổ phiếu này vẫn chưa cao, liên tục nhiều phiên liền chỉ giao dịch vài chục nghìn đơn vị. TCBS cũng khuyến nghị, các nhà đầu tư theo dõi và chờ đợi cơ hội đầu tư khi giá cổ phiếu điều chỉnh.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/khong-khi-lanh-bao-trum-nhom-co-phieu-khoang-san-von-hoa-ksv-boc-hoi-hon-11000-ty-dong-post557889.html