Không khí ô nhiễm ba ngày liên tiếp, ở mức có hại sức khỏe, dân Hà Nội hạn chế ra ngoài
Chất lượng không khí ở Hà Nội những ngày qua luôn ở mức cao, ngưỡng có hại sức khỏe và người dân nên hạn chế ra đường.
Sáng nay (17/9), hơn 40 điểm đo trong hệ thống quan trắc PAMAir ở các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông…ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ số AQI dao động 150 - 180.
Hai ngày trước là 15 và 16/7, không khí Hà Nội ô nhiễm nặng nề, chỉ số AQI luôn ở mức 150 - 170, mức có hại cho sức khỏe con người. Khắp nơi, không khí mù mịt, dễ dàng quan sát được bằng mắt thường. Nhiều người ra đường, nhất là người già và trẻ nhỏ có cảm giác khô, cay mắt và khó chịu về hô hấp.
Tại một số khu vực như Ngã Tư Sở, Trần Quang Khải, Ô Chợ Dừa hay khu vực Hàng Trống của Hồ Hoàn Kiếm, chỉ số AQI lần lượt là 156, 160, 164 và 170 vào các buổi sáng. Đặc biệt, khu vực Học viện Tài chính chỉ số AQI lên tới 179 (gần 200) mức đỏ, mức mà mọi người đều chịu tác động về sức khỏe; người thuộc nhóm nhạy cảm có thể gặp phải tác động sức khỏe nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội, mà sáng nay chỉ số AQI ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe con người, như Từ Sơn (Bắc Ninh) là 170, Ninh Bình là 151, Hải Phòng là 161..
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chỉ số AQI 100-200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài.
Theo chuyên gia môi trường, không khí những tháng chuyển giao đầu mùa đông sẽ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, càng lên cao nhiệt độ không khí càng cao. Lớp nghịch nhiệt giữ lại các khí ô nhiễm ở tầng thấp, khó phát tán nên xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng ở Thủ đô trong những ngày qua.
Thậm chí, theo một chuyên gia không khí, không khí ở Hà Nội còn tồn tại một dạng bụi là bụi mịn PM 2.5, có ảnh hưởng cực xấu tới sức khỏe. Đây là loại bụi ở dạng siêu mịn, có đường kính = 2,5 micromet trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người) có thành phần các chất như cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, bụi mịn thường được sản sinh ra do ô nhiễm khói bụi, khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, do có đường kính siêu nhỏ, mịn, nên loại bụi này có thể “đâm xuyên” các loại khẩu trang thông thường.
Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này cũng tương tự như khi thời tiết có độ ẩm cao hoặc sương mù.
Nếu hít phải, bụi mịn sẽ nhanh chóng thẩm thấu thẳng vào các mạch máu, đến các cơ quan nội tạng gây ra các chứng bệnh về hô hấp, thần kinh, tim mạch.
Người bị ảnh hưởng nhẹ có thể bị sổ mũi, hắt hơi, khó thở, ho kéo dài và rối loạn đường thở. Còn với trường hợp bị nặng, hít phải bụi mịn trong thời gian dài có thể mắc một số bệnh nghiêm trọng như: viêm phổi, viêm phế quan, phổi tắc nghẽn hay thậm chí là cả ung thư.
Không khí ngày càng ô nhiễm đi kèm với thời tiết đang chuyển giao, khiến cho nhiều người dân rất lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân.
Người dân nên làm gì?
Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, với tình trạng không khí ô nhiễm như hiện nay, người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ hoặc những người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mãn tính hay tim mạch, có xu hướng cần hít thở nhiều trong những ngày này nên hạn chế ra đường.
Nếu bất đắc dĩ có việc phải ra ngoài, người dân cần thực hiện những lưu ý sau:
- Đeo khẩu trang hoạt tính: Những loại khẩu trang này sẽ làm giảm số lượng các chất ô nhiễm hít phải, ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp như: ngứa cổ họng, khó thở, thở khò khè, ho…
- Đeo kính để bảo vệ mắt, giảm tác hại của không khí ô nhiễm. Nhỏ dung dịch làm sạch và khử trùng mắt sau khi về nhà.
- Tránh lui tới những nơi có đông phương tiện qua lại, khu vực đông đúc, khu công nghiệp, gần đường cao tốc hoặc đường lớn.
- Nếu nhà ngay mặt đường, tránh mở cửa sổ phía ngoài đường. Nếu đó là cửa sổ duy nhất trong nhà, hãy mở khi thời tiết mát mẻ, trời tối, ít phương tiện qua lại.
- Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch bằng việc thường xuyên tập thể dục cũng như thay đổi chế độ ăn tốt cho sức khỏe. Tránh tập thể dục, hoạt động thể chất vào giờ cao điểm để hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
- Chú ý chế độ ăn uống với các loại thực phẩm giàu vitamin để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, miễn dịch, hỗ trợ cơ thể dẻo dai có khả năng loại bỏ độc tố, chống lại bệnh tật.
AQI là chỉ số để báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí gồm các mức:
- Mức TỐT (xanh) 0- 50: không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Mức TRUNG BÌNH (vàng) 51-100: khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức KÉM (da cam) 101-200: nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức XẤU (đỏ) 201-300: nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
- Mức NGUY HẠI (nâu) trên 300: khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.