Không khoan nhượng trong 'cuộc chiến' phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
ĐBP - Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm trưởng ban chỉ đạo. Nhất quán tư tưởng, hành động của Đảng về phòng chống tham nhũng (PCTN), những năm qua, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, có bước tiến mạnh, để lại dấu ấn tốt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao… từ đó, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bài 1: “Cắt bỏ cành sâu để cứu lấy cây”
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 tổ chức ngày 30/6/2022 đã thể hiện, 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ… Tại tỉnh Điện Biên, qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố… nhiều vụ việc đã được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ nhất.
Nhất quán quan điểm chỉ đạo của Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công cuộc PCTN, Tỉnh ủy, trực tiếp là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, PCTN, đảm bảo an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhằm tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định, an toàn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cơ quan chức năng cũng đã chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, khẳng định sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm”.
Cách đây gần 1 năm, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc tiêu cực do cán bộ Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ gây ra. Theo đó, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, Nguyễn Thị Khương (sinh năm 1965), cán bộ hợp đồng của Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ chiếm đoạt số tiền gần 1,9 tỷ đồng là tiền bồi thường hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình thuộc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên có đất giao khoán bị thu hồi để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Ngày 17/12/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP. Điện Biên Phủ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Khương. Ngày 4/1/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP. Điện Biên Phủ ra quyết định chuyển án đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên giải quyết theo thẩm quyền. Đến ngày 25/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Vân (sinh năm 1978), Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1, Điều 360, Bộ Luật hình sự.
Mới đây, ngày 19/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 bị can là cán bộ, công chức phòng Tài chính Kế hoạch, phòng Tài nguyên - Môi trường TP Điện Biên Phủ về tội vi phạm quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Đó là Phạm Trung Kiên (SN 1984), Phó Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch; Trần Xuân Mạnh (SN 1984), công chức Phòng Tài chính Kế hoạch và Bùi Mạnh Cường (SN 1990), công chức Phòng Tài nguyên - Môi trường. Cả 3 đối tượng đã thẩm định, đề xuất phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thiệt hại gần 13 tỷ đồng của Nhà nước.
Bị can Bùi Mạnh Cường (SN 1990) nghe lệnh bắt của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Trung
Cũng liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, ngày 25/9/2020, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Tủa Chùa đã mở phiên xét xử sơ thẩm hình sự đối với bị cáo Lò Văn Thắm, Sùng A Páo (cùng sinh năm 1988), cùng là cựu kế toán xã Tùa Thàng; Sùng A Dì (sinh năm 1987), cựu thủ quỹ xã Tủa Thàng về tội “Tham ô tài sản”; Mùa A Sang (sinh năm 1970), cựu Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng Sùng A Dì còn bị truy tố thêm tội danh “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 - 2017, lợi dụng chức vụ, Thắm, Páo, Dì đã chiếm đoạt số tiền 551 triệu đồng là tiền điện Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xã; tiền diễn tập phòng thủ, chi trả cho hoạt động bầu cử... Trong số này, Thắm tham ô 257 triệu đồng; Dì tham ô 187 triệu đồng; Páo 9,6 triệu đồng. Cũng theo cáo trạng, Dì còn tự ý cho các cá nhân vay, ứng tiền ngân sách được giao cho UBND xã Tủa Thàng nhưng không yêu cầu trả lại, gây thất thoát trên 141 triệu đồng.
Mùa A Sang với chức trách được giao là Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng, nhưng thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao; không thường xuyên kiểm tra, quản lý quá trình rút tiền, chi tiền nên tạo cơ hội cho Dì, Thắm, Páo tham ô, gây thiệt hại ngân sách hơn 551 triệu đồng. Với hành vi phạm tội trên, Hội đồng xét xử TAND huyện Tủa Chùa đã tuyên phạt Lò Văn Thắm 8 năm 6 tháng tù; Sùng A Páo 2 năm tù; Sùng A Dì 8 năm 6 tháng tù giam (về 2 tội: “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”); Mùa A Sang 2 năm 6 tháng tù.
Mới đây, một vụ án tham nhũng xảy ra tại huyện Điện Biên liên quan đến cán bộ, đảng viên, người có chức vụ được dư luận quan tâm cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời. Tại Quyết định số 81/QĐ-CSĐT (PC03), ngày 7/7/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên quyết định khởi tố bị can đối với ông Vì Văn Biến (sinh năm 1967), trú tại bản Noong Pết, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên để điều tra, làm rõ hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lập khống chứng từ thanh toán tiền thuê máy lu, máy xúc của hạng mục làm đường giao thông nội đồng thuộc Dự án dồn điền đổi thửa sản xuất nông nghiệp xã Thanh Hưng năm 2018 để chiếm đoạt số tiền 123.260.000 đồng” theo quy định tại Khoản 2, Điều 353, Bộ luật Hình sự. Chức vụ của ông Vì Văn Biến trước khi bị bắt là Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng.
Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực đã và đang được cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài các vụ việc trên, thời gian qua, trên tinh thần lãnh đạo và chủ trương của tỉnh về công tác PCTN, các cấp, các ngành, các địa phương đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCTN trên địa bàn, cơ quan mình phụ trách. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 6 vụ, 13 bị can bị truy tố, xét xử liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tổng số tài sản thu hồi trên 25 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng tài sản thu hồi do hành vi tham nhũng gần 3 tỷ đồng (đạt 100%). Điều đó đã khẳng định quan điểm, quyết tâm, hành động nhất quán của Đảng cũng như của Tỉnh ủy Điện Biên trong đấu tranh, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái.
Theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh), những năm gần đây, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được tỉnh chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá lớn trong công tác PCTN. Nhờ đó, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã và đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.