Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà...

Lần xa quê của tôi năm đó thế mà kéo dài đằng đẵng mười chín năm. Đến khi quay về, hàng dừa trước ngõ đã không còn, con đường đất nâu cũng thay bằng lối nhỏ bằng bê tông thẳng tắp, hai hàng cây bên đường được quy hoạch trồng mới. Cảnh sắc cũ xưa trong nỗi nhớ đã mặc lên mình chiếc áo mới tự bao giờ, đẹp đẽ nhưng lạ lẫm.

Minh họa: MD

Minh họa: MD

Tôi lò dò đi từng bước, sợ vấp ngã ngay chính trên sự phẳng phiu của đường phố quê nhà. Bỗng trong ráng chiều hiện lên hình bóng ngoại tôi, bước thấp bước cao trên con đường đầy mô đất nhấp nhô, có hàng dừa nghiêng soi bóng nắng hoàng hôn đỏ ối, có con bò nghểnh tai kêu ọ ọ, khói bếp cuối ngày bay lên từ mái nhà tranh. Ngoại cười móm mém quét vôi lên miếng trầu têm, cây cam bên hông nhà ra được một trái, cây ổi cuối chái vườn quả nhỏ xíu thơm hương. Mùi đất, mùi lá cây, mùi cỏ ướp sương thoảng lên ngai ngái, côn trùng rỉ rả. Mùi quê xưa như hồn cốt, bỗng dậy lên nức nở tìm về, rưng rức nhớ thương.

Tôi đi chầm chậm từng góc nhỏ, lắng nghe thanh âm rì rào của cây xoài trước sân, cố lần tìm trong từng thớ vỏ mảnh ký ức ngọt ngào của năm tháng. Tôi sờ tay vào từng chiếc lá khế, nhặt nhạnh từng quả ổi chín rục rụng bên gốc, nghe lớp lớp lá khô lạo xạo dưới chân mình. Tôi ngồi yên nghe tiếng nước chảy róc rách, nhớ giếng nước ngày xưa, hít hà cho thỏa mùi nước phèn bao năm nhung nhớ. Mùi nước phèn chua chua hăng hắc đã tắm gội bao tháng ngày tuổi thơ. Thèm món mọc năm xưa ngoại hay làm, bây giờ đã không còn nữa. Quán xá mọc lên nhiều, món gì cũng có, nhưng món mọc quê hương lại mất hút vào niềm riêng quên nhớ trong ký ức mỗi người. Người già còn nhớ, người trẻ đã quên, trẻ nhỏ thì không biết.

Quê hương lớn lên từ hòn đất, từ củ lạc một nắng hai sương âm thầm trong đất tối, đến một ngày được nhổ lên, tròn đầy, trong trẻo, thơm tho. Tôi lần tìm củ lạc non luộc bùi từ trong các hàng chợ nhưng cũng không còn nữa. Chân đứng trên quê cũ, lại lần tìm quê hương trong ký ức xa xôi. Tìm mùi ổi chín trên cây, tìm bóng cây dừa trước ngõ. Tìm lại tiếng cười ngày xưa vang lên dưới ánh trăng vằng vặc chiếu xuống sân nhà. Gặp người thân thuộc cũ như muốn thắp lại ánh đèn dầu trong đêm cũ nhà tranh. Như muốn ăn miếng cơm cắn giòn cà pháo trong hủ sành ngoại muối, ăn miếng bánh mướt cuốn ram ngoại mua dưới chợ đàng.

Tôi đứng tần ngần dưới chái bếp cũ, nhỏ và thấp, nơi xưa ngoại thường nấu ăn. Nhìn thấy bóng ngoại lồng lộng in trên bức vách bên ánh đèn dầu tù mù nồng nồng mùi dầu hỏa. Nhắm mắt lại và thấy mình bé dại, vài sợi tóc mây bay bay thoáng qua trán và mặt, chiếc quạt mo ngoại quạt những đêm nồm nam nóng bức, làn gió mát tuổi thơ ấy sao thấy mát lạnh hơn cả quạt máy. Bỗng thấy thương chiếc cửa sổ cũ bằng gỗ xoan năm ấy, nơi đôi tay bé dại đã cầm nắm đến mòn bóng từng song thưa.

Chiều dần buông, hoàng hôn cài then cuối chân trời, nắng cuối ngày sóng sánh như một tấm lụa vàng bay bổng, khắp mặt hồ lênh láng nước bỗng rực vàng như được phết một dải ánh vàng lóng lánh, ửng lên rực rỡ. Ta lặng yên nghe tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng côn trùng rả rích, tiếng lá cựa mình vào gió xào xạc, tiếng nước vỗ ì ào ven bờ hồ đầy lá cỏ. Nơi đó, có dáng người đang buông lưới giữa chiều rơi, đôi tay miệt mài bủa lưới vớt lên giữa mênh mang sóng nước một bồ đầy cá tôm nơi miền quê thôn dã. Hồn quê xưa như hiển hiện trong từng trang ký ức, giọt mồ hôi vẫn thánh thót rơi rơi nơi mỗi sớm mỗi chiều.

Ta lại lặng nghe lời thì thầm của cá tôm muôn thuở, của dòng nước phù sa đỏ au đang miệt mài tưới tắm bao ruộng nương bờ bãi. Lặng nghe câu chuyện của giọt mồ hôi mặn muối, của bao đời bao kiếp lặng lẽ giữa lo toan. Để những chiều cất vó bỗng nhớ quay quắt những câu hò quê mẹ, như tiếng ru đau đáu lòng mình theo từng dặm cò bay.

Ta thương vai cha gầy, tay gồng nâng manh lưới, giữa mặt sông xào xạc gió chiều còn rát bỏng da nâu. Ta thương mẹ quê nghèo, bát cơm trắng đượm mùi bùn đất đã bao năm tanh nồng tôm cá nhỏ. Giọt mồ hôi thấm mặn tấm lưới đơn vá chằng đụp bởi bao mảnh màn tuyn đã cũ, để buông mình giữa nước mặn đồng chua, nồng phèn tanh tao rồi ôm trọn bao nhiêu tôm tép... cho bữa cơm cuối chiều thêm đậm dạ. Ta yêu quê ta, vì từ đó mà ta lớn, từ những tiếng ê a chập chững bước thành người, từ những chiều áp lưng vào con đường mềm lá cỏ, nghe thấm mát vào từng thớ da thịt như tiếng của ngàn xưa vọng nói về. Từ những đêm trăng thanh ngồi lặng yên nơi bờ đê đầy gió, ngó đóa xuyến chi trắng điểm giữa đêm rằm. Để rồi hôm nay khi xoay vần trong cơm áo, bỗng chững lòng khi thấy lại hồn quê. Bờ vai ấy đang gồng mình kéo lưới, vớt lên giữa sông hiền một lưới đẫm vàng rơi. Rồi tối nay bếp nhà ai đã đỏ, chờ lưới cá về, đong đầy những niềm vui. Ta đứng trong bóng chiều đầy thân thuộc, có một yên bình khe khẽ hát giữa yêu thương.

Hít một hơi thật chậm rãi để lồng ngực căng phồng mùi nhớ quê xưa. Để thấy thương từng bàn tay cha ông đã từng vỡ đất, nắn nót luống cày bằng xương máu, mồ hôi. Để Chiều nay nơi chốn quê xưa ấy/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà(*).

(*) Câu thơ trong bài thơ Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận.

Tản văn của Trần Hiền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/khong-khoi-hoang-hon-cung-nho-nha/28094.htm