Không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế
Chiều nay, 24.10, thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang), các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Rà soát kỹ lưỡng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Các ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta; bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Các đại biểu cho rằng, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, luật cũng đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn như: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật...
Do vậy, các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật lần này cần khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan về bảo hiểm y tế mà Việt Nam là thành viên.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, dự thảo luật quy định đối tượng học sinh, sinh viên thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; đồng thời, loại trừ đối tượng học sinh, sinh viên ra khỏi nhóm tự đóng bảo hiểm y tế có người thuộc hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình.
Cũng theo dự thảo luật, trường hợp đối tượng là thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính thì được giảm trừ mức đóng như sau: người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Song, tại khoản 3 Điều 4 và điểm c, khoản 1, Điều 8 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng bảo hiểm y tế đóng 70%.
"Như vậy, mức đóng của đối tượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế cao hơn so với mức đóng tại hộ gia đình. Đây là vấn đề khiến cử tri tâm tư". Nêu vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Uyên Trang (Tiền Giang) đề nghị, nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này, nhằm giảm chi phí của gia đình, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, thu hút người tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn, hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Từ thực tiễn tại địa phương, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức hộ gia đình rất thấp, do đó, nên nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế của ngân sách nhà nước đối với học sinh, sinh viên, nhằm tập trung đối tượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm xã hội theo nhà trường.
Một số ý kiến khác đề nghị, tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ ở Điều 12 tại lần sửa đổi này; tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Phân định rõ phạm vi điều chỉnh Luật Dữ liệu
Đối với dự án Luật Dự liệu, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) dẫn kết quả rà soát của cơ quan chủ trì soạn thảo cho thấy hiện có 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu (gồm cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành), trong đó một số luật quy định cụ thể về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu...
Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát và có phương án xử lý để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này với các luật khác có liên quan, đặc biệt là với Luật Giao dịch điện tử, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân... bảo đảm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật còn khá rộng, bao gồm cả những chính sách mới, lần đầu tiên được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và thực tế ở nước ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, như các nội dung về sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu...
"Cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét, đánh giá kỹ tính khả thi của các quy định này, trường hợp cần thiết thì quy định một số nội dung mang tính khái quát và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính ổn định của Luật sau khi được ban hành", đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị.