Không làm kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch
Về cơ bản, các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là các bước cụ thể hóa quy hoạch chung, từ bước lập quy hoạch chung đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thẩm định, trình phê duyệt theo quy định. Do vậy, đối với nội dung các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần quy định theo hướng giảm bớt thủ tục lấy ý kiến rộng rãi, không làm kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch, chậm đưa các dự án vào triển khai thực hiện.
Đó là nhấn mạnh của ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) khi góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại phiên thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ Tám sáng nay, 25.10.
Đồng bộ các quy định quản lý theo ngành với lãnh thổ
Về giải thích từ ngữ, Điều 2 dự thảo Luật quy định: “1. Đô thị là nơi tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp; là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ; 3. Nông thôn là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”.
Tuy nhiên, Điều 4, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định: “2. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. 3. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn”.
Theo quy định tại Điều 11, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: “…c) Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ;..”.
Như vậy, để đồng bộ giữa các quy định về quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định thẩm quyền của Chính quyền địa phương ở đô thị với Chính quyền địa phương ở nông thôn theo quy định về phạm vi lãnh thổ nêu trên, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu, giải thích làm rõ hơn các khái niệm “đô thị”, “nông thôn” phù hợp với các phạm vi lãnh thổ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bảo đảm việc phân định phạm vi quản lý lãnh thổ khi thực hiện các nhiệm vụ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn; thực hiện phân loại đô thị và triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội… được đồng bộ và phân định rõ phạm vi quản lý ngành theo lãnh thổ, phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương.
Bổ sung nguyên tắc áp dụng sử dụng quy hoạch khi có mâu thuẫn
Về bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn.Theo quy định tại Điều 8 dự thảo: “Khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện”.
“Khi có sự mâu thuẫn giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn thì các cơ quan tổ chức lập quy hoạch rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch…”.
Theo đại biểu, quy định như trên làm phát sinh tình trạng khi một dự án, triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch được thực hiện; hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới thực hiện. Hơn nữa, Điều 8 mới chỉ đề cập đến mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. Trên thực tế, còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, lâm nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý.
Mặc dù Điều 7 dự thảo Luật đã có các nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không thể tránh khỏi. Tương tự như đối với văn bản quy phạm pháp luật, dù đã có các nguyên tắc về việc xây dựng văn bản pháp luật cấp dưới không được trái với văn bản cấp trên, các văn bản pháp luật phải thống nhất với nhau, nhưng cũng vẫn có nguyên tắc ưu tiên áp dụng khi các văn bản có nội dung mâu thuẫn nhau.
Quy định như dự thảo nếu phát sinh mẫu thuẫn các quy hoạch thì trình tự ra quyết định của cơ quan có thẩm quyền là như thế nào, thời gian bao lâu, phải theo quy định của Chính phủ; hoặc trường hợp điều chỉnh quy hoạch cũng không rõ là quy hoạch sẽ được điều chỉnh theo hướng quy hoạch nào giữ nguyên, quy hoạch nào phải điều chỉnh.
Vì vậy, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng sử dụng quy hoạch khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Để từ đó, khi thực tế xảy ra sẽ có cơ sở xác định và áp dụng được ngay, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của các nhà đầu tư và nguồn lực Nhà nước.
Đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào thực hiện
Đối với việc lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn,theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật thì “Quy hoạch đô thị và nông thôn phải được lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng dân cư có liên quan”.
Tuy nhiên, về cơ bản các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là các bước cụ thể hóa quy hoạch chung mà từ bước lập quy hoạch chung đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thẩm định, trình phê duyệt theo quy định. Do vậy, đối với nội dung các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cần quy định theo hướng giảm bớt thủ tục lấy ý kiến rộng rãi, không làm kéo dài thời gian phê duyệt quy hoạch, chậm đưa các dự án vào triển khai thực hiện - đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Về điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn,theo quy định tại khoản 4 Điều 44 dự thảo Luật thì được điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp: “Dự án đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật ảnh hưởng đến sử dụng đất, tổ chức không gian khu đất dự án”.
Theo đại biểu, quy định này mâu thuẫn với nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại khoản 5 Điều 7. Theo đó: “Tổ chức, cá nhân khi thực hiện chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại đô thị, nông thôn; thực hiện quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn phải tuân thủ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng đã được phê duyệt; tuân thủ quy định quản lý quy hoạch đã được ban hành…”.
Việc quyết định chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cũng phải thực hiện theo nguyên tắc của khoản 5 Điều 7 nêu trên là phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Vì vậy, quy định được điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn theo dự án như trên dễ dẫn đến lạm dụng trong thực hiện, làm mất đi vai trò của quy hoạch. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị xem xét bỏ nội dung này.
Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế
24/10/2024 22:10
Quan tâm đến hệ lụy sức khỏe trong quản lý quảng cáo thuốc
24/10/2024 18:52