Không làm việc, vẫn có lương: Chiến thuật 'giữ chân' nhân tài AI gây tranh cãi của Google

Google đang đối mặt với cáo buộc đã áp dụng các biện pháp ràng buộc nhân sự mạnh tay nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực AI.

Cụ thể, bộ phận AI của - Google DeepMind - bị cho là đã trả tiền cho một số nhân viên tại Anh để họ “không phải làm việc”, thay vì cho phép họ chuyển sang các đối thủ như OpenAI hay Microsoft.

Một báo cáo từ Business Insider tiết lộ một số chuyên gia AI tại trụ sở DeepMind ở London (Anh) đã bị yêu cầu tạm ngừng làm việc trong tối đa một năm theo các điều khoản không cạnh tranh nhưng vẫn được nhận lương đầy đủ. Các điều khoản này cứng rắn và giới hạn khả năng gia nhập các công ty đối thủ trong ngành AI.

Google DeepMind bị cáo buộc trả lương để "giữ chân" nhân viên AI, ngăn họ làm việc cho đối thủ trong một năm - Ảnh: Getty

Google DeepMind bị cáo buộc trả lương để "giữ chân" nhân viên AI, ngăn họ làm việc cho đối thủ trong một năm - Ảnh: Getty

Chiến lược giữ người trong cuộc đua AI toàn cầu

Theo TechCrunch, Google DeepMind là một trong những đơn vị tiên phong và có uy tín nhất trong lĩnh vực AI, nổi tiếng với các sản phẩm như AlphaGo hay AlphaFold. Tuy nhiên, trước làn sóng tuyển dụng sôi động trong ngành công nghệ, đặc biệt là từ các đối thủ như OpenAI, Microsoft và Anthropic, việc giữ chân các nhà nghiên cứu hàng đầu trở thành một thách thức lớn với Google.

Thay vì để nhân tài rời đi ngay khi chấm dứt hợp đồng, DeepMind áp dụng cách tiếp cận đặc biệt: trả lương để giữ họ ngoài thị trường trong một khoảng thời gian.

Một số người mô tả đây giống như một kỳ nghỉ phép dài ngày có lương - nhưng không tự nguyện. Việc này vừa đảm bảo các đối thủ không tiếp cận được chuyên môn và hiểu biết nội bộ, vừa giúp Google duy trì vị thế công nghệ tạm thời.

Dù chiến lược này có thể hiểu được về mặt kinh doanh, nhưng nó gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng công nghệ. Việc bị “giam chân” trong khi lĩnh vực AI phát triển nhanh chóng khiến một số nhà nghiên cứu cảm thấy bị tụt hậu. Họ không được tham gia vào các dự án thực tế, không thể cập nhật xu hướng công nghệ mới và cũng không được đóng góp vào các tiến bộ của ngành. Một số nguồn tin cho biết điều này tạo ra tâm lý chán nản, thậm chí khiến họ cảm thấy năng lực bị lãng phí.

Đáng chú ý, Phó chủ tịch phụ trách AI của Microsoft mới đây đã chia sẻ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng nhiều nhân viên DeepMind đã liên hệ với ông “trong tuyệt vọng” vì muốn thoát khỏi các điều khoản ràng buộc để có thể tiếp tục sự nghiệp ở nơi khác.

Điều này phần nào cho thấy sự căng thẳng ngầm trong ngành AI, khi các công ty lớn không chỉ cạnh tranh về sản phẩm mà còn về nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực tiên tiến như mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).

Điều chỉnh pháp lý

Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đã ban hành lệnh cấm phần lớn các điều khoản không cạnh tranh từ năm ngoái, nhằm bảo vệ quyền tự do lao động và khuyến khích sự đổi mới. Tuy nhiên, do Google DeepMind đặt trụ sở chính tại Anh, lệnh này không có giá trị áp dụng trong trường hợp kể trên.

Ở Anh, các điều khoản không cạnh tranh vẫn hợp pháp trong một số điều kiện nhất định, miễn là chúng hợp lý về thời gian, phạm vi và được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng lao động.

Google hiện chưa đưa ra bình luận chính thức trước các cáo buộc, nhưng được biết hãng đã nói với Business Insider rằng các điều khoản này chỉ được áp dụng “một cách chọn lọc”, tùy theo vị trí và mức độ nhạy cảm của nhân viên.

Việc các công ty công nghệ tìm cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hạn chế rò rỉ thông tin chiến lược là điều dễ hiểu, nhất là trong các lĩnh vực cạnh tranh cao như AI. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có sự cân đối giữa quyền lợi doanh nghiệp và quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của người lao động.

Một số ý kiến cho rằng thay vì “trả tiền để không làm gì”, các công ty nên đầu tư vào môi trường làm việc, văn hóa sáng tạo và lộ trình phát triển rõ ràng để giữ chân người giỏi một cách bền vững hơn. Trong bối cảnh AI đang phát triển vượt bậc và nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng khan hiếm, cách tiếp cận cứng rắn có thể phản tác dụng nếu làm suy giảm niềm tin và động lực làm việc.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khong-lam-viec-van-co-luong-chien-thuat-giu-chan-nhan-tai-ai-gay-tranh-cai-cua-google-231307.html