Không lo thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Sở Y tế TP HCM ngày 5-10 cho biết thông tin không có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em là chưa chính xác, gây hiểu lầm trong dư luận
Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện (BV) chuyên khoa nhi hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc thay thế Phenobarbital trong chống co giật ở trẻ em mắc bệnh tay chân miệng (TCM) thể nặng trong giai đoạn hiện nay.
Có thể thay thuốc
Từ tháng 6, Sở Y tế TP HCM đã nhận được công văn của BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2 và BV Nhi Đồng Thành Phố thông báo về tình hình thiếu thuốc tiêm Phenobarbital 100 mg/ml do Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 ngưng nhập khẩu thuốc. Thuốc Danotan 100 mg/ml đã nhập và bảo quản tại kho của nhà phân phối và các BV có hạn sử dụng đến ngày 27-9. Hiện nay, trên thị trường chỉ có 1 loại thuốc tiêm Phenobarbital đang lưu hành là Danotan 100 mg/ml (nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd, Hàn Quốc hiện đã ngưng sản xuất dược phẩm này; Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 là đơn vị nhập khẩu và phân phối). Thuốc tiêm Phenobarbital 100 mg/ml là thuốc hướng thần thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Phenobarbital có tác dụng chống co giật, thường dùng trong điều trị các trường hợp bệnh TCM nặng.
Trước tình hình đó, Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị mua thuốc dự trữ và sử dụng đến hết hạn dùng của thuốc. Đồng thời có công văn kiến nghị Cục Quản lý dược - Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu Phenobarbital điều trị của các BV. Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản đề nghị các công ty nhập khẩu thuốc liên hệ đối tác nước ngoài tìm nguồn cung ứng thuốc thay thế nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được nhà cung cấp mới.
Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế cho biết thuốc tiêm Phenobarbital 100 mg/ml không phải là thuốc chống co giật duy nhất trong phác đồ điều trị bệnh TCM. Trong tình hình không có thuốc như hiện nay, các BV có thể sử dụng các thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam... để thay thế.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết vừa qua BV đã bàn lại phác đồ, thay thế Phenobarbital bằng các thuốc khác để bảo đảm yêu cầu điều trị. Tuy nhiên, vẫn rất cần nhập Phenobarbital bởi thuốc này là phương án tối ưu trong điều trị triệu chứng co giật, giật mình ở bệnh nhi TCM, cũng như ứng dụng cho nhiều bệnh khác.
Theo BS Khanh, Phenobarbital an toàn hơn so với các thuốc thay thế. Các thuốc thay thế đòi hỏi phải theo dõi bệnh nhi sát hơn, đặc biệt là bệnh nhi sơ sinh (vì có thể có một số tác dụng phụ như cơn ngưng thở).
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), cho biết thêm: "Ngoài hạn chế được tác dụng phụ là cơn ngưng thở ở trẻ sơ sinh, Phenobarbital còn có ưu điểm là tác dụng kéo dài vì thời gian bán hủy lâu, không chỉ giúp xử lý vấn đề tức thời mà còn giúp phòng được các cơn co giật, giật mình, chới với ở bệnh TCM; thuốc cũng an toàn khi dùng cho các trường hợp viêm màng não, động kinh…".
Tăng cường phòng chống
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng của năm 2020, cả nước ghi nhận 38.704 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 (61.226 ca), số ca mắc của cả nước giảm 36,3%, số trường hợp nhập viện giảm 31,4%.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận gần 3.800 trường hợp mắc, không có tử vong, tăng 1,4% số ca mắc so với tuần trước đó. Số ca mắc TCM chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%). Khu vực miền Nam chiếm gần 55% tổng số ca mắc, miền Bắc chiếm 32%.
Theo các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, hiện đang vào năm học mới, các em đến trường nên số mắc dự báo sẽ gia tăng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Hiện bệnh TCM vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỉ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp do vậy phải chú trọng việc phòng bệnh.
Liên quan đến tình hình một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc TCM gia tăng, trước đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu Sở Y tế và các BV rà soát, bổ sung kế hoạch phòng chống bệnh TCM trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh TCM. Đề nghị Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng chống bệnh TCM, đặc biệt chú trọng công tác truyền thông.
Cục Quản lý dược đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực tìm nguồn cung ứng mới Phenobarbital 100 mg/ml và các bệnh viện chủ động sử dụng các thuốc chống co giật khác để điều trị thay thế. Việc điều trị bệnh nhân TCM vẫn thực hiện theo phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành.