Không lùi bước trước biến cố thuế quan, doanh nghiệp Việt tìm cách bám trụ thị trường Mỹ

Bất chấp nguy cơ có thể bị Mỹ áp thuế cao, Vicostone và Thủy sản Sao Ta vẫn kiên định cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thay vì giảm giá để giữ thị phần.

Thuế đối ứng của Mỹ có thể tác động nặng tới xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Anh

Thuế đối ứng của Mỹ có thể tác động nặng tới xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Anh

Mức độ cạnh tranh trong thị trường đá nhân tạo tăng nhanh những năm gần đây khiến thị phần xuất khẩu của Công ty CP Vicostone tại thị trường Mỹ giảm mạnh, xuống chỉ còn khoảng 25%, rất thấp so với con số lên đến 80% vào thời kỳ đỉnh cao. Tuy vậy, thị trường Mỹ vẫn rất quan trọng đối với nhà sản xuất và xuất khẩu đá nhân tạo top 3 thế giới này.

Chính vì vậy, mức thuế đối ứng Mỹ áp cho hàng hóa Việt Nam sẽ có ảnh hưởng mạnh tới Vicostone. Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone, cho biết, doanh thu từ thị trường Mỹ của công ty có thể giảm 50% nếu Mỹ chính thức áp mức thuế đối ứng 46%. Kể cả trong những kịch bản khả quan hơn, lợi nhuận dự kiến của Vicostone vẫn có thể bị suy giảm 30 – 40%.

Tình hình càng áp lực hơn khi Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong thị trường đá nhân tạo Mỹ kể từ khi Trung Quốc bị hạn chế nhập khẩu vào thị trường này, được Mỹ gỡ bỏ thuế chống bán phá giá. Hiện tại, giá bán của Ấn Độ thấp hơn khoảng 40% so với sản phẩm của Vicostone.

Bình luận về những khó khăn tại thị trường Mỹ, ông Năng cho biết, trong trường hợp thuế quan đối ứng được áp dụng, công ty sẽ tiến hành đàm phán lại với khách hàng về giá để thích nghi với điều kiện thị trường mới.

Tuy nhiên, giá không phải là yếu tố then chốt khi Chủ tịch Vicostone nhấn mạnh phương châm doanh nghiệp vẫn luôn theo đuổi là tập trung vào phân khúc chất lượng cao thay vì cạnh tranh về giá.

“Giảm giá để mở rộng thị phần là lựa chọn nhưng cần cân nhắc tính bền vững khi biên lợi nhuận bị ảnh hưởng”, vị tỷ phú gốc Nam Định nói.

Chiến lược tập trung vào chất lượng cũng là lựa chọn khả dĩ khi Vicostone không dễ dàng trong việc tìm kiếm thị trường thay thế. Hiện tại, Vicostone tập trung khai thác ba thị trường lớn là Mỹ, châu Âu và Canada, vẫn đang cân nhắc đến mở rộng thị trường nhưng vấp phải thách thức về chi phí vận hành và năng lực phân phối, vốn là đặc thù của ngành đá nhân tạo.

Tương tự Vicostone, Công ty CP Thủy sản Sao Ta cũng chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách thuế quan của Mỹ, do Mỹ chiếm đến 1/3 cơ cấu thị phần và là thị trường quan trọng nhất của doanh nghiệp này, bất chấp giá bán cao hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Sao Ta cho biết, ngưỡng thuế quan đối ứng “chấp nhận được” của doanh nghiệp này là khoảng 20%. Ở kịch bản xấu, Việt Nam bị áp thuế cao hơn đối thủ từ 10% trở lên, công ty khó lòng duy trì thị phần, thậm chí khó trụ lại ở Mỹ nếu chênh lệch thuế ở mức 20%.

Ở thị trường Mỹ, Thủy sản Sao Ta bị cạnh tranh gay gắt bởi Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, ông Lực cho biết, nếu các đối thủ tập trung vào giá bán, Thủy sản Sao Ta thiết lập cho mình vị thế riêng ở phân khúc cao với trình độ chế biến tạo giá trị gia tăng.

Đó cũng chính là cơ sở để Thủy sản Sao Ta thực hiện chiến lược thị trường linh hoạt từ năm 2020, bao gồm các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.

“Tình huống xấu nhất, bắt buộc phải rời khỏi Mỹ thì sự hụt hẫng sẽ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn”, Chủ tịch Thủy sản Sao Ta tự tin khẳng định.

Bình luận về sự kiện liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ tại một sự kiện gần đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, xuất khẩu có thể bị suy giảm 24 tỷ USD trong kịch bản xấu nhất, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế cũng như sức sống của doanh nghiệp.

Hiện tại, chưa có điều gì chắc chắn về quyết định của Mỹ. Do đó, theo ông Lực, yếu tố then chốt về lâu dài là nâng cao năng lực thích ứng và sức chống chịu, qua đó vượt qua cú sốc, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/khong-lui-buoc-truoc-bien-co-thue-quan-doanh-nghiep-viet-tim-cach-bam-tru-thi-truong-my-d39814.html