Thặng dư thương mại giảm sẽ tác động đến dư địa để giảm lãi suất

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với các đối tác thương mại không làm thay đổi mục tiêu cốt lõi của Mỹ là thu hẹp thâm hụt thương mại. Với những quốc gia có thặng dư thương mại lớn như Việt Nam, áp lực thuế quan gia tăng sẽ làm thu hẹp dư địa điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Các FTA quả thật có thể là... đường tránh, giúp xuất khẩu Việt Nam an toàn đi qua các nguy cơ thương chiến trong những ngày tháng tới. Ảnh: H.P

Các FTA quả thật có thể là... đường tránh, giúp xuất khẩu Việt Nam an toàn đi qua các nguy cơ thương chiến trong những ngày tháng tới. Ảnh: H.P

Bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng

Ngày 2-4-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế đối ứng áp dụng với hầu hết đối tác thương mại của Mỹ; bao gồm hai giai đoạn: mức thuế tối thiểu 10% áp dụng cho tất cả quốc gia từ ngày 5-4-2025, tiếp theo là mức thuế bổ sung theo tỷ lệ thặng dư thương mại, có hiệu lực từ ngày 9-4-2025. Việt Nam là một trong những nước bị áp thuế cao, lên tới 46%.

Đến ngày 9-4-2025, khi giai đoạn hai chính thức có hiệu lực thì ông Trump bất ngờ công bố tạm hoãn 90 ngày cho 75 quốc gia không trả đũa Mỹ, ngoại trừ Trung Quốc bị tăng thuế thêm lên đến 125%. Tiếp đó, đến ngày 12-4-2025, chính quyền Mỹ tuyên bố miễn thuế đối ứng với các mặt hàng như điện thoại thông minh, máy tính và linh kiện điện tử, những sản phẩm đang được gia công nhiều tại Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan... và có thể chuyển qua một loại thuế riêng theo từng loại hàng hóa.

Dù tạm hoãn thuế, ông Trump vẫn bám sát chiến lược thu hẹp thặng dư thương mại với các đối tác có thặng dư lớn. Rất có thể Mỹ sẽ duy trì hai hệ thống thuế nhập khẩu song song gồm: thuế đối ứng theo đối tác thương mại và thuế nhập khẩu theo ngành nghề có định hướng đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước.

Việt Nam đang chủ động đối thoại với Mỹ nhằm giảm mức thuế về mức hợp lý hơn, phù hợp với quan hệ đã được nâng tầm giữa hai nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách thuế của Mỹ có thể linh hoạt theo đối tác và lĩnh vực, Việt Nam cũng cần sẵn sàng nhiều kịch bản điều hành để ứng phó linh hoạt trong thời gian tới.

Thặng dư thương mại hàng hóa thu hẹp sẽ giảm dư địa chính sách tiền tệ

Trong công thức tính thuế đối ứng, chính quyền ông Trump tập trung vào thương mại hàng hóa với từng đối tác, thay vì xem xét tổng thể bao gồm cả cán cân dịch vụ, phần mà Mỹ thường thặng dư. Do vậy, những quốc gia có thặng dư hàng hóa lớn với Mỹ dễ trở thành đối tượng bị áp mức thuế cao.

Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đạt hơn 132 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam ước tính gần 119 tỉ đô la, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13 tỉ đô la, tạo ra thặng dư gần 106 tỉ đô la. Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mexico. Dù vậy, 75% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp, chỉ một phần nhỏ là của các doanh nghiệp trong nước (khoảng 30 tỉ đô la), gồm các ngành như đồ gỗ, thủy sản, nông sản...

Để chủ động thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ, phía Việt Nam có thể thông qua tăng cường mua các mặt hàng như máy bay, LNG, nông sản... Tuy nhiên, rất khó để giảm mạnh thặng dư thương mại với Mỹ khi quy mô thặng dư quá lớn. Ngay cả khi Việt Nam giảm được một nửa thặng dư thương mại so với năm 2024, nếu Mỹ vẫn duy trì mức thuế cao hơn các đối tác khác, khả năng thích ứng của Việt Nam sẽ bị hạn chế.

Trong cán cân thanh toán quốc gia hai năm gần đây, ba nguồn chính mang lại ngoại tệ cho nền kinh tế là thương mại hàng hóa, vốn FDI và kiều hối. Trong đó, thặng dư thương mại hàng hóa nổi bật với vai trò then chốt. Nhờ đó, Việt Nam duy trì được dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nếu xu hướng thặng dư này đảo chiều, áp lực điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách tỷ giá, sẽ gia tăng đáng kể.

Chính sách tiền tệ đứng trước bài toán đánh đổi

Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày để đàm phán, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn sẽ theo đuổi chính sách thuế đối ứng một cách kiên định. Bên cạnh mức thuế tối thiểu, Mỹ có thể áp dụng các mức thuế nhập khẩu bổ sung theo từng mặt hàng, với mục tiêu thúc đẩy sản xuất quay trở lại Mỹ.

Trong kịch bản Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi hơn so với các nước có năng lực cạnh tranh tương đương, xuất khẩu vẫn có thể duy trì nhờ sự dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia bị đánh thuế cao hơn. Tuy nhiên, nếu mức thuế này vẫn không đủ cạnh tranh, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể chững lại, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Sự suy giảm thặng dư thương mại sẽ gây áp lực lên cán cân vãng lai, vốn là nguồn cung ngoại tệ quan trọng giúp duy trì dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá. Khi các trụ cột này suy giảm nhanh, chính sách tiền tệ sẽ rơi vào thế lưỡng nan, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân nhắc những điều chỉnh mang tính đánh đổi.

Một số lựa chọn có thể sẽ được NHNN cân nhắc như sau:

Thứ nhất, NHNN có thể phải tăng lãi suất tiền đồng để giữ mức chênh lệch đủ hấp dẫn so với đô la Mỹ, từ đó hỗ trợ dòng vốn vào và bù đắp phần thiếu hụt ngoại tệ từ thặng dư thương mại. Chính vì vậy, trước khi có kết quả rõ ràng về mức thuế chính thức của Mỹ với Việt Nam, việc tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ rất khó xảy ra.

Thứ hai, là phương án phá giá tiền đồng ở mức độ có kiểm soát nhằm hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế dòng vốn rút ra. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi vì nếu lạm dụng, nó có thể làm suy giảm niềm tin vào đồng nội tệ và kích hoạt làn sóng rút vốn ra khỏi thị trường.

Thứ ba, NHNN có thể cân nhắc chấm dứt chính sách lãi suất 0% đối với tiền gửi đô la Mỹ, chính sách này đã được duy trì từ năm 2016 nhằm chống găm giữ ngoại tệ. Trong bối cảnh áp lực ngoại hối gia tăng, việc trả lãi suất cho tiền gửi đô la Mỹ có thể giúp tăng lượng đô la Mỹ lưu thông trong hệ thống ngân hàng.

Trong cả ba phương án, việc tăng lãi suất hoặc phá giá tiền đồng đều là những công cụ quen thuộc, nhưng lại xung đột với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, khi trụ cột thặng dư thương mại bị suy yếu, dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể. Bài toán đánh đổi giữa ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế vì thế sẽ ngày càng trở nên hóc búa.

Lão Trịnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thang-du-thuong-mai-giam-se-tac-dong-den-du-dia-de-giam-lai-suat/