Không miễn thuế đất nông nghiệp nếu sử dụng sai mục đích
Chiều 22/5, thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Tây Ninh) về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu đề nghị, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp phải dành cho đối tượng sử dụng đất đúng mục đích; tránh hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân chuyển nhượng đất trồng lúa, đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang trong thời gian dài.
Giám sát việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, các đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về chủ trương ban hành nghị quyết và các nội dung, kiến nghị trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, Chính phủ phải rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp để có thể thiết kế chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như một công cụ thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp, góp phần thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Bởi thực tế, Nghị quyết của Trung ương yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp. Chúng ta rất ủng hộ việc miễn, giảm thuế đất nông nghiệp cho đúng đối tượng nhằm giảm chi phí, hỗ trợ nông dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như khẳng định kinh tế nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Nhấn mạnh vấn đề miễn, giảm thuế đất nông nghiệp dành cho những đối tượng sử dụng đất đúng mục đích, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết cần phải “có van, có khóa” để sau này Chính phủ quy định trong Nghị định hướng dẫn. Ngoài ra, Quốc hội, các Đoàn ĐBQH cũng như các ĐBQH cần giám sát ở địa phương việc miễn giảm thuế đất nông nghiệp có đúng mục đích hay không.

ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cần tránh hiện tượng có tổ chức, cá nhân chuyển nhượng đất trồng lúa, đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang trong thời gian dài và không có sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải khuyến khích người dân sử dụng đất lúa, đất nông nghiệp đúng mục đích và miễn thuế cũng đúng mục đích. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, làm rõ Điều 1 của Dự thảo nghị quyết để bảo đảm chính quyền địa phương dễ áp dụng và tổ chức thực hiện.
“Với những đối tượng không trực tiếp sản xuất, đối tượng để hoang hóa đất, thậm chí ôm, gom đất, không sản xuất, chờ điều chỉnh quy hoạch để được bồi thường, hỗ trợ… thì trong Nghị định của Chính phủ sẽ phải loại trừ những đối tượng này, không được miễn giảm thuế đất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần tiếp thu để xử lý vấn đề này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Rà soát, phân loại từng nhóm để có chính sách phù hợp
Cũng góp ý vào nội dung này, ĐBQH Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại việc triển khai thực hiện Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 1993 đến nay. Qua hơn 30 năm ban hành đến thời điểm này, nhiều quy định đã không còn phù hợp. Đặc biệt, rất nhiều nội dung trong Luật và các chính sách triển khai thực hiện nay vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Bởi vậy, Dự thảo nghị quyết cần phải rà soát, phân tích và phân loại từng nhóm, từng đối tượng để có những chính sách phù hợp với thực tiễn, thật sự phát huy hiệu quả.

ĐBQH Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Theo đại biểu Phạm Hùng Thái, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của người nông dân đang chịu nhiều áp lực, bấp bênh, không có căn cơ và hiệu quả, rủi ro rất cao. Do đó rất cần những chính sách của Nhà nước để hỗ trợ và để động viên để thúc đẩy những người làm sản xuất nông nghiệp, góp phần cho tăng trưởng của chung của đất nước.
“Cần sớm có đánh giá tổng kết và sửa đổi một cách toàn diện Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp để phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển”, đại biểu Phạm Hùng Thái nhấn mạnh.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Đồng tình với đại biểu Phạm Hùng Thái, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết: tại các hội nghị tiếp xúc với ĐBQH, cử tri rất quan tâm và đề nghị được kéo dài thời gian được hưởng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Vì vậy, Dự thảo nghị quyết được ban hành rất phù hợp, đáp ứng mong mỏi của người dân; đặc biệt, là những nơi địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, đại biểu đề nghị, Chính phủ sớm tổng kết nội dung này và sớm sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và triển khai hiệu quả cũng như tiếp tục áp dụng việc kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho tất cả các đối tượng để người dân yên tâm lao động, sản xuất.