Không mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán, không có 'đất' quẹt thẻ

Chiều 15/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng cho biết: Để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hạ tầng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng.

Tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" diễn ra chiều 15/9, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Những chính sách, quy định kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ thanh toán số.

Trong 7 tháng năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua mã phản hồi nhanh (QR Code) tăng 124,15% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu từ Công ty Cổ phần FiinGroup cho thấy, tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây nhưng không vượt quá 10%. Đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm tỷ trọng 5,5% dư nợ. Như vậy, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa là rất lớn.

Bà Phan Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: BIDV hiện là 1 trong “Big 4”, bốn ngân hàng lớn ở Việt Nam có mạng lưới chấp nhận thanh toán lớn nhất thị trường. Chính sách của BIDV tương đối mở, các doanh nghiệp hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh sẽ được đăng ký dịch vụ chấp nhận thanh toán.

Để phát triển thẻ tín dụng nội địa, không chỉ có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà cần có sự phối hợp với các đơn vị phát hành thẻ, các tổ chức tín dụng, đặc biệt người sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Để phát triển thẻ tín dụng nội địa, không chỉ có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà cần có sự phối hợp với các đơn vị phát hành thẻ, các tổ chức tín dụng, đặc biệt người sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

“Thực tế, nếu không mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán sẽ không có ‘đất’ để quẹt thẻ. BIDV cung cấp dịch vụ chấp nhận thanh toán thông qua quy mô, tính năng dưới các hình thức như: Điểm bán hàng (POS), QR Code, tích hợp sâu… phù hợp với từng đối tượng. Dù có nhiều tiềm năng nhưng các ngân hàng cũng gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai như: Chi phí để đầu tư máy POS rất cao, trung bình lên đến 7 – 8 triệu đồng nên không phải ngân hàng nào cũng đủ chi phí để đầu tư miễn phí cho toàn bộ khách hàng. Ngoài ra, không phải đơn vị thanh toán nào cũng chấp nhận trả phí, chưa kể, sự cạnh tranh của các ngân hàng ở các trung tâm thương mại rất cao”, bà Phan Thị Thanh Nhàn cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng giám đốc Sacombank, điểm chấp nhận thanh toán là điểm cuối cùng kết nối phương tiện thanh toán và nhu cầu tiêu dùng. Sacombank rất quan tâm đến chấp nhận thanh toán qua POS. Mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán cần có chiến lược lâu dài vì đầu tư chi phí, con người, hệ thống rất lớn.

“Từ năm 2004, Sacombank đã phát triển hệ thống thanh toán qua POS. Năm 2008, Sacombank đã phát triển cổng thanh toán để giao dịch thanh toán online. Sacombank phát triển hơn 195.000 máy POS, chiếm hơn 45% thị phần. Đối tác giao dịch điện tử của Sacombank chủ yếu kết nối với khoảng 165 công ty Fintech, trang thương mại điện tử, cổng thanh toán về y tế, trường học… Doanh số thanh toán trung bình hiện nay của Sacombank đạt 500 tỷ đồng/ngày. Số lượng giao dịch đạt 3.000 giao dịch/phút. Những con số này cho thấy nhu cầu thị trường rất lớn. Cần có sự đồng hành của nhiều thành phần trong hệ sinh thái, vì vậy Sacombank kết nối, đồng hành ngay từ khi các công ty Fintech thành lập”, ông Nguyễn Minh Tâm đề xuất.

Trong tương lai, Sacombank tiếp tục phát triển đến các điểm từ hệ thống phòng giao dịch và mở rộng thêm các dịch vụ tiện ích cho người dùng trên máy POS. Thị trường thẻ Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các công ty quốc tế. Chính vì vậy theo lãnh đạo Sacombank, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần phát triển thanh toán thông qua các điểm tiếp nhận.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khong-mo-rong-mang-luoi-chap-nhan-thanh-toan-khong-co-dat-quet-the-20230915174248564.htm