Không muốn con chơi điện thoại xuyên lễ, bố đưa cả nhà đi cắm trại

Không muốn thấy con dán mắt vào điện thoại như khi du lịch và nghỉ dưỡng, 2 năm nay, anh Tiến đưa gia đình đi cắm trại vào các dịp lễ để bé được hòa mình với thiên nhiên.

Từng đọc nhiều thông tin về thảo nguyên Đồng Lâm (Hữu Lũng, Lạng Sơn), anh Tiến Lê, kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, quyết định đưa vợ và con trai tới đây cắm trại trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Đặc biệt, nơi này chỉ xuất hiện vài tháng trong năm khi vào mùa nước cạn.

“Tôi chọn đi cắm trại bởi muốn con gần thiên nhiên hơn. Con cần chung tay để dựng lều, tháo lắp bàn ghế, nhóm bếp và được chạy nhảy, vận động thoải mái. Đó những thứ mà ngày thường con không được trải nghiệm hoặc chỉ biết đến qua sách vở, video trên mạng”, anh nói với Zing.

Ban đầu, anh Tiến lo lắng khi xem dự báo thời tiết thấy mưa lạnh. 2h sáng 30/4, Hà Nội mưa rào, họ định hủy chuyến đi nhưng 3 tiếng sau trời tạnh ráo nên cả nhà lên đường.

 Anh Tiến chọn thảo nguyên Đồng Lâm, cách Hà Nội khoảng 150 km, để đưa vợ và con trai đế tận hưởng kỳ nghỉ lễ.

Anh Tiến chọn thảo nguyên Đồng Lâm, cách Hà Nội khoảng 150 km, để đưa vợ và con trai đế tận hưởng kỳ nghỉ lễ.

Chọn nơi vắng vẻ

Hơn 2 năm nay, vào các dịp nghỉ lễ, gia đình anh Tiến thường đi cắm trại hoặc khám phá miền Bắc từ biển đến núi. Do đó, đồ đạc cắm trại được anh sắm khá đầy đủ như lều, ghế, đệm, bếp, xe kéo đồ, thùng đá, xẻng, cuốc. Tất cả được chất lên ôtô 7 chỗ của gia đình.

Trong khi bà xã chuẩn bị đồ ăn và hành trang cho cả nhà, anh Tiến phụ trách lái xe, mang vác vật dụng, dựng lều trại.

Vốn không thích ồn ào, vợ chồng anh Tiến chọn đi xa nhất có thể mà vẫn đủ gần để dễ liên lạc mọi người khi gặp sự cố. Họ chọn điểm hạ trại vắng vẻ, không loa kéo để có không gian yên tĩnh đọc sách.

Ngoài ra, anh Tiến thuê thợ chụp ảnh riêng cho vợ, con và sử dụng một số dịch vụ như bốc vác đồ qua suối, di chuyển bằng xe ôm vào trong. Anh cho hay chi phí cho chuyến đi khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/người.

“Ngày trước, tôi rất thích đi du lịch. Giờ vẫn đam mê xê dịch nhưng tôi muốn dành thời gian cho con có trải nghiệm khác so với du lịch, nghỉ dưỡng. Tôi mong con có kỷ niệm đẹp thời thơ ấu nên chọn lao động cùng con để có kỳ nghỉ vui vẻ hơn”, ông bố 38 tuổi nói.

Theo anh Tiến, khi cho con nhỏ đi cắm trại cùng gia đình, bố mẹ nên xem xét mang đồ phù hợp và tối giản hóa nhu cầu.

 Con trai anh Tiến thích thú với những trải nghiệm gần gũi thiên nhiên trong suốt chuyến đi.

Con trai anh Tiến thích thú với những trải nghiệm gần gũi thiên nhiên trong suốt chuyến đi.

Cũng tránh đến các điểm du lịch vừa đông đúc vừa đắt đỏ, chị Phạm Minh Trâm (Hà Nội) cùng chồng và con nhỏ đi cắm trại ở Hòa Bình hôm 30/4 để được thư giãn, nghỉ ngơi thật sự.

“Vào các dịp nghỉ lễ, gia đình tôi lựa chọn điểm đi chơi phù hợp với thời tiết và ý kiến của từng thành viên trong gia đình. Nếu chỉ đi trong ngày, cả nhà thường ưu tiên cắm trại”, chị nói.

Ban đầu, gia đình chị Trâm đến một số điểm nổi tiếng như Nà Bờ (Sào Báy, Kim Bôi) nhưng rời đi vì quá đông đúc. Cả nhà may mắn tìm được nơi hạ trại ở Đồng Chờ gần đó mà không có nhiều người.

“Trước khi lên đường, tôi chuẩn bị sẵn lều trại, đồ ăn, hoa quả đầy đủ vì xác định điểm đến sẽ không có dịch vụ gì. Vợ chồng tôi tìm nơi thiên nhiên trong lành, có suối cho con đùa nghịch, bơi, trải nghiệm mò cua, bắt ốc. Cả chuyến đi, các bạn nhỏ gần như chỉ ở dưới nước vì mát mẻ, an toàn”, chị kể.

Chị Trâm chia sẻ chi phí cho cả nhà trong chuyến đi chỉ khoảng 1 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với đến các khu du lịch dịch vụ nhờ xe tự lái, đồ ăn chuẩn bị theo sở thích. Vợ chồng chị rủ bạn đi cùng để hai gia đình có nhiều trải nghiệm bên nhau.

 Vừa tránh đông đúc, đắt đỏ, vừa cho con có trải nghiệm gần gũi thiên nhiên là lý do chị Trâm chọn đi cắm trại dịp nghỉ lễ.

Vừa tránh đông đúc, đắt đỏ, vừa cho con có trải nghiệm gần gũi thiên nhiên là lý do chị Trâm chọn đi cắm trại dịp nghỉ lễ.

Không rẻ hơn ở resort

Thay vì những chuyến du lịch ở các resort đã quá nhàm chán với gia đình, anh Dương Việt Anh (32 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) muốn cho cả nhà trải nghiệm mới mẻ, hòa mình với thiên nhiên trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày.

“Gia đình tôi thường đi cắm trại vào cuối tuần, chủ yếu là xung quanh Hà Nội, cách không quá 100 km. Đợt nghỉ lễ này khá dài nên cả nhà đi chơi xa hơn ở Hòa Bình”, anh nói.

Trước khi lên đường, vợ chồng anh Việt Anh chuẩn bị kỹ từ bếp, nồi, xoong, chảo, nước, thuyền, áo phao và vật dụng sơ cứu y tế phòng trường hợp không hay xảy ra. Anh lái xe bán tải nên có thể mang đầy đủ đồ.

Gia đình anh Việt Anh đi cùng họ hàng, gồm 3-4 xe. Địa điểm hạ trại của nhóm là những nơi có cảnh đẹp, vắng vẻ, sạch sẽ và an toàn do ít người biết tới.

Gia đình anh Việt Anh chọn cắm trại ở nơi vắng vẻ, chỉ người dân địa phương mới biết.

Gia đình anh Việt Anh chọn cắm trại ở nơi vắng vẻ, chỉ người dân địa phương mới biết.

“Đồ ăn được các chị em chuẩn bị, mua ở siêu thị và ướp sẵn từ nhà, đến chỉ việc nướng. Đoàn khá đông nên chi phí cho chuyến đi nhìn chung không rẻ hơn so với ở resort. Tuy nhiên, để có chuyến đi chơi vui vẻ, tôi không đặt nặng chi phí”, ông bố trẻ nói.

Theo anh Việt Anh, khi gia đình có trẻ nhỏ đi cắm trại, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, đồ đạc cho các con vui chơi. Bên cạnh đó, nên đi 3-4 người trở lên để một người lớn phụ trách trông trẻ nhằm đảm bảo an toàn khi hạ trại ở nơi có hồ, thác nước, địa hình không bằng phẳng.

“Nên tránh các bãi cắm trại nhiều người biết đến vì đông quá thì không còn không khí của buổi dã ngoại. Hơn nữa, vấn đề an ninh, đồ đạc cũng khó đảm bảo. Nên tìm địa điểm mới mẻ, chỉ người địa phương mới biết. Các vật dụng cũng nên kiểm tra kỹ càng, ví như bếp thì xem có đủ gas hay không hoặc đem thêm để dự phòng”, anh nói.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-muon-con-choi-dien-thoai-xuyen-le-bo-dua-ca-nha-di-cam-trai-post1313781.html