Không muốn nghỉ làm vì sợ phải đi làm trở lại
Theo New York Times, nhiều người sợ phải nghỉ lễ Tết vì sợ cảm giác phải đi làm trở lại. Các chuyên gia theo đó đã đưa ra vài cách giúp hạn chế tình trạng này.
Mặc dù nhiều nghiên cứu trong hàng thập kỷ chỉ ra rằng việc dành thời gian nghỉ ngơi là tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, nhiều người trong số họ vẫn sợ ngày nghỉ.
Đối với những người được nghỉ có lương, hầu như là nhân viên văn phòng, họ nghỉ ngơi nhưng vẫn phải nơm nớp đến ngày đi làm trở lại.
Nỗi sợ ngày nghỉ
Trong một cuộc khảo sát vào tháng 11 trên hơn 1.000 công nhân Mỹ, trang web nghề nghiệp Monster phát hiện 87% trong số đó bị căng thẳng và lo lắng sau kỳ nghỉ, 72% trong số đó thậm chí đã không sử dụng ngày nghỉ để tránh nỗi sợ trên.
Các nhà tâm lý học và trị liệu tâm lý phân loại cảm giác lo lắng sau kỳ nghỉ là lo xa (anticipatory anxiety), một thuật ngữ chung tả sự lo lắng về những điều tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai.
TS Rebecca Brendal, Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần Mỹ, ví nỗi sợ sau kỳ nghỉ như "nỗi sợ ngày chủ nhật" - thuật ngữ phổ biến trên mạng xã hội chỉ cảm giác lo lắng vào cuối tuần khi phải quay lại làm việc. Theo bà, nguyên nhân người Mỹ sợ kỳ nghỉ là do tình trạng kiệt sức (burnout) ở người lao động ngày một tăng cao trong những tháng gần đây.
"Nhiều người thậm chí mệt mỏi kiệt sức nhưng không dám nghỉ vì với họ, việc trở lại sau ngày nghỉ còn khiến họ khủng hoảng hơn", bà nói với New York Times.
Trong một nghiên cứu được xuất bản năm 2000, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng đi nghỉ hàng năm làm giảm nguy cơ tử vong nói chung.
Ông Brooks Gump, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại ĐH Syracuse kiêm đồng tác giả của bài nghiên cứu, đã thực hiện một nghiên cứu tương tự vào năm ngoái. Ông và nhóm của mình phát hiện ra những người làm công việc ít căng thẳng cảm thấy bình tĩnh và ít lo lắng hơn trước, trong và sau kỳ nghỉ, so với những người làm công việc căng thẳng cao.
"Một số công việc cho phép bạn thoải mái nghỉ ngơi và quay lại làm việc nhưng những công việc căng thẳng cao không thực sự như thế", ông cho hay.
Bà Morra Aarons-Mele, tác giả cuốn sách The Anxious Achiever (tạm dịch Người thành công lo lắng), cũng thường nghe về nỗi sợ ngày nghỉ khi tư vấn cho các công ty. Theo bà, rất ít văn hóa làm việc nào khuyến khích nhân viên "rút phích cắm". Hầu như ai cũng cho rằng việc làm việc liên tục là một điều tự hào.
Theo đó, các chuyên gia đã chia sẻ cách tận hưởng thời gian nghỉ phép cũng như giảm thiểu nỗi sợ ngày nghỉ.
Làm sao hết sợ?
Giảm tốc (Offramping)
Hơn một nửa số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Monster cho biết họ phải làm thêm giờ để bắt kịp công việc.
Ông Simone Stolzoff, tác giả của cuốn sách sắp xuất bản The Good Enough Job (tạm dịch: Một công việc đủ tốt) cho biết một cách giúp giảm căng thẳng trong ngày đầu tiên trở lại làm việc là dành thời gian cho công việc trước khi nghỉ phép.
"Bạn có thể lập danh sách các công việc cần ưu tiên giải quyết khi quay lại làm việc, tìm đồng nghiệp giúp đỡ xử lý công việc lúc vắng mặt hay ít nhất là cập nhật thông tin công việc cho bạn trong kỳ nghỉ", ông gợi ý.
Bên cạnh đó, TS Brendal khuyến khích nhân viên báo trước với lãnh đạo trước kỳ nghỉ để họ có sự chuẩn bị.
"Cho dù đã thông báo vắng mặt từ trước, bạn nên đưa ra một người thay mặt bạn nắm bắt nếu công việc có tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hãy đưa ra thời gian thực tế mà bạn sẽ trả lời liên hệ", bà nói.
Ngoài thông báo trực tiếp, bạn cũng nên thông báo sự vắng mặt của mình trên các nền tảng liên lạc trực tuyến tại chỗ làm như Slack hay MS Teams để lưu ý với những người khác về sự vắng mặt ngắn hạn của mình.
Giới hạn thời gian làm việc trong kỳ nghỉ
"Nếu những email công việc luôn khiến bạn lo lắng đến không ngủ được, bạn có thể sắp xếp thời gian trong kỳ nghỉ của mình để dọn dẹp hộp thư đến", cô Aarons-Mele bổ sung bạn nên tiết chế khối lượng thời gian trong kỳ nghỉ dành cho công việc cũng như chia sẻ điều này với những người đi cùng.
Ngoài ra, bạn có thể nhờ một đồng nghiệp cập nhật tình hình công việc cho bạn. Theo Laura Vanderkam, tác giả cuốn Tranquility by Tuesday: 9 Ways to Calm the Chaos and Make Time for What Matters (tạm dịch: Sự tĩnh lặng vào thứ 3), việc có một đồng nghiệp cập nhật tình hình công việc trong thời gian nghỉ phép "tương đương với việc đọc qua 300 email nhưng hiệu quả hơn nhiều".
Lấp đầy thời gian trống trong kỳ nghỉ
Bạn có thể lên kế hoạch cho những gì sẽ làm trong thời gian rảnh rỗi của kỳ nghỉ để không bị cuốn theo suy nghĩ kiểm tra công việc.
Bà Aarons-Mele cũng thường cảm thấy buồn chán và muốn làm việc mỗi khi đi nghỉ phép. Theo bà, để tránh rơi vào cái bẫy đó, bạn có thể lên kế hoạch cho các hoạt động trong kỳ nghỉ của mình như đăng ký một lớp học, làm tình nguyện, thăm viện bảo tàng, hoặc làm bất cứ điều gì khiến bạn rời khỏi màn hình và suy nghĩ về công việc.
Chuẩn bị sau kỳ nghỉ và trước ngày làm việc
Bà Vanderkam khuyến khích mọi người nên có một ngày lấy lại tinh thần trước khi làm việc trở lại sau kỳ nghỉ phép như dành thời gian
"Việc gặp gỡ bạn bè hoặc đi xem phim vào chiều tối hôm trước khi làm việc trở lại có thể đảm bảo bạn không bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải đi làm lại vào ngày hôm sau. Bạn có thể sẽ nghĩ về niềm vui sắp tới thay vì lo lắng khi bắt đầu công việc", bà giải thích.
Mọi thứ không tệ hơn nếu bạn nghỉ phép
"Chúng ta có xu hướng hình dung mọi thứ tệ hại hơn, như việc công việc dồn đống hay sự cố công việc sau ngày nghỉ phép. Tuy nhiên, nó thường không tệ như chúng ta nghĩ", Bisma Anwar, một nhà trị liệu cho biết.
Để kéo bản thân ra khỏi lối suy nghĩ đó, cô Anwar gợi ý mọi người nên tập trung vào hiện tại, tránh các suy nghĩ tiêu cực bằng cách thiền định hoặc tập thể dục.
"Và nếu bạn đi vắng trong một thời gian dài, hãy nhớ rằng hầu hết vấn đề phát sinh tại nơi làm việc trong vài ngày đầu tiên sau khi bạn trở lại làm việc có thể sẽ không liên quan đến bạn. Vì thế, đừng lo xa", bà Vanderkam giải thích.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-muon-nghi-lam-vi-so-phai-di-lam-tro-lai-post1387990.html