Không nên biến Tân Thuận thành khu đô thị, xây chung cư cao tầng
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, khi bắt tay vào quy hoạch, thành phố và quận 7 cần chuyển chức năng cho Tân Thuận sang phát triển khu văn phòng, phần mềm.
Cách 4 km về trung tâm TP.HCM, khu chế xuất đầu tiên của cả nước có khoảng 195 ha dành cho xây dựng nhà máy, kho bãi. 70% doanh nghiệp tại Tân Thuận đang hoạt động trong lĩnh vực gia công sản xuất truyền thống.
Song, trước định hướng chuyển dịch toàn bộ ngành sản xuất truyền thống, gây ô nhiễm ra khỏi nội thành của TP.HCM trong tương lai, công năng hiện tại của khu chế xuất Tân Thuận lại cho thấy không còn phù hợp.
Trước khi thời hạn thuê đất hết hạn vào tháng 9/2041, UBND quận 7 cũng đề xuất TP.HCM sớm có kế hoạch di dời 300 ha khu chế xuất. Thay vào đó, mô hình này sẽ được chuyển đổi thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại, kết nối khu đô thị Thủ Thiêm và TP Thủ Đức. Quần thể này được kỳ vọng đem lại lợi ích kinh tế cho thành phố và tạo điểm đối xứng với bờ sông Sài Gòn.
Không nên làm đất ở
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Ngô Viết Architect & Planners, nhìn nhận TP.HCM nên cân nhắc về đề xuất lấy khu chế xuất Tân Thuận làm đất ở. Vì nếu trở thành đất ở, nơi đây sẽ chỉ tạo ra cơ hội phát triển địa ốc thay vì cơ hội phát triển kinh tế cho TP.HCM.
Thứ Tân Thuận đang thiếu là nơi làm việc có thu nhập cao cho người dân
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn
Theo ông, cụm không gian từ cảng Sài Gòn sang Tân Thuận chạy ra Hiệp Phước nối Long an, Tiền Giang dẫn ra biển sẽ là chuỗi đô thị kinh tế biển. Và Tân Thuận phải nằm trong chuỗi quy hoạch đó. “Tức, chúng ta phải nghĩ đến phát triển hệ sinh thái kinh tế. Còn nhà ở khu vực này đã rất nhiều”, ông Nam Sơn phân tích.
Vị KTS nhìn nhận điều KCX Tân Thuận đang thiếu không phải là nhà ở mà là chỗ làm việc thu nhập cao cho người dân. Một khu chế xuất lớn như Tân Thuận đang tạo ra công ăn việc làm cho hơn 60.000 lao động khi chuyển đi sẽ cần nguồn công ăn việc làm khác thay thế.
Khi bắt tay vào quy hoạch, ông Sơn cho rằng thành phố và quận 7 cần chuyển chức năng cho Tân Thuận sang phát triển khu văn phòng, phần mềm. Và chuỗi kinh tế biển phải ưu tiên tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho người dân.
Còn nếu làm khu đô thị, chức năng này chỉ nên chiếm 1/3. Phần còn lại là không gian làm việc, văn phòng, cơ sở nghiên cứu, R&D cho khu công nghiệp, đào tạo công nghệ cao và dành diện tích lớn cho không gian cây xanh.
Theo ông Sơn, TP.HCM đang thiếu không gian xanh trầm trọng. Với mục tiêu 10 m2/đầu người về cây xanh, đô thị lớn nhất nước hiện chỉ sở hữu con số khiêm tốn 2 m2/đầu người.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cũng nhìn nhận không riêng quận 7, thành phố cũng đang thiếu rất nhiều cây xanh. Trong khi đó, địa phương lại đang có nhiều thửa đất đang để hoang phế ở từng vỉa hè, khu dân cư, ven sông, rạch...
Ông Đua cho rằng nếu chắt chiu được từng mét vuông đất đô thị trên thì diện tích cây xanh của quận 7 sẽ cao hơn 27,16 ha như kế hoạch 3 năm sắp tới.
Về việc chuyển đổi khu chế xuất Tân Thuận, ông Đua nhìn nhận diện tích của Tân Thuận hiện tại chưa phải quá lớn.
"Nếu đề xuất Tân Thuận thành khu công nghệ cao sẽ phải có hẳn một khu để làm. Việc xen kẽ đất ở, thương mại khi diện tích quá nhỏ sẽ khó làm nên vai trò gì”, ông Đua nói và đặt vấn đề nếu sử dụng đất hiệu quả, tạo ra tương tác giữa tầm thành phố, TP.HCM có thể xác lập đầu bài này và điều chỉnh cho phù hợp.
Ưu tiên sinh thái thông minh
Từ một khu đất nông nghiệp sình lầy năm 1993, khu chế xuất Tân Thuận đến nay đã có hơn 230 doanh nghiệp từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư 2,5 tỷ USD, tạo ra việc làm cho hơn 60.000 lao động.
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của TP.HCM suốt giai đoạn vừa qua dẫn đến 300 ha khu chế xuất Tân Thuận nằm lọt trong lòng thành phố, giữa khu dân dụng đô thị, dẫn đến nhiều mối đe dọa về giao thông lẫn môi trường và chất lượng sống của người dân thành thị.
Tân Thuận nên được phát triển theo đô thị sinh thái thông minh, không carbon
TS.KTS Hoàng Ngọc Lan
TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, Giảng viên Khoa Quy hoạch, Đại học Kiến Trúc TP.HCM, nhìn nhận Tân Thuận ở 20 năm sau nên phục vụ chức năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao và sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
Bà cho rằng ngoài các chức năng trên, đề xuất xen kẽ là khu phức hợp đô thị (dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục..., đất ở) của quận 7 cũng cần được xem xét. Đây là quỹ đất nâu (brownfield) nên dễ dàng để tái phát triển thành các khu chức năng mới cho đô thị.
“Quỹ đất phải được tận dụng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân, hướng tới phát triển TP.HCM là đô thị đáng sống. Tuy nhiên, TP.HCM nên nghiên cứu khu chức năng này theo các hướng phát triển không gian xanh, đô thị sinh thái thông minh, không carbon... để tạo điểm nhấn mới cho địa bàn và thành phố, phù hợp với xu thế chung của thế giới”, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan gợi mở.
Theo nữ chuyên gia, việc chuyển đổi chức năng của khu chế xuất Tân Thuận được bắt đầu nghiên cứu từ bây giờ sẽ vừa kịp thời, trong bối cảnh quỹ đất nội đô đã cạn kiệt, và thành phố cần có quỹ đất để phát triển các chức năng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị.
Tuy nhiên, để dự án mang tính khả thi sẽ cần phải có nghiên cứu theo hướng quy hoạch chiến lược với sự tham gia của các bên liên quan ngay từ khi xây dựng tầm nhìn phát triển.
Cuối tháng 6, UBND quận 7 tổ chức Hội thảo khoa học Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tìm ra lộ trình phát triển bền vững cho địa phương trong tương lai.
Tại đây, Phó chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành đề xuất chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống tại khu chế xuất Tân Thuận sang phát triển công nghệ cao, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại.
Cựu lãnh đạo TP.HCM Nguyễn Văn Đua cũng đặt vấn đề 300 ha đất Tân Thuận cần được định hình lại để phát triển dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng, khách sạn, thương mại chất lượng cao để làm "hậu cần" cho Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm.