Không nên bít cửa trái phiếu doanh nghiệp
Không nên hạn chế cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thông qua việc siết phát hành trái phiếu một cách thái quá.
Các doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu lớn về vay vốn trung và dài hạn để cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch. Do đó, trái phiếu DN được xem là kênh huy động vốn hiệu quả, đồng thời nó cũng giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Thế nhưng nhiều công ty than gần đây họ không thể huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu dẫn đến nhiều hệ lụy.
Không có công ty địa ốc nào phát hành trái phiếu trong tháng 4
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố báo cáo mới nhất cho biết: Trong tháng 4-2022, tổng giá trị trái phiếu DN phát hành đạt hơn 16.470 tỉ đồng, trong đó có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Đáng nói trong những tháng đầu năm, bất động sản luôn ở vị trí dẫn đầu trong nhóm phát hành trái phiếu DN, song trong danh sách phát hành riêng lẻ tháng 4 vừa qua hoàn toàn không có đơn vị nào thuộc lĩnh vực địa ốc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thông tin từ vụ chín lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy và động thái siết bất động sản, trái phiếu DN đã ảnh hưởng đến thị trường này.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thanh lọc thị trường trái phiếu DN”, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐQT VietinBank Capital, nhận định: Việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu của cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua là cần thiết.
Không nên áp dụng quy định cứng nhắc cho toàn thị trường trái phiếu kiểu cào bằng, bởi nó sẽ chặn nguồn lực tài chính của các DN.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: Với một số công ty dù là yếu kém, thậm chí đứng trước khả năng phá sản thì họ vẫn cần được tiếp cận vốn vay. Hiện nay, bản thân các DN đang gặp khó khăn vốn đã không dễ tiếp cận với vốn vay từ phía ngân hàng, cộng thêm các quy định liên quan đến phát hành cổ phiếu cũng không dễ dàng đối với DN khó khăn. Trong bối cảnh đó, nếu chặn luôn cả kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ thì buộc họ phải tìm đến những khoản đầu tư mạo hiểm hoặc thị trường tín dụng chợ đen.
“Đây là điều không ai mong muốn và các cơ quan nhà nước cũng muốn hạn chế tối đa vai trò của thị trường chợ đen đối với các công ty trong trường hợp gặp khó khăn về dòng tiền. Vì vậy, khi nói về thanh lọc thị trường trái phiếu, những sai phạm vượt quá xa so với chuẩn mực thì cần phải chặn đứng. Ai sai đều cần bị xử lý nghiêm và việc xử lý những sai phạm trên thị trường trái phiếu DN là để lành mạnh hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện cho các DN khắc phục khó khăn, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tự điều tiết thông qua tăng cường nhận thức của nhà đầu tư” - ông Khổng Phan Đức nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, đặt vấn đề: Câu hỏi đặt ra là có những công ty hoạt động kinh doanh quý I-2022 đang báo lỗ, hay kết quả kinh doanh của quý liền kề trước không tốt thì có được phát hành trái phiếu riêng lẻ hay không? Không phải cứ thấy một công ty báo lỗ là xấu, bởi có rất nhiều công ty hay dự án kinh doanh đến giai đoạn cần tập trung vào đầu tư nên chưa thấy lợi nhuận. Thế nhưng dòng tiền sản xuất, kinh doanh của họ vẫn dương, vẫn có khả năng chi trả nợ.
Do đó, nhà quản lý cần nhận diện rõ đâu là những công ty có khả năng trả nợ, có thiện chí trả nợ, có mục đích sử dụng vốn minh bạch… Từ đó tạo điều kiện cho những đơn vị này phát hành trái phiếu riêng lẻ, vì đây là kênh huy động mà họ có thể tiếp cận được. “Nói cách khác, chúng ta không thể áp dụng quy định cứng nhắc cho toàn thị trường kiểu cào bằng, toàn ngành bởi nó sẽ chặn nguồn lực tài chính cho các DN lúc họ gặp khó khăn về dòng tiền” - ông Đức nhấn mạnh.
Thị trường trái phiếu DN của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, DN vẫn phải dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn. Ví dụ trong năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP. Thực trạng này đã và đang tạo sức ép, rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thanh lọc thị trường là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận định: Mặc dù quy mô của thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây nhưng tỉ trọng dư nợ của thị trường này so với GDP vẫn còn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia. Điều này có nghĩa là tiềm năng của thị trường còn lớn nếu có cơ chế hợp lý để khai thác, phát triển.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển trái phiếu DN để nó đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn của DN là cần thiết nhằm giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng. Vấn đề là cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ để hạn chế tối đa trái phiếu kém chất lượng kiểu “ba không”: Không định mức tín nhiệm, không tài sản, không bảo lãnh. Đặc biệt cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để bịt kẽ hở pháp lý dễ bị DN lợi dụng để thao túng, trục lợi. Ví dụ, có sự tham gia của các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm độc lập, uy tín trong quá trình phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Có như vậy, thị trường trái phiếu DN mới thực sự là kênh huy động vốn quan trọng của nhà kinh doanh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tạo lập nền tảng vững chắc cho phục hồi kinh tế.•
Xây dựng chuẩn mực thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi mới đây nhấn mạnh cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường trái phiếu DN theo hướng bền vững; xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát ngay những quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán, Luật DN và sẽ báo cáo Chính phủ để sửa đổi quy định tại Nghị định 153/2021 về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ. Qua đó, bảo đảm những quy định pháp luật phù hợp với điều kiện và yêu cầu điều tiết của thị trường, tránh việc để DN hay nhóm nhà đầu tư thu lợi nhuận phi pháp.
Song song đó, các cơ quan chức năng sẽ giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm, đặc biệt sai phạm về công bố thông tin, sai phạm về sử dụng vốn; trực tiếp kiểm tra, kiểm toán báo cáo tài chính tại các đơn vị phát hành. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, kể cả các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-nen-bit-cua-trai-phieu-doanh-nghiep-post679266.html