Không nên cào bằng mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Các quy định về mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động hay danh mục công việc nặng nhọc, nguy hiểm độc hại sẽ tùy theo tình hình thực tế của doanh nghiệp mà có chính sách phù hợp.

Đối thoại định kỳ của Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đối thoại định kỳ của Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thay vì cào bằng mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, việc phân chia mức đóng được điều chỉnh theo hướng doanh nghiệp thực hiện tốt sẽ được giảm 40% mức đóng so với quy định hiện hành. Điều này giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp đối thoại định kỳ của Hội đồng Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020 tổ chức ngày 1/10 tại Hà Nội.

Mất an toàn lao động cao phải đóng quỹ nhiều hơn

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định doanh nghiệp phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Một số doanh nghiệp đã đề xuất xem xét thay đổi mức đóng cho phù hợp các ngành nghề, lĩnh vực theo mức độ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động khác nhau, không “cào bằng."

Đánh giá cao việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ từ 1% xuống còn 0,5% nhưng bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị cần nghiên cứu kỹ hơn nữa để xem những ngành nghề có mức độ nguy hiểm hại lớn, rủi ro tai nạn cao thì tăng mức đóng lên. Những ngành nghề công nghiệp nhẹ giảm mức đóng đi để doanh nghiệp tự nâng cao ý thức, đảm bảo tai nạn lao động không xảy ra trong doanh nghiệp.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện nay quy định mức đóng bình thường và Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP cũng đã quy định các trường hợp được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra đề xuất tại phiên đối thoại. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra đề xuất tại phiên đối thoại. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng mức đóng 0,3% nếu bảo đảm các điều kiện: Trong vòng 3 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội; thực hiện việc báo cáo định kỳ chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn. Đặc biệt, tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.

“Trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp, tổ chức, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ rà soát theo tiêu chí, quyết định doanh nghiệp nào được giảm mức đóng từ 0,5% xuống còn 0,3%. Bên cạnh việc tăng mức xử phạt, Chính phủ ban hành chính sách khen thưởng, giảm mức đóng để giảm chi phí cho doanh nghiệp để thực hết tốt công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,” ông Hà Tất Thắng cho biết.

Tiếp tục rà soát ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Trên thực tế, một số ngành đã cũ, điều kiện làm việc không tốt nhưng đến nay do sự thay đổi của công nghệ sản xuất nên đã cải thiện được điều kiện làm việc tốt hơn, ít yếu tố nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Ví dụ như trong sản xuất bia, rượu, nước giải khát, một số vị trí công việc hàn trong sản xuất điện tử, công việc đơn giản trong ngành may mặc... đã được cải thiện điều kiện làm việc đáng kể. Các doanh nghiệp đề xuất rà soát lại và quy định rõ các nghề, công việc nặng nhọc độc hại phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế.

Hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã cải thiện điều kiện làm việc, mức độ tiếp xúc yếu tố nguy hiểm độc hại còn ít thì việc quy định chung chung sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Dẫn chứng cụ thể, bà Đào Thị Thu Huyền cho biết tại các doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều xưởng đúc nhựa đã được cấp nhựa tự động, máy kiểm tra tự động, người công nhân chỉ giám sát máy móc tự động nhưng công việc này lại nằm trong nguy cơ độc hại cao thì không hợp lý...

Ông Phan Tuấn Anh, Trưởng phòng An toàn của Công ty Honda Việt Nam cho rằng nếu chỉ áp dụng theo tên và đầu mục công việc sẽ không toát lên được yếu tố nguy hiểm, độc hại hoặc các yêu cầu kỹ thuật cần thiết. Do đó một số lĩnh vực làm theo dây chuyền và chuyên môn hóa rất cao nhưng vì tên công việc vẫn bị áp theo các điều kiện mà thời lượng đào tạo huấn luyện an toàn vệ sinh lao động giống nhau. Việc quy định này khó có thể phù hợp 100% cho tất cả các loại hình công việc mà nên xem xét điều chỉnh.

“Có những công việc đang thời gian huấn luyện là 3 ngày nhưng có thể phải hơn như nhóm làm về kỹ thuật, sửa chữa, vận hành thiết bị... với nhiều công đoạn, lĩnh vực nên thời gian huấn luyện cần nhiều hơn,” ông Phan Tuấn Anh nói.

Lý giải cho việc danh mục công việc nặng nhọc, nguy hiểm độc hại chưa chi tiết đến từng công việc, ông Hà Tất Thắng cho rằng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, các công việc thay đổi hằng ngày và các văn bản, thông tư không theo kịp sự thay đổi đó.

Tuy nhiên, khi điều kiện lao động thay đổi, doanh nghiệp có thể tiến hành đánh giá lại điều kiện lao động và gửi kết quả việc đánh giá này về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết việc có áp dụng đó là công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hay không.

“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá, rà soát lại và bổ sung một số chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm theo đề xuất của các Bộ, ngành, doanh nghiệp,” ông Hà Tất Thắng cho biết.

Trong phiên đối thoại định kỳ năm 2020, hội đồng đã nhận được gần 130 câu hỏi kiến nghị, đề xuất từ 39 các tổ chức, doanh nghiệp. Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia trong phiên họp thường kỳ tháng 11 để tư vấn cho Chính phủ bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật sao cho phù hợp với thực tiễn./.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nói về việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khong-nen-cao-bang-muc-dong-vao-quy-bao-hiem-tai-nan-lao-dong/666919.vnp