Không nên đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh như Hà Tĩnh
Chuyện động viên, khích lệ học sinh học tiếng Anh để có chứng chỉ quốc tế có rất nhiều cách nhưng đừng nên đặc cách các em này là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Việc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định đặc cách công nhận cho 70 em học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2020 – 2021 vì đã đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Bởi, đây có thể là một trong số ít tỉnh đầu tiên có chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh như vậy. Và, theo lãnh đạo của Sở Giáo dục thì việc đặc cách này “nhằm mục đích khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh có các giải thưởng quốc tế về môn tiếng Anh”.
Tuy nhiên, với cách làm này đã khiến cho dư luận băn khoăn bởi có thể nó sẽ dẫn đến sự mất công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh đại học sau này.
Có nên công nhận đặc cách học sinh giỏi khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế?
Ngày 24/9/2019 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 1641/SGDĐT-GDPT về việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh có chứng chỉ tiếng Anh do ông Nguyễn Quốc Anh- Phó Giám đốc Sở kí.
Trong văn bản này, Sở đã có hướng dẫn cụ thể về việc xét giải cho những thí sinh đăng kí dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh lớp 9,10,11, 12 có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trình độ B2 trở lên.
Theo đó, học sinh lớp 9 đạt điểm IELTS 5,0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6,0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 10 đạt điểm IELTS 5,5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 6,5 điểm là xếp giải Nhất.
Học sinh lớp 11 đạt điểm IELTS 6,0 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7,0 điểm là xếp giải Nhất; học sinh lớp 12 đạt điểm IELTS 6,5 điểm là quy đổi giải Ba, đạt 7,5 điểm là xếp giải Nhất.
Với cách làm này, những học sinh có điểm IELTS cao theo quy định sẽ không phải tham dự kỳ thi học sinh giỏi.
Các em chỉ cần làm đơn có xác nhận của cha, mẹ và photocopy chứng chỉ tiếng Anh có xác nhận của hiệu trưởng rồi các trường, Phòng giáo dục tập hợp gửi về Sở thì sẽ được đặc cách và công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
Dù biết rằng với cách làm này sẽ giúp cho học sinh có thêm động lực để học tập, trau dồi về ngoại ngữ, song nhìn vào danh sách 70 em học sinh được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh thì chúng tôi thấy có nhiều vấn đề phải suy nghĩ, nhìn nhận thấu đáo.
Bởi trong số 70 em học sinh lớp 12 được đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh ở năm học 2020-2021 thì chủ yếu tập trung ở trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh và một số trường lớn.
Đặc cách 70 em IELTS 6.5 trở lên là học sinh giỏi Tỉnh, Sở Giáo dục nói gì?
Cụ thể, Trường trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh có 45 em đạt điểm IELTS từ 6.5- 8.0 điểm. Tiếp theo là Trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng và Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông - đại học Hà Tĩnh (mỗi trường có 5 học sinh)…
Những học sinh này được miễn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Anh lớp 12 năm học 2020 - 2021 và được hưởng quyền lợi của học sinh giỏi tỉnh theo quy định.
Không đảm bảo công bằng cho kỳ thi học sinh giỏi và xét tuyển đại học
Từ lâu, Hà Tĩnh dù còn khó khăn nhưng lại là vùng đất hiếu học và có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Truyền thống học tập, sự cố gắng vươn lên của ngành giáo dục nơi đây rất đáng trân trọng, tự hào.
Song, với việc đặc cách học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt từ 5,0 điểm (lớp 9) và 6,5 điểm (lớp 12) trở lên được quy đổi và đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh thì lại là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất: kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là một “sân chơi” công bằng cho tất cả các thí sinh cùng tham dự, ở đó không có sự ưu tiên nào cả và từ trước đến nay thì bất cứ kỳ thi học sinh giỏi cấp nào tổ chức cũng vậy.
Thay vì công nhận đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh thì Sở, các nhà trường phổ thông có thể có một quỹ để thưởng riêng bằng tiền hoặc hiện vật cho các em đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì vẫn có thể “khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh”.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ nên công nhận cho những học sinh trực tiếp tham gia kỳ thi chứ không nên “đặc cách” như vậy được.
Thứ hai: việc đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh sẽ tạo ra một số lượng học sinh giỏi đông đảo cho địa phương vì chỉ quy đổi chứng chỉ cho học sinh lớp 12 thì tỉnh Hà Tĩnh đã có tới 70 học sinh đạt từ giải Ba trở lên.
Nếu là học sinh lớp 9 có thể không ảnh hưởng nhiều vì các em tham gia thi tuyển 10 thì cũng là học sinh trong địa bàn Hà Tĩnh.
Nhưng, với học sinh lớp 12 thì lại hoàn toàn khác vì các em tham gia kỳ thi quốc gia, xét tuyển đại học. Trong đó, nhiều trường đại học, cao đẳng có ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh.
Vì thế, nó sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng vì các tỉnh khác không có chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh như Hà Tĩnh đang làm.
Thứ ba: hệ thống văn bản của ngành giáo dục hiện nay chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn đặc cách học sinh giỏi mà chỉ có thể đặc cách tốt nghiệp hoặc tuyển thẳng vào đại học mà thôi.
Cách làm của Hà Tĩnh rất mới và táo bạo nhưng rõ ràng khó nhận được sự đồng thuận trong ngành giáo dục, nhất là đối với các tỉnh khác.
Thứ tư: trong số 70 học sinh lớp 12 được đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh đã có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhất; 20 em đạt 7.0 điểm IELTS được công nhận đạt giải Nhì; 44 em đạt 6.5 IELTS được công nhận đạt giải Ba thì những em trực tiếp dự thi rất khó có thể cạnh tranh thứ hạng.
Hơn nữa, với việc công nhận đặc cách như vậy sẽ tạo ra một số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh quá nhiều vì riêng số lượng đặc cách đã là 70 em, cộng thêm số lượng học sinh tham dự kỳ thi đạt giải nữa thì Sở phải chi một khoản tiền rất lớn để khen thưởng.
Thiết nghĩ, chuyện động viên, khích lệ học sinh học tiếng Anh để có chứng chỉ quốc tế có rất nhiều cách nhưng đừng nên đặc cách các em này là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Làm như vậy sẽ khó nhận được sự đồng thuận của xã hội, nhất là với những thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh ở Hà Tĩnh và những thí sinh tham gia xét tuyển đại học ở những trường có tiêu chí ưu tiên cho học sinh giỏi cấp tỉnh!