Không nên để giới đầu tư châu Âu phải chờ lâu trước những khúc mắc
Tình trạng thiếu điện gây gián đoạn sản xuất, cơ sở hạ tầng 'không tương xứng', các quy định không rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà, lĩnh vực sản xuất tồn tại nhiều thách thức…vẫn đang là mối băn khoăn lớn của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Đây là điều mà các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần lưu tâm, có các giải pháp căn cơ, dài hơi để giới đầu tư FDI không phải chờ lâu trước nhiều khúc mắc như vậy.
Ngày 10/7, khi công bố kết quả Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 2/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã lưu ý tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp (DN) trong thời gian khảo sát.
Mối lo từ chuyện thiếu hụt điện
Mặc dù tình hình đã ổn định hơn nhờ những cơn mưa lớn, thế nhưng khoảng 60% số người tham gia khảo sát đã chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt điện đối với hoạt động kinh doanh của họ. Thiếu hụt điện làm năng suất lao động giảm, sản xuất và dịch vụ bị gián đoạn.
Cho nên, theo EuroCham, việc đảm bảo các giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề ổn định nguồn cung cấp điện vẫn là ưu tiên hàng đầu để duy trì hiệu quả kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế tổng thể.
Xét về tình trạng thiếu điện, trong báo cáo mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng đây là vấn đề rủi ro trong trung hạn và cần được khẩn trương giải quyết.
Điều đáng nói là hiện tại có rất ít giải pháp ngắn hạn. Còn nhìn về dài hạn, việc bổ sung nguồn điện mới cũng như nâng cấp hệ thống truyền tải phải là ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại một số những giải pháp tình thế đã được triển khai để giảm bớt phần nào tình trạng thiếu điện cực đoan, như ở khu vực miền Bắc. Cụ thể là: Tăng cường truyền tải liên miền từ Nam ra Bắc; Đảm bảo đủ nguồn cung than, khí để các nhà máy nhiệt điện hoạt động ở mức tối đa; Đưa bổ sung các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành.
Tuy nhiên, những giải pháp ngắn hạn này được cho là không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Về dài hạn, việc phát triển thêm công suất tại miền Bắc, cũng như nâng cấp, xây dựng hệ thống truyền tải bắt kịp với tốc độ tăng trưởng nguồn là nhiệm vụ quan trọng để cải thiện triệt để hơn tình trạng này.
Đó là chưa kể, như lưu ý của chuyên gia phân tích VnDirect, xét về yếu tố rủi ro đầu tư vào ngành điện hiện nay có liên quan đến tình hình tài chính khó khăn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không sớm được cải thiện. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền của các nhà máy điện cũng như tiến độ đầu tư các dự án mới và lưới điện truyền tải.
Hơn thế nữa, rủi ro còn ở việc giá đầu vào than, khí tiếp tục neo cao, và thiếu hụt nguồn cung các nhiên liệu này làm gián đoạn huy động nhiệt điện. Bên cạnh đó, cơ chế giá mới cho năng lượng tái tạo được ban hành chậm hơn dự kiến, đẩy lùi giai đoạn phát triển mới của nhóm ngành điện.
Lĩnh vực sản xuất vẫn tồn tại nhiều thách thức
Cần nhắc lại, trong ấn bản Sách trắng 2022 - các vấn đề thương mại, đầu tư và khuyến nghị 2023 của EuroCham có cho rằng hệ thống điện của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện. Trừ khi được cải tiến và có khả năng sạc lại công suất, các nhà máy thủy điện sẽ ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi lượng mưa phức tạp dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, việc nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện có khả năng tạo ra rủi ro lạm phát giá mà người tiêu dùng không hề mong muốn và không còn có thể được bảo đảm bằng các biện pháp giảm thiểu lạm phát của Chính phủ. Điều này tác động tiêu cực đến nỗ lực của EVN trong việc tiếp tục cung cấp điện ổn định chi phí thấp với khối lượng ngày càng tăng.
Ngoài mối lo về thiếu điện, cần lưu ý trong báo cáo BCI quý 2/2023 của EuroCham có nhấn mạnh về góc nhìn của các nhà lãnh đạo DN châu Âu về sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, với 53% cho rằng cơ sở hạ tầng hiện tại “không tương xứng” hoặc “tụt hậu”. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm như lĩnh vực đường cao tốc.
Mặt khác, các nhà đầu tư châu Âu được khảo sát cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Báo cáo BCI cũng nhấn mạnh rằng các quy định không rõ ràng (53%) và thủ tục hành chính rườm rà (50%) là những rào cản pháp lý chính hạn chế hoạt động của các DN tại Việt Nam.
Như chia sẻ của ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab, trong giai đoạn đầy thử thách này, kết quả khảo sát BCI chỉ ra rằng “lĩnh vực sản xuất vẫn tồn tại nhiều thách thức”. Điều quan trọng là phải giải quyết những hạn chế về quy định và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thu hút đầu tư nước ngoài.
Còn theo đề xuất mới đây từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tiềm năng như Việt Nam, đó là cần cùng hợp tác và nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề. Điều này đòi hỏi cần trang bị cho người lao động các kỹ năng theo tiêu chuẩn, tận dụng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số.
Song song đó, theo AHK, cần ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp địa phương để duy trì vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tuân thủ các quy định về phát triển bền vững như ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Và điều không kém quan trọng, như khuyến nghị của AHK, đó là nên tiếp tục đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính để tận dụng Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
Nhìn chung, mối băn khoăn của giới đầu tư châu Âu là điều mà nhà quản lý của Việt Nam cần hết sức lưu tâm, từ những vấn đề về năng lượng cho đến cơ sở hạ tầng, khâu thủ tục, các thách thức cho sản xuất... Để từ đó thực hiện những giải pháp mang tính đồng bộ, dài hơi, không nên để giới đầu tư châu Âu nói riêng và các nhà đầu tư FDI nói chung phải sốt ruột chờ tháo gỡ các khúc mắc.