Không nên đùn đẩy trách nhiệm mua vaccine về địa phương
Cần có chỉ đạo quyết liệt trong việc tiến hành đấu thầu hoặc đàm phán giá, hay các giải pháp để có thể chủ động chứ không nên đùn đẩy trách nhiệm về địa phương chỉ vì lý do Bộ Tài chính chuyển nguồn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ vào sáng 1/6, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khi đề cập đến vấn đề đảm bảo vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Mục tiêu cao nhất có thuốc chất lượng và giá hợp lý
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là chương trình tiêm chủng miễn phí bắt buộc, dành cho trẻ em. Những năm trước, chương trình thường gặp phải các trường hợp là "đứt hàng, gãy hàng", không có vaccine, hoặc phải thuyết phục phụ huynh đưa trẻ em đi tiêm. Trong thực tế cũng đã có những vụ việc xảy ra với vaccine Quinvaxem, khi một số cháu tiêm loại vaccine này đã tử vong. Đối với vaccine dịch vụ, khi hết hàng thậm chí có những phụ huynh phải đưa con ra nước ngoài để tiêm chủng.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vừa qua chúng ta đã rất nỗ lực để bao phủ, giữ được ổn định và lấy được niềm tin của người dân. Tuy nhiên, 4 tháng nay, tình trạng hết vaccine tiêm chủng mở rộng không chỉ xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhìn nhận nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá đó là do công tác lập kế hoạch, điều hành. Theo đại biểu, vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là một mặt hàng đặc biệt, không phải mặt hàng bình thường để tiến hành đấu thầu riêng lẻ. Mọi năm, chúng ta bảo đảm được bằng cách tập trung tất cả nhu cầu về vaccine và tiến hành đấu thầu tại Bộ Y tế. Tuy nhiên, năm 2022 có sự thay đổi với giải thích là do thay đổi nguồn ngân sách. Theo đó, thay vì ngân sách trung ương trong Chương trình mục tiêu quốc gia, nay lại chuyển về cho ngân sách địa phương, từ đó, Bộ Y tế đề nghị địa phương tự đấu thầu.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc đấu thầu này không khả thi bởi cách làm này là chia nhỏ ra 63 tỉnh, thành phố để đấu thầu. Trong khi đó, mặt hàng này nên đàm phán giá, nên đấu thầu tập trung quốc gia để tiết kiệm và cũng dễ dàng hơn cho nhà cung ứng.
"Chúng ta phải thực hiện được mục tiêu là có thuốc chất lượng nhất và giá cả hợp lý nhất. Cho nên phải tăng cường hình thức đàm phán giá, đấu thầu tập trung ở mức độ quốc gia. Đối với vaccine, chương trình tiêm chủng mở rộng này đáp ứng tất cả những tiêu chí để có thể đàm phán giá ở mức độ quốc gia. Vaccine mua với số lượng rất lớn, nếu mua tập trung sẽ tiết kiệm được rất nhiều và nếu mua tập trung với kế hoạch rõ ràng thì các công ty sản xuất sẽ có thời gian sắp xếp kế hoạch cung cấp vaccine cho phù hợp", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Băn khoăn tính khả thi trong vấn đề lưu trữ vaccine do liên quan đến những điều kiện đặc biệt như điều kiện về nhiệt độ, đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu để 63 địa phương tự đấu thầu với từng hợp đồng riêng lẻ, với các phương thức tiêm chủng mở rộng khác nhau. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, nếu bệnh nhi vì lý do nào đó mà ở địa phương này tiêm mũi 1, sau đó phải sang địa phương khác tiêm mũi 2 và hai mũi không cùng một loại vaccine thì rất có thể không bảo đảm an toàn.
"Bộ Y tế viện cớ về ngân sách để đùn đẩy về cho các địa phương đấu thầu là không hợp lý. Nếu như Bộ Y tế không làm thì có nghĩa là Bộ Y tế trốn tránh trách nhiệm", đại biểu khẳng định.
Khẳng định cần lựa chọn một số mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Giải pháp tốt nhất là Bộ Y tế đứng ra đàm phán giá hoặc đặt hàng sản xuất thuốc với số lượng lớn, số lượng của toàn quốc, rồi tiếp tục dự trữ, sau đó vẫn làm như cũ, chỉ có điều là ngân sách chi trả sẽ do các địa phương. Vấn đề này không phải bây giờ mới thấy. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế là phải làm lại như mọi năm, chỉ khác là nguồn chi.
"Ngân sách không phải là lý do chính đáng để đẩy về địa phương và các địa phương đang rất bị động. Tôi thấy là vẫn chưa có địa phương nào tiến hành đấu thầu để có thể mua vaccine này. Còn Bộ Y tế vẫn đang trong quá trình thực hiện các chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Nhưng mỗi ngày trôi qua là nguy cơ càng lớn và kết quả là vẫn chưa có vaccine cho các cháu bé. Tôi nghĩ cần một sự quyết liệt trong việc này", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ.
1 triệu tỷ đồng đã có kế hoạch chi
Bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng đề cập đến vấn đề gây tranh luận nghị trường "làm gì với 1 triệu tỷ ngân quỹ đọng trong kho bạc, dành để hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội hay đưa vào các dự án tạo sức bật kinh tế". Theo đại biểu, số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác.
Nói rõ hơn về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ: Hệ thống an sinh xã hội hiện nay đã được xây dựng dựa trên các tổng thể, hình thành từng trụ cột như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nếu có những vấn đề liên quan đến những trụ cột đó thì phải đẩy mạnh thực hiện để hoàn thiện, nâng lên nhằm đảm bảo thực thi chính sách có tầm vĩ mô. Còn nếu như chỉ là những chính sách hỗ trợ nhất thời khi thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế xảy ra, Nhà nước cũng có những chính sách khác như trợ cấp thất nghiệp…
Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, 1 triệu tỷ đồng là nguồn thực tế đã có trên quỹ, đã có địa chỉ, nếu sử dụng vào việc khác thì lấy gì để hoàn lại. Nguyên tắc tài chính là phải cân đối chi trên cơ sở nguồn kinh phí, "cân đối giữa nguồn và nhiệm vụ chi" .