Không nên mở rộng thí điểm cấp huyện quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bởi sẽ khó kiểm soát

Sáng 17/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Quang cảnh cuộc họp sáng 17/1

Quang cảnh cuộc họp sáng 17/1

Lựa chọn không quá 2 huyện mỗi tỉnh để thực hiện thí điểm

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, ngày 16/1/2024, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về “dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Qua thảo luận, đã có 117 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và 08 ý kiến phát biểu tại Hội trường. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (khoản 6), UBTVQH cho rằng, về thủ tục ủy thác hiên nay đã được một số địa phương thực hiện thí điểm như Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, Chính phủ có thể tham khảo để chỉ đạo các cơ quan thực hiện theo thẩm quyền. Nội dung này không nên quy định trong Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo tại cuộc họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo tại cuộc họp

Còn về đối tượng, cần phải rà soát theo các quy định hiện hành, ngoài ra nếu cần mở rộng đối tượng cho vay, địa phương kiến nghị Chính phủ quyết định, không thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội.

Đối với cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (khoản 7), đa số ý kiến đồng tình với việc thực hiện cơ chế này và đề nghị lựa chọn phương án 2 trong dự thảo. Do đó, UBTVQH chọn phương án 2 để thể hiện trong nghị quyết.

"Tuy nhiên, việc chọn huyện để thực hiện thí điểm nên giao cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để lựa chọn không quá 2 huyện mỗi tỉnh để thực hiện thí điểm" - Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.

Không nên mở rộng bởi sẽ khó kiểm soát

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, liên quan đến việc lựa chọn số huyện để thực hiện thí điểm, sau khi thông báo chủ trương cho thấy số lượng các tỉnh đăng ký không nhiều.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp

Do là thực hiện thí điểm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng không nên mở rộng bởi sẽ khó kiểm soát. Vì vậy, kiến nghị xem xét không nên quá 2 huyện thực hiện thí điểm. Theo tiêu chí lựa chọn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có hai xu hướng lựa chọn, có tỉnh lựa chọn địa bàn khó khăn nhất thí điểm để tháo gỡ, có tỉnh sẽ chọn huyện làm rất tốt để thử mô hình để từ đó có đối chứng trên thực tiễn.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo nghị quyết cơ bản nhận được đồng tình của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị điều chỉnh lại kết cấu nội dung dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm ngắn gọn.

Về nội dung điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến của Chính phủ nhấn mạnh việc mà phân cấp một mặt là để mà tạo sự linh hoạt, chủ động trong điều hành nhưng mặt khác là phải đảm bảo được việc thực hiện mục tiêu của từng chương trình.

Mặt khác, việc mà điều chỉnh giữa các chương trình với nhau thì sẽ phá vỡ tính chất cấu trúc cũng như nhiều vấn đề phát sinh thêm nhiều thủ tục rất phức tạp. Do đó, đề nghị là cho giữ như dự thảo Nghị quyết để thẩm quyền điều chỉnh trong nội bộ từng chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Về sử dụng ngân sách trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất từ thực hiện mua sắm, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi, mức độ phức tạp bởi việc định giá quy định thủ tục tính toán như quy định của dự thảo, nhất là việc giao cấp xã xác định giá hàng hóa theo thị trường.

UBTVQH thấy rằng ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng và xin tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung theo hướng: Cơ quan phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giao cơ quan tài chính cùng cấp xác định giá thị trường./.

Trong 8 cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất 02 phương án về cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 để Quốc hội quyết định.

Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 như đề xuất tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khong-nen-mo-rong-thi-diem-cap-huyen-quan-ly-to-chuc-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-boi-se-kho-kiem-soat-20240117143638741.htm