Không nên quá lạc quan với nhóm 'cổ chứng'?

Những bước tiến mới cho mục tiêu nâng hạng thị trường đã giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, việc các công ty chứng khoán 'chạy đua' tăng vốn đón đầu triển vọng nâng hạng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Từ tháng 4 đến tháng 11, thị trường rơi vào trạng thái đi ngang với thanh khoản giảm đáng kể, theo đó nhóm "cổ chứng" cũng rơi vào thế khó.

Khởi sắc trở lại

Trong giai đoạn đó, hiếm có cổ phiếu ngành chứng khoán nào ghi nhận đà tăng, ngoại trừ một số cái tên như MBS hay BVS. Ngược lại, xu hướng giảm chiếm ưu thế, bao gồm cả các mã vốn hóa lớn như SSI, VND, VCI.

Đến đầu tháng 12, nhiều cổ phiếu đã trượt về vùng đáy thấp nhất trong một năm đến một năm rưỡi, điển hình là VND, SHS, TCI và ABW, phản ánh áp lực lớn đang đè nặng lên nhóm ngành này.

Những bước tiến mới cho mục tiêu nâng hạng thị trường đã giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi sắc trở lại.

Những bước tiến mới cho mục tiêu nâng hạng thị trường đã giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán có dấu hiệu “nóng” trở lại, sau thông tin đại diện FTSE Russell đã có mặt tại Việt Nam, gặp một số đơn vị lưu ký và môi giới cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bàn về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Thông tin này là chất xúc tác cho thị trường, nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán, vì đây là ngành được hưởng lợi rõ nhất. Nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng, giá trị giao dịch thường sẽ tăng gấp 2-3 lần”, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Mirae Asset nhận định.

Trước đó, cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc cải thiện tính minh bạch, hiệu quả phát hành và chào bán chứng khoán. Mục tiêu chính là ngăn chặn các hành vi gian lận, tạo nền tảng thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường Mới nổi.

Theo ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích Chứng khoán Kafi, hiện tại, nhóm cổ phiếu chứng khoán có mức độ biến động khá cao trên thị trường. Tuy nhiên, sự phân hóa cũng có thể nói là khá rõ rệt khi cơ cấu lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK) không hề giống nhau.

Nhóm các cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh nhất trong các phiên vừa rồi đang sở hữu một tệp khách hàng tổ chức, đặc biệt là tổ chức nước ngoài tương đối lớn so với các doanh nghiệp khác cùng ngành. Thông tin vừa qua đã có tác động tích cực lên triển vọng đầu tư của nhóm các nhà đầu tư ngoại, do đó, kỳ vọng các CTCK top đầu có thể được hưởng lợi trong tương lai.

Tuy nhiên, việc thị trường vận động tích cực cũng có tác động lên kết quả kinh doanh của các CTCK có danh mục tự doanh lớn, nên cũng có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh của các công ty này có sự cải thiện. Nhìn chung, với việc phía cơ quan quản lý đang có nhiều động thái để cải thiện thị trường nhằm thu hút dòng tiền cho thị trường chứng khoán, có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh của các CTCK sẽ tiếp tục phục hồi trở lại.

Thế khó sau "cuộc đua" tăng vốn

Có một thực tế là, nhằm mục tiêu bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đón đầu triển vọng nâng hạng thị trường…, các CTCK đã tạo nên "cuộc đua" phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ. Sức nóng ngày càng tăng trong những tháng gần đây.

Đa số các trường hợp tăng vốn nhằm tăng năng lực tài chính, tập trung vào hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ (margin). Xa hơn, nhiều công ty cho biết điều này để chuẩn bị cho việc thị trường khoán nâng hạng từ Cận biên lên Mới nổi, đón đầu dòng tiền lớn từ khối nhà đầu tư nước ngoài. Ngành chứng khoán sẽ được hưởng lợi khi phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn, nhờ đó gia tăng thu nhập từ môi giới và sản phẩm liên quan khác.

Hoạt động tăng vốn giúp cho một CTCK tăng năng lực tài chính, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường, cũng như tiềm năng nâng cao hiệu quả hoạt động. Ví dụ, CTCK sở hữu quy mô vốn mạnh có thể cạnh tranh các loại phí như phí môi giới, lãi suất cho vay marign, dịch vụ khác... Đồng thời, chủ động hơn đối với việc đầu tư các loại tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay tiền gửi...

Với kế hoạch tăng vốn lớn nêu trên, rủi ro kết quả của các CTCK cũng được kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số đơn vị cụ thể, chuyên gia nhận thấy rủi ro khi phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các khách hàng cá nhân và các khách hàng tổ chức. Cấu trúc vốn của công ty đa phần sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn vay với hạn mức của các ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng quốc doanh.

Với CTCK có hạn mức thấp từ ngân hàng sẽ phụ thuộc nguồn vốn từ khách hàng cá nhân. Điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường gặp diễn biến bất lợi, từ đó có thể gặp khó khăn về thanh khoản.

Đồng thời, việc tăng cho vay margin của các khách hàng có thể đem lại rủi ro cho các CTCK.

Theo báo cáo tài chính quý III, rất hiếm CTCK ghi nhận tỷ lệ cho vay margin áp sát mức 200% trên vốn chủ sở hữu. Việc tăng vốn ồ ạt càng khiến dư địa cho vay margin toàn ngành được nới rộng lên đáng kể.

Khi “miếng bánh” môi giới và sử dụng margin không “phình to” như mong đợi, cạnh tranh giữa các đơn vị trong ngành càng diễn ra khốc liệt, CTCK thực hiện giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch, hay tung các gói giảm lãi suất margin thấp để thu hút khách hàng.

Xu hướng này có thể vẫn còn kéo dài nếu thị trường chưa có những chuyển biến tích cực mới. Trong khi đó, tiến độ nâng hạng vẫn cần yếu tố thời gian cho đến cuối 2025, thậm chí có thể lâu hơn.

Nhiều ý kiến lưu ý, tăng vốn hay không còn phụ thuộc vào quy mô thị trường. Hơn nữa, việc tăng vốn lớn sẽ gây áp lực lên hiệu quả hoạt động kinh doanh, khi phải đảm bảo EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) cho cổ đông.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng định giá nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đắt và tới từ kỳ vọng mơ hồ. Thực tế nếu nâng hạng, việc mua vào nếu sẽ xuất phát từ nhóm vốn hóa lớn được hưởng lợi nhiều hơn.

Trong thời gian qua, về cơ bản, giao dịch của khối ngoại vẫn có xu hướng bán ròng là chủ đạo. Nếu xét lịch sử các thị trường Cận biên, trước khi được nâng hạng lên Mới nổi thì thường thị trường sẽ tăng, trong khi Việt Nam dự kiến tháng 3/2025 được nâng hạng mà khối ngoại hiện vẫn thiết lập bán ròng kỷ lục.

“Năm 2025 được kỳ vọng là chu kỳ outperform của thị trường Mới nổi so với thị trường phát triển nên chúng ta có thể hy vọng một sự thay đổi theo hướng tích cực của dòng vốn ngoại. Nhà đầu tư cần lưu ý, vốn điều lệ các CTCK đã vượt xa nhiều lần so với năm 2022 nhưng lợi nhuận vẫn chưa quay trở lại thời kỳ đó”, ông Khánh nhấn mạnh.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/khong-nen-qua-lac-quan-voi-nhom-co-chung-1104096.html