Văn hóa nhậu ở Hàn Quốc gặp nguy
Người trẻ Hàn Quốc ngày càng ý thức cao về sức khỏe, thẳng thắn từ chối nhậu nhẹt sau giờ làm, khiến các đơn vị kinh doanh dịch vụ về đêm gặp khó khăn.
Jun Jung-sook, chủ quán rượu nằm trên phố Nokdu (Seoul), cho biết không còn thấy cảnh tượng hàng dài người chờ đợi có chỗ ngồi uống rượu gạo makgeolli cay nồng, ăn kèm với bánh kếp đậu xanh Hàn Quốc.
Khung cảnh phổ biến hơn hiện nay là những quán bar nửa kín nửa hở dọc theo con hẻm và phố xá sáng đèn neon. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong văn hóa uống rượu khét tiếng ở Hàn Quốc.
Các công ty tại xứ sở kim chi không còn thúc đẩy các buổi nhậu sau giờ làm việc. Một bộ phận nhân sự nữ trẻ tuổi từ chối tham gia những bữa tiệc rượu.
Người lao động cũng ngày càng do dự rút ví trong bối cảnh lãi suất tăng cao và lạm phát kéo dài, theo Reuters.
Thế hệ trẻ ý thức về sức khỏe
Tiêu dùng suy giảm giáng một đòn mạnh vào các đơn vị kinh doanh dịch vụ về đêm. Từ quán rượu vỉa hè đến phòng hát đều phải đối mặt với khó khăn.
“Tôi không thấy ai say xỉn nữa. Đường phố từng đông đúc, nhưng giờ thì không còn”, Jun nói và hồi tưởng về những ngày tháng khách hàng vừa uống rượu vừa chơi game như trong bản hit APT. của Rosé.
Thế hệ trẻ, đối tượng tiêu dùng mới, ngày càng ý thức hơn về sức khỏe. Đây không chỉ là sự thay đổi tại Hàn Quốc.
Ở Nhật Bản, nhận thức về sức khỏe gia tăng kết hợp với mô hình làm việc linh hoạt sau đại dịch cũng dẫn đến sự sụt giảm của lượng tiêu thụ rượu bia, theo một cuộc khảo sát của Euromonitor.
Năm 2007, Tòa án cấp cao Seoul (Hàn Quốc) chính thức coi việc ép cấp dưới uống rượu là một hành vi phạm tội. Ngày càng nhiều phụ nữ phàn nàn về truyền thống ép rượu, cho rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn làm giảm thời gian chăm sóc con cái và gia tăng nguy cơ bị quấy rối tình dục.
Theo Hailey Kim, nhân viên văn phòng 40 tuổi tại một công ty phụ tùng ôtô, sự giảm dần của những buổi nhậu nhẹt sau giờ làm đến từ tính cách thẳng thắn của những đồng nghiệp nữ trẻ tuổi.
“Trước đây, chúng tôi thường có 3 tăng, bắt đầu bằng việc ăn thịt nướng, sau đó đi uống bia và kết thúc với chầu hát hò. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi không còn thực hiện nghi thức đó nữa. Mọi cuộc vui chỉ dừng lại ở tăng một”, Kim nói.
Đời sống về đêm suy yếu
Lượng tiêu thụ rượu ở Hàn Quốc đã giảm 12% so với mức đỉnh hồi năm 2015. Theo số liệu mới nhất, doanh số bán hàng tại các quán ăn địa phương đang ở mức thấp kỷ lục vào năm ngoái.
Những quán rượu, quán bia và quán hát đóng cửa, dán biển cho thuê mặt bằng ở khắp các con phố.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số tự kinh doanh cao nhất thế giới, chiếm khoảng 25% thị trường việc làm. Đời sống về đêm suy yếu trở thành vấn đề lớn đối với đất nước này.
“Chi tiêu trong nước yếu hơn cho thấy tình hình kinh tế của người dân xuống dốc. Doanh số bán lẻ chỉ ra rằng khách hàng ngày càng tiêu nhiều hơn vào cửa hàng tiện lợi để mua đồ ăn sẵn mang về, tích cực cắt giảm khoản chi cho nhà hàng”, Lee Jin-kook, một nhà kinh tế tại Viện Phát triển Hàn Quốc, cho biết.
Đối với Jun, sự thay đổi lớn trong văn hóa uống rượu tại Hàn Quốc khiến cô phải đóng cửa quán rượu mở từ năm 1993. Mặt bằng này được cho thuê từ năm 2022, song chưa ai hỏi đến.
“Trước đây, một số khách hàng sẵn sàng rút ví trả tiền cho bàn bên cạnh chỉ vì họ là bạn học cũ, thậm chí là người xa lạ. Tuy nhiên, văn hóa đó không còn tồn tại nữa”, Jun nói.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quan-ruou-hang-bia-o-han-quoc-gap-nguy-post1517588.html