Không nên sinh thường khi bị ung thư cổ tử cung
Các bà bầu bị ung thư cổ tử cung không nên sinh thường, bởi việc sinh thường của người bị ung thư cổ tử cung độ giãn âm đạo không tốt dẫn đến chảy máu và có thể truyền virus HPV sang con qua đường miệng.
Ung thư cổ tử cung là ung thư sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ. Mỗi năm trung bình có từ 10-20 người trong 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 30 được phát hiện có ung thư cổ tử cung. Tần suất này cao nhất ở các nước đang phát triển.
Ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30-35 trở lên. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 9-11 trường hợp tử vong.
Theo TS. Lê Văn Quảng, Trưởng bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa Ung Bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại Học Y, nếu chưa có quan hệ tình dục thì hầu như không bị ung thư cổ tử cung. Khi đã quan hệ thì có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Do vậy, việc tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung tốt nhất là từ 9 - 26 tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêm vắc xin không thể tuyệt đối phòng được ung thử cổ tử cung bởi hiện nay có rất nhiều loại virus HPV lây qua đường tình dục.
Hơn nữa, ngoài nguy cơ ung thư cổ tử cung do quan hệ tình dục thì sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên trong thời gian dài được xác định là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao. Dựa vào các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ đã nói ở trên, tất cả những người phụ nữ có yếu tố đó đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Khi mắc ung thư cổ tử cung sẽ có các dấu hiệu sau: chảy máu khi quan hệ, xuất huyết âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo nhiều, bất thường khi đi tiểu, giảm cân nhanh và cảm thấy mệt mỏi…
Với phương pháp xét nghiệm PAP có độ nhạy từ 60-80%, TS. Lê Văn Quảng khẳng định, hoàn toàn có thể sàng lọc và phát hiện sớm ung thử cổ tử cung. Phụ nữ dưới 30 tuổi nên xét nghiệm 1-2 năm/lần, 3 năm/lần ở những phụ nữ trên 30 tuổi.
Với những trường hợp đã mắc ung thư cổ tử cung phải được điều trị theo phác đồ của bệnh như xạ trị, hóa chất. TS. Lê Văn Quảng nhấn mạnh, điều trị ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng phụ thuộc vào giai đoạn. Và có 3 phương pháp chính là phẫu thuật, xạ trị và hóa chất.
Đối với ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm chỉ có phẫu thuật. Sau phẫu thuật có thể xạ trị phụ trợ hoặc xạ trị trước rồi phẫu thuật sau. Nếu ở giai đoạn 2 đến giai đoạn 4 thì thường điều trị hóa xạ. Hiện nay, vai trò của điều trị nội tiết chưa được chứng minh đối với ung thư cổ tử cung và cũng không có chế độ ăn riêng biệt cho những bệnh nhân ung thư cổ tử cung.
GS. TS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện sức khỏe sinh sản và Gia đình lưu ý, với các bà bầu bị ung thư cổ tử cung không nên sinh thường, bởi việc sinh thường của người bị ung thư cổ tử cung độ giãn âm đạo không tốt dẫn đến chảy máu và có thể truyền virus HPV sang con qua đường miệng.
Để phòng tránh ung thư, ung thư cổ tử cần có chế độ ăn uống hợp lý như giảm mỡ, tăng cường rau quả, cân đối đạm…
Nên tránh các yếu tố nguy cơ như: phòng nhiễm virus HPV, tránh quan hệ tình dục sớm, tránh có nhiều bạn tình, vệ sinh thân thể và vệ sinh sinh dục, hạn chế hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thuốc tránh thai…
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khong-nen-sinh-thuong-khi-bi-ung-thu-co-tu-cung-88405.html