'Không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế VAT'

Thay vì tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế VAT, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tính đến nghiên cứu đến thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường.

Chiều 24/6, tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường(đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để phù hợp với những thay đổi trong tình hình mới. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách Nhà nước.

Ông Cường cho biết, các thống kê của cơ quan quản lý đều cho thấy, việc thu thuế giá trị tăng (VAT) luôn chiếm tỉ trọng khá cao, chiếm 1/4 so với thu ngân sách và tỉ lệ huy động từ thuế VAT của Việt Nam thuộc nhóm tỉ lệ cao so với các nước trong khu vực.

Hai chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là năng suất thu và hiệu suất thu thuế VAT ở Việt Nam đều cao. "Điều đó thể hiện việc thu thuế VAT rất hiệu quả. Con đường để tăng thêm thuế VAT không có cách nào khác là tăng thuế suất", ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Theo ông Cường, thuế suất hiện nay đang là 10%. Nếu như so với các nước phát triển thì không cao, nhưng so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc là tương đương, thậm chí cao hơn cả Singapore…

Theo đại biểu, thuế VAT là thuế áp dụng đối với người tiêu dùng, không phải đối với người sản xuất. "Tuy nhiên, khi giá hàng hóa tăng lên, mức tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến người sản xuất, ảnh hưởng đến người sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất", ông Cường nói và nêu rõ, để phục hồi kinh tế, trong 2 năm qua đã phải giảm thuế mới kích thích được sản xuất.

"Do đó, chúng ta không nên tính đến chuyện tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế VAT. Nếu muốn tăng thu ngân sách, tôi đề nghị nghiên cứu thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế

Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024). Ngoài ra, tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, thì tốc độ tăng trưởng mới đảm bảo duy trì tốt.

Song theo đại biểu, việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất. Như vậy các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Việc thiết kế hai chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật chưa thiết kế lộ trình áp dụng như thế nào. Hơn nữa, từ nay đến cuối năm 2025, chúng ta cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.

Cần một sắc thuế trung lập

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, đây là dự án Luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng, do đó cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh.

"Chúng ta phải hết sức bình tĩnh khi đánh giá các vấn đề mà Chính phủ đề xuất. Tôi cho rằng việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở. Chúng ta phải đánh giá rất nhiều chiều, phân tích thấu đáo để tránh việc người dân đang theo dõi đánh giá Quốc hội, Chính phủ làm chính sách thế nào mà để thiệt hại đến hàng triệu người nông dân", ông An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không? Ông An nói, điều này không đúng. Phân bón tăng là do chi phí đầu vào, do vật tư… Do đó, nếu tăng mức thuế mặt hàng này lên 5% thì cần phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng.

"Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ được đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt", đại biểu phân tích.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì cần nhiều phương án, chính sách khác nhau, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Đại biểu không đồng tình với ý kiến đề nghị khấu trừ hoặc đưa về mức thuế suất 0%.

"Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí để xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%", đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.

Theo Thùy An/VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/-khong-nen-tang-thu-ngan-sach-bang-viec-dieu-chinh-thue-vat/20240625092728916