Không nên xem xếp hạng đại học là mục tiêu 'tối thượng'

Không nên xem xếp hạng là mục tiêu tối thượng của giáo dục đại học, bởi nó chỉ phản ánh một phần 'bức tranh' chất lượng của trường đại học. Không nên chạy theo xếp hạng đại học bằng mọi giá.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Ủy viên thường trực trong Hội đồng cố vấn chuyên môn Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về xếp hạng đại học hiện nay.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy

Không nôn nóng để xếp hạng đại học bằng mọi giá

- Thưa TS, vài năm trở lại đây nhiều trường đại học Việt Nam cũng đã ghi danh nhiều trên bảng xếp hạng đại học thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là đơn vị có lẽ có tên trên nhiều bảng xếp hạng đại học thế giới nhiều nhất so với các trường đại học ở Việt Nam. Ông cho biết quá trình tham gia xếp hạng của ĐH Quốc gia Hà Nội như thế nào?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Để phục vụ cho công tác đảm bảo chất lượng, ĐHQGHN đã quan tâm đến vấn đề xếp hạng đại học từ khá sớm.

Tháng 11.2008, ĐHQGHN đã tổ chức một Hội thảo Quốc tế về xu thế và quan điểm trong xếp hạng đại học với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, lãnh đạo ĐHQGHN, các chuyên gia quốc tế đến từ US News, Phòng thí nghiệm Cybermetrics (Tây Ban Nha), Viện Chính sách Giáo dục Canada, Đại học Monash (Australia) và các nhà khoa học, quản lý tại Việt Nam.

10 năm sau, từ năm 2018, ĐHQGHN bắt đầu chính thức có tên trong các bảng xếp hạng có uy tín như QS, THE.

Nói như vậy để thấy mặc dù sớm quan tâm đến vấn đề xếp hạng đại học, nhưng ĐHQGHN không nôn nóng, đốt cháy giai đoạn để được xếp hạng bằng mọi giá. Các thế hệ lãnh đạo ĐHQGHN luôn xem trọng và đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu, với khẩu hiệu hành động nhất quán và xuyên suốt từ khi thành lập: “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”.

Theo đó, kết quả xếp hạng có được là sự phản ánh và ghi nhận một số khía cạnh chất lượng nổi bật của ĐHQGHN. Nếu như các yếu tố như công bố quốc tế, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, uy tín học thuật, uy tín tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên/giảng viên … là những chỉ số cốt lõi của một số bảng xếp hạng đại học có uy tín hiện nay, thì đó cũng chính là những điểm mạnh nổi bật của ĐHQGHN từ nhiều năm nay, được hình thành và xây dựng trong cả một quá trình phát triển.

Điều này có thể thấy rõ trong các chỉ tiêu chiến lược của ĐHQGHN ở các giai đoạn khác nhau. Hiện tại, ĐHQGHN giao cho Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục là đơn vị đầu mối điều phối hoạt động xếp hạng đại học, sử dụng hiệu quả kết quả xếp hạng trong công tác đảm bảo và cải tiến chất lượng.

Nên xem xếp hạng đại học như một công cụ để đánh giá và cải tiến chất lượng

- Tham gia xếp hạng của các trường đại học nhằm mục đích là gì thưa ông? bởi mỗi một bảng xếp hạng sẽ có mục đích tiêu chí xếp hạng khác nhau.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Xếp hạng là một trong nhiều cách tiếp cận và đánh giá chất lượng GDĐH theo nguyên tắc đối sánh (benchmarking). Mỗi bảng xếp hạng đều có hệ thống tiêu chí đánh giá riêng.

Tuy nhiên, về cơ bản thì các bảng xếp hạng có uy tín sẽ nhìn nhận trường đại học ở 3 yếu tố cốt lõi: đào tạo, nghiên cứu, gắn kết và phát triển cộng đồng.

Sự khác biệt giữa các bảng xếp hạng sẽ nằm ở việc lựa chọn các chỉ số (indicators) trong mỗi yếu tố đó và trọng số (points) cho mỗi chỉ số đó. Do đó, việc các trường có thứ hạng khác nhau ở mỗi bảng xếp hạng là điều dễ hiểu. Nó cũng tương tự như việc có rất nhiều trường đại học được coi là “top đầu” của Việt Nam nhưng tuyệt nhiên không có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín (bởi sự “mất cân đối” trong thực hiện các sứ mệnh về đào tạo, nghiên cứu, phát triển cộng đồng).

Như vậy, xếp hạng ĐH là một góc nhìn đối sánh về kết quả và chất lượng hoạt động của trường ĐH. Thông qua việc tham gia vào các bảng xếp hạng, các trường ĐH nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của mình ở một số khía cạnh quan trọng (chẳng hạn như uy tín cộng đồng, năng lực nghiên cứu và đào tạo, năng lực quốc tế hóa) trong tương quan với các trường trong khu vực và quốc tế. Để rồi từ đó, các trường có chiến lược và giải pháp để khắc phục điểm yếu, thúc đẩy điểm mạnh và có những bước phát triển mới.

Vì lẽ đó, xếp hạng đại học trước hết nên được xem như một công cụ để đánh giá và cải tiến chất lượng. Xác định rõ như vậy thì các trường sẽ có những ứng xử phù hợp với việc xếp hạng, trung thực và khách quan trong vấn đề giải trình dữ liệu xếp hạng, và nỗ lực trong tạo lập nguồn lực phát triển.

Những kết quả tích cực từ các bảng xếp hạng sẽ là yếu tố quan trọng để thể hiện uy tín và một số khía cạnh chất lượng nổi bật của trường đại học. Từ đó, kết quả xếp hạng sẽ đem đến những hiệu quả truyền thông tích cực cho trường đại học, đặc biệt là trong việc thu hút sự quan tâm của các đối tác quốc tế, của các cơ quan quản lý nhà nước, quỹ đầu tư.

Người học, đặc biệt là người học nước ngoài, cũng sẽ sử dụng kết quả xếp hạng như một trong những tiêu chí quan trọng để quyết định việc lựa chọn nơi mà mình sẽ đến để học tập.

Nhiều bảng xếp hạng đại học trên thế giới

-Trên thế giới hiện nay, có những bảng xếp hạng đại học nào uy tín? Họ dựa vào cơ sở dữ liệu nào để đánh giá cơ sở giáo dục đại học?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Hiện nay, 02 bảng xếp hạng có lượng trường đại học chủ động tham gia đông đảo nhất là bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (THE) với 1799 trường và của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) với trên 1500 trường.

Bảng xếp hạng AWRU do Trường đại học Giao thông Thượng Hải (và hiện tại là ShanghaiRanking Consultancy) xây dựng hiện có trên 1000 trường đại học được xếp hạng.

Ngoài ra, tại Mỹ, bảng xếp hạng do US News xây dựng cũng rất phổ biến và được các trường đại học ở Mỹ tham gia đông đảo (1,452).

Có 2 hình thức xếp hạng, cụ thể: Xếp hạng tự động - do tổ chức xếp hạng tự thực hiện việc xếp hạng dựa vào những nguồn dữ liệu có sẵn, thường là dữ liệu về công bố khoa học trên WoS hoặc Scopus (với các bảng xếp hạng tiêu biểu là AWRU, Webometrics, Nature Index), và xếp hạng không tự động – kết quả xếp hạng sẽ được tổng hợp, phân tích từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, bao gồm cả dữ liệu do cơ sở giáo dục đại học cung cấp và dữ liệu do tổ chức xếp hạng chủ động khảo sát, thu thập được (với các bảng xếp hạng tiêu biểu là THE, QS).

Với các bảng xếp hạng tự động, các trường đại học sẽ được xếp hạng mặc định, bất kể cơ sở giáo dục đó mong muốn hay không. Cứ có dữ liệu hợp lệ và “đủ lớn” trên các hệ thống dữ liệu được chuẩn hóa là có thể được xếp hạng. Về cơ bản, đây là các bảng xếp hạng thiên về đánh giá chỉ số nghiên cứu khoa học.

Với các bảng xếp hạng không tự động, tùy thuộc vào mục tiêu, loại hình dữ liệu và khu vực xếp hạng sẽ có những bảng xếp hạng khác nhau. Những bảng xếp hạng dạng này sẽ đánh giá cơ sở giáo dục toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Việc xếp hạng thường dựa trên 3 nguồn dữ liệu chính:

- Dữ liệu do cơ sở giáo dục đại học cung cấp (số lượng người học, số lượng giảng viên, thu nhập từ đào tạo và chuyển giao công nghệ …). Cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm về độ tin cậy và tính giải trình của các nguồn dữ liệu này. Cộng đồng có thể vào trang thông tin (profile) của mỗi cơ sở giáo dục đại học mà tổ chức xếp hạng cung cấp để kiểm chứng các thông tin này, có thể phản hồi với tổ chức xếp hạng về các dữ liệu này nếu cần.

Trên thực tế, các bảng xếp hạng có uy tín như THE, QS luôn yêu cầu cơ sở giáo dục phải giải trình bổ sung (cùng minh chứng kèm theo) cho những biến động lớn về dữ liệu xếp hạng của nhà trường.

- Dữ liệu do tổ chức xếp hạng đại học tự thu thập (thông qua khảo sát). Dữ liệu này thường dùng để đánh giá uy tín về đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học trong cộng đồng thông qua việc gửi phiếu khảo sát trực tuyến tới các nhà khoa học, nhà giáo, nhà tuyển dụng trên toàn thế giới.

Như vậy, nói gì thì nói, cơ sở giáo dục phải thực sự có uy tín, có tầm ảnh hưởng thì mới nhận được sự ghi nhận lớn từ cộng đồng (cả trong nước và quốc tế), để từ đó sẽ giành được lợi thế trong các kết quả bình chọn của cộng đồng.

- Dữ liệu từ bên thứ ba (thường là dữ liệu công bố khoa học trên Scopus, Web of Science). Mỗi tổ chức xếp hạng sẽ có thuật toán chuẩn hóa dữ liệu (normalization) khác nhau (theo lĩnh vực, loại hình …) chứ không đơn thuần “đếm” số bài, số trích dẫn tại các cơ sở dữ liệu này. Dữ liệu này khá tường minh và dễ so sánh thông qua các giao diện phân tích trắc lượng thư mục của Scopus hoặc Web of Science.

- Cuối năm 2022, trên thế giới đã nảy sinh một làn sóng tẩy chay bảng xếp hạng được cho là uy tín nhất thế giới bởi các trường đại học cáo buộc nó không đáng tin cậy và làm sai lệch các ưu tiên giáo dục. Ông có quan tâm vấn đề này?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Tôi không nghĩ vấn đề đã đến mức “làn sóng”, bởi số lượng trường đại học ra khỏi các bảng xếp hạng này không nhiều, nếu không muốn nói là rất nhỏ.

Hiện tại, ngay cả những trường được báo chí thông tin là “tẩy chay” bảng xếp hạng thì vẫn hiện diện tên trong các bảng xếp hạng đó. Nếu vì chất lượng, tôi nghĩ thay vì tạo “làn sóng" tẩy chay các bảng xếp hạng, các trường đại học hãy tạo ra “làn sóng” trung thực trong các báo cáo số liệu gửi các bảng xếp hạng.

Thực tế cho thấy, về cơ bản, đa phần các trường đại học chấp nhận và tin tưởng vào dữ liệu xếp hạng. Các trường đại học ở nước ngoài, trong các hồ sơ thông báo tuyển sinh, vẫn cung cấp cho người học thông tin về thứ hạng xếp hạng thế giới của mình.

Dĩ nhiên, không nên xem xếp hạng là mục tiêu tối thượng của giáo dục đại học, bởi nó chỉ phản ánh một phần “bức tranh” chất lượng của trường đại học. Chúng ta đều thấy các bảng xếp hạng lớn như QS hay THE chỉ sử dụng 1 bộ tiêu chí để xếp hạng tất cả các trường đại học. Như vậy, nếu như trường nào cũng lấy bộ tiêu chí đó để làm tiêu chí “phấn đấu” thì sẽ khiến cho hệ thống giáo dục bị “lệch”, làm mất đi tính đa dạng của hệ sinh thái giáo dục đại học.

Xếp hạng đại học, như một loại hình của đảm bảo chất lượng bên ngoài, sẽ chỉ hiệu quả và phát huy được tác dụng nếu nhưng ứng xử với nó một cách phù hợp, không làm theo hình thức và bằng mọi giá. Hãy xem nó như một công cụ so chuẩn, đối sánh chất lượng. Khi đó, việc tham gia hay không tham gia bảng xếp hạng chỉ đơn giản là việc dùng hay không dùng công cụ đó. Chúng ta cũng không nên quá “nghiêm trọng hóa” vấn đề này.

Xếp hạng đại học chỉ phản ánh một phần “bức tranh” chất lượng của trường đại học

Xếp hạng đại học chỉ phản ánh một phần “bức tranh” chất lượng của trường đại học

Xếp hạng cần công khai các dữ liệu cốt yếu để xã hội kiểm chứng, giám sát

- Ở Việt Nam, vài năm trở lại đây đã xuất hiện một số bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng khó có độ tin cậy, đảm bảo chính xác vì cách làm và số liệu được dùng cũng khó khách quan, khó kiểm soát. Ý kiến của ông thế nào?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Tôi nghĩ trước hết cần ghi nhận những cố gắng, nỗ lực và tâm huyết của các nhóm nghiên cứu hoặc tổ chức đã xây dựng các bảng xếp hạng đó. Dù gì thì cộng đồng giáo dục đại học cũng được hưởng lợi vì có thêm công cụ để ít nhiều có thể nhìn nhận, đánh giá được chất lượng của giáo dục đại học nói chung. Cũng sẽ có không ít các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả đó để nghiêm túc nhìn nhận lại mình, từ đó có những điều chỉnh chiến lược phù hợp để cải tiến chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tất nhiên, thật khó để đòi hỏi ngay từ khi vừa ra đời, các bảng xếp hạng đó đã phải hoàn thiện, chính xác tuyệt đối. Bản thân các bảng xếp hạng như QS, THE, Webometrics … cũng đã trải qua một quá trình phát triển khá dài, và họ vẫn định kỳ rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí cũng như điều chỉnh phương pháp đánh giá (methodology) cho phù hợp với thực tiễn.

Vấn đề về độ tin cậy, chính xác của dữ liệu xếp hạng đúng là rất đáng lưu tâm. Việc dư luận đòi hỏi giải trình về vấn đề này là hoàn toàn chính đáng. Mặc dù các bảng xếp hạng của Việt Nam vừa qua cũng đã công khai phương pháp xếp hạng, giải trình nguồn dữ liệu xếp hạng, nhưng câu chuyện về chất lượng dữ liệu dùng để xếp hạng vẫn cần được giải quyết thấu đáo.

Hiện tại, cơ chế kiểm soát và giải trình đối với dữ liệu được các trường đại học công khai là chưa đủ mạnh. Để khắc phục vấn đề này thì tổ chức xếp hạng cần sử dụng nhiều nguồn thông tin để đối chiếu, kiểm chứng dữ liệu.

Đồng thời trên trang thông tin (profile) của cơ sở giáo dục được xếp hạng cần công khai các dữ liệu cốt yếu để xã hội kiểm chứng và các cơ sở giáo dục giám sát lẫn nhau. Về cơ bản, dữ liệu sử dụng cho xếp hạng đại học nên là những nhóm dữ liệu có thể công khai và kiểm chứng được.

Cần quan niệm xếp hạng đại học là một “sân chơi”

- Nếu Việt Nam xây dựng bảng xếp hạng đại học thì làm thế nào để có đảm bảo được tính khả thi và độ tin cậy, thưa ông?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Có lẽ vấn đề này cần có thảo luận mở rộng với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học thì mới đưa ra được những giải pháp thấu đáo. Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, tôi xin có một số trao đổi như sau:

Thứ nhất, các tổ chức xếp hạng cần quan niệm xếp hạng đại học là một “sân chơi” mở, và chỉ nên dành cho những cơ sở giáo dục quan tâm, sẵn sàng tham gia. Việc “bị xếp hạng” một cách bất đắc dĩ, lại không có thứ hạng như kỳ vọng, sẽ khiến cho các cơ sở giáo dục phản ứng gay gắt. Hiện tại, các bảng xếp hạng có uy tín như QS, THE cũng chỉ xếp hạng cho những cơ sở giáo dục gửi dữ liệu xếp hạng.

Bên cạnh đó, họ còn đặt ra một số tiêu chí sàn (về nghiên cứu, về quy mô, về các cấp độ đào tạo …) để các cơ sở giáo dục tham chiếu trước khi gửi dữ liệu xếp hạng. Cơ sở giáo dục nào không đạt mức sàn thì sẽ không được xếp hạng. Còn khi đã gửi dữ liệu tham gia xếp hạng rồi thì chấp nhận luật chơi và kết quả xếp hạng.

Cách làm này cũng đòi hỏi các tổ chức xếp hạng cần xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng phù hợp, đảm bảo minh bạch, khách quan thì mới thu hút được sự tham gia của các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, nên có những bộ tiêu chí xếp hạng cho mỗi loại hình cơ sở giáo dục đại học (cụ thể là Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu và Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng như trong quy định tại Luật giáo dục đại học) hoặc theo các sứ mệnh khác nhau của giáo dục đại học (đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng). Cơ sở giáo dục với định hướng phát triển khác nhau sẽ có những đặc thù về chiến lược, đào tạo, nghiên cứu, đầu tư hạ tầng khác nhau.

Để tránh tiếp cận “one size fits all” (một kích cỡ vừa cho tất cả) thì nên có sự phân định này hoặc bổ sung các yếu tố đặc thù khác. Ở điểm này, tôi thấy hệ thống Xếp hạng đối sánh UPM đang có tiếp cận phù hợp khi đánh giá các cơ sở giáo dục theo 2 bộ tiêu chí khác nhau (định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng) cũng như sử dụng những chỉ số gắn với đánh giá chất lượng, tránh tình trạng “trường có quy mô càng lớn thì điểm xếp hạng càng cao”.

Thứ ba, quá trình xếp hạng nên xem xét việc sử dụng đồng thời các nguồn dữ liệu thống kê độc lập về giáo dục đại học do các tổ chức kiểm định chất lượng, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ có uy tín hoặc các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp.

Cần thiết lập nguyên tắc lựa chọn dữ liệu khách quan, toàn vẹn và công khai với cộng đồng. Về mặt chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện chế tài về trách nhiệm giải trình của trường đại học đối với xã hội để đảm bảo tính chính xác, khách quan, đầy đủ của các thông tin, dữ liệu về hoạt động của nhà trường.

Thứ tư, các tổ chức xếp hạng xem xét phối hợp với một bên thứ ba có uy tín để xác thực dữ liệu cũng như theo dõi, giám sát, đánh giá và đảm bảo khách quan cho các quy trình thu thập, xử lý, bảo quản dữ liệu xếp hạng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tạp chí Times Higher Education đã hợp tác với tổ chức kiểm toán quốc tế PriceWaterHouse để thực hiện các quy trình xác thực và giám sát hoạt động thu thập, xử lý số liệu xếp hạng của mình.

Tổ chức QS dùng các quy chuẩn dữ liệu của Anh Quốc như IPEDS và HESA để rà soát và đảm bảo sự nhất quán, tường minh của dữ liệu. Điều này sẽ giúp các tổ chức xếp hạng liên tục hoàn thiện được quy trình chuyên môn của mình, đồng thời tạo được niềm tin cho cộng đồng và giới chuyên môn.

- Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/xep-hang-chi-phan-anh-mot-phan-buc-tranh-chat-luong-truong-dai-hoc-i316865/