Không ngừng đổi mới để đáp ứng mong mỏi của cử tri
Nền dân chủ và Nghị viện của Nam Phi đã phát triển và trưởng thành rõ rệt kể từ cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào năm 1994. Tính đến nay, đã có 7 cuộc bầu cử quốc gia, cuộc bầu cử gần đây nhất vào tháng 5.2024. Trong giai đoạn này, Quốc hội không ngừng đổi mới, cải tổ thủ tục để tăng cường quyền hạn, trách nhiệm, củng cố chức năng giám sát và tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, đất nước này vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng. Năng lực còn hạn chế của dịch vụ công bao gồm cả nguồn tài chính eo hẹp đang là những trở ngại lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững. Những thực tế này cho thấy, ở một mức độ nào đó, hoạt động giám sát và trách nhiệm giải trình của Quốc hội cần tiếp tục được đẩy mạnh để đưa lại kết quả cần thiết.
Cải cách thủ tục chất vấn và trả lời chất vấn
Năm 2014, Quốc hội đã tiến hành đợt rà soát toàn diện các thủ tục hoạt động. Quá trình này kéo dài đến tháng 5.2016, Quốc hội sẽ thông qua Nội quy sửa đổi (phiên bản thứ 9). Một trong những mục tiêu quan trọng của lần sửa đổi này là điều chỉnh một số quy định về quy trình, thủ tục để tăng cường khả năng giám sát và trách nhiệm giải trình.
Các biện pháp cải cách bao gồm tổ chức các phiên họp toàn thể đặc biệt (các phiên họp toàn thể nhỏ) để tạo thêm cơ hội tranh luận và gắn kết với Chính phủ. Ngoài ra, các quy định cập nhật đã kéo dài thời gian trả lời chất vấn trực tiếp của các bộ trưởng từ 2 - 3 tiếng (thứ Tư hàng tuần). Các biện pháp cải cách cũng buộc Quốc hội phải thiết lập hệ thống giám sát kịp thời quá trình trả lời các câu hỏi bằng văn bản của các bộ trưởng. Quốc hội gần đây đã áp dụng một hệ thống như vậy, trong đó, quy định Chủ tịch Quốc hội sẽ theo dõi quá trình phúc đáp các câu chất vấn bằng văn bản của các bộ trưởng và có quyền khiển trách nếu xảy ra tình trạng phúc đáp chậm. Quốc hội Nam Phi đã cho thấy rằng, các quy định liên quan đến quy trình. thủ tục không phải là những điều cố định mà là những điều sống động cần được đánh giá và điều chỉnh liên tục trên cơ sở rút kinh nghiệm những thủ tục chưa phù hợp, còn rườm rà, hoặc để tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Giám sát dựa trên kết quả
Vào năm 2018, Tổng thống Nam Phi khi đó là Jacob Zuma đã thành lập Ủy ban Tư pháp (tên đầy đủ là Ủy ban Tư pháp chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc chiếm đoạt, tham nhũng và gian lận trong khu vực công - còn được gọi là Ủy ban Zondo) trên cơ sở khuyến nghị của Cơ quan Bảo vệ công nhằm điều tra các cáo buộc về tình trạng tham nhũng tràn lan.
Ủy ban đã trình bày báo cáo mới nhất tại Quốc hội năm 2022, trong đó, Ủy ban đã xem xét, nghiên cứu về sự phát triển hoạt động giám sát của Quốc hội, những việc Quốc hội đã làm được và chưa làm được trong nỗ lực giám sát, ngăn chặn tham nhũng. Trong báo cáo, Ủy ban đã chỉ ra số điểm yếu mà cơ quan lập pháp có thể khắc phục. Ủy ban Tư pháp cho rằng, Quốc hội nên ủng cách tiếp cận chủ động và nhất quán hơn trong giám sát, đồng thời tán thành khái niệm “trách nhiệm giải trình sửa đổi”. Khái niệm này lần đầu tiên được đưa trong Báo cáo về giám sát và trách nhiệm Giải trình của Nghị viện năm 1999 và sau này được đưa vào Báo cáo về Mô hình trách nhiệm giải trình và giám sát của Quốc hội, trong đó yêu cầu bất kỳ sai phạm hoặc thiếu sót nào của cơ quan hành pháp khi đã được cơ quan giám sát chỉ ra, phải được khắc phục bằng mọi giá.
Đáp lại những khuyến nghị của Ủy ban Tư pháp và để bổ sung cho quy trình, thủ tục trong nội quy, Quốc hội đã nỗ lực chuyển sang cách tiếp cận giám sát dựa trên kết quả, tập trung vào chất lượng và tác động thực sự của hoạt động giám sát. Để thực hiện được điều này, trong kế hoạch chiến lược của mình, Quốc hội đã đưa ra một tập hợp các chỉ số tổng quát để có thể đo lường tiến độ giám sát các lĩnh vực. Hiện tại, Quốc hội Nam Phi đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng và theo kịp những đòi hỏi thực tiễn đặt ra trong tình hình mới. Nỗ lực này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nền tảng vững chắc để tăng cường vai trò giám sát của cơ quan lập pháp cũng như thúc đẩy trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp.