Không nhìn nhãn hiệu để mua sắm, không bày vẽ dịp Tết, chỉ cho con nhận lì xì khi đủ 6 tuổi
Thay vì lo lắng có nhiều tiền hay ít tiền để mua sắm, dành thời gian đó để nghỉ ngơi, quan tâm gia đình sẽ có một cái Tết đầy đủ, ấm áp hơn.
Chị Iris Thảo Phương
Đối với hội chị em, mua sắm vẫn luôn là cách để xả stress, giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng mua đúng và đủ những thứ mình cần mà thường sắm đồ theo ý thích, cảm hứng. Mới đây, chị Iris Thảo Phương - hiện đang làm tư vấn chiến lược các doanh nghiệp làm nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu tại Mỹ đã có những chia sẻ về quan điểm mua sắm được nhiều người quan tâm.
Trong bài viết của mình, chị Thảo đề cập đến chuyện mua sắm quần áo và lối sống tối ưu: Không cần quá để tâm đến nhãn hiệu của quần áo, túi xách hay chạy theo mốt, miễn sao những món đồ mình mua phải thực sự cần thiết và có thể sử dụng lâu dài.
“Tủ quần áo của mình, nó khá đẹp mà lại... trống không. Nhà mình ăn mặc khá đơn giản, nhất là con mình. Mình thường mua quần áo hàng đã bình dân lại còn giảm giá. Thứ nhất, tuổi này chưa biết đẹp là gì, thứ hai vì trẻ con lớn nhanh, hay nghịch bẩn nên mình thấy quần áo đẹp, nhiều tiền là không cần thiết.
Người giản dị thứ hai là chồng mình, cả tủ quần áo của anh chỉ có quần jeans và áo T-shirt có màu… gần giống nhau. Quần áo của anh không đến nỗi hàng bình dân giảm giá nhưng cũng toàn thương hiệu giá trung bình, điểm nổi trội là có thể bỏ vào máy giặt rồi bỏ sấy khô ngay, không cần giặt khô, không bao giờ nhăn nhúm, giặt trăm lần mặc cả chục năm vẫn ổn.
Người phức tạp nhất nhà là mình, vì ít ra mình cũng có 2 cái túi có logo. Chiếc túi này đã bên mình nhiều năm nhưng kiểu dáng không thay đổi cũng như không có 1 vết bẩn nào. Có một chiếc túi mà rất nhiều người muốn có của thương hiệu nổi tiếng, nghe nói phải xếp hàng, mua rất nhiều phụ kiện để được ưu tiên mua trước trong danh sách chờ.
Tại sao mình phải mua những thứ mình không cần để được mua một thứ mình thích, thích thôi nhé - chưa chắc đã cần. Mình cảm thấy không cảm tình với triết lý mua sắm này lắm. Thế giới có phải đã quá thừa thãi những người mua sắm những thứ không cần thiết rồi hay sao ?
Ngoài túi xách, quần áo và phụ kiện của mình cũng không cái nào có logo hay có gì đặc biệt, cao cấp. Để phù hợp với đẳng cấp... giản dị của chồng và con mình thì mình gọn gàng, cẩn thận hơn tí thôi chứ cũng không có gì ngoài hàng phân khúc bình dân thỉnh thoảng giảm giá”, một số đoạn trích trong bài viết của Iris Thảo Phương.
Bên cạnh quan điểm mua sắm quần áo thông thường, chị Thảo cũng có nhiều chia sẻ trong việc sắm Tết, lì xì đầu năm mới - vấn đề đang được nhiều người quan tâm ở thời điểm hiện tại.
Chỉ mua những đồ thực sự cần thiết thay vì mua theo ý thích nhất thời
Theo đó, chị Thảo cho biết, mỗi khi đến kì nghỉ lễ, điều khiến chị sợ nhất không có gì ngoài mua sắm. Bởi ngoài gia đình, gồm người già, trẻ nhỏ, công việc của chị cũng không tránh được việc mua sắm, biếu tặng. Điều này đôi khi khiến cho chị cảm thấy đó trở thành một gánh nặng, phải suy nghĩ thấu đáo xem cái gì cần thiết và cái gì chỉ là ý thích nhất thời. Hơn nữa việc lựa chọn quà tặng, biếu sao cho đúng món đồ người nhận cần, sử dụng bền lâu và họ cảm thấy hạnh phúc không phải điều đơn giản.
“Có lẽ các bạn đang chuẩn bị sắm Tết, mình cũng vậy. Mình chỉ muốn nhắn nhủ rằng thay vì lo lắng có nhiều tiền hay ít tiền để mua sắm, hãy tự hỏi rằng những thứ bạn định mua liệu có cần thiết không. Thay vì kiếm thêm tiền, bỏ thêm nhiều thời gian cho con cái, ông bà, cha mẹ liệu có khiến họ hạnh phúc hơn không. Những món ăn, những đồ dùng, những đồ biếu tặng - đừng mua cho có mà hãy để tâm vào nó, mua những gì cần thiết. Nếu không nghĩ ra, một cái ôm hoặc những lời thăm hỏi chân thành đã là quá đủ cho một cái Tết khủng hoảng kinh tế sau đại dịch rồi”, Iris Thảo Phương chia sẻ.
Quan điểm này của chị Thảo nhận được rất nhiều sự đồng tình. Bởi nhiều người cũng thường hay sắm Tết vì thích, vì tâm lý “thừa còn hơn thiếu” nên đôi khi lại thành áp lực ngược cho bản thân vì phải kiếm thêm tiền, tăng thu nhập.
Được biết, trước đây chị Thảo cũng là một người “nghiện” mua sắm. Thậm chí, còn còn được bạn bè, người thân tin tưởng để nhờ săn đồ hộ từ Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên từ khi có con nhỏ tại Mỹ, chị bắt đầu ý thức hơn về việc giới thiệu cho con văn hóa và phong tục Việt Nam, đặc biệt là ngày Tết nên dần có những thay đổi trong quan điểm, lối sống sao cho tối ưu hơn, hợp lý hơn.
Tết không phải là một cuộc đua xem ai giàu hơn ai, ai sắm khỏe hơn ai
Chị Thảo cũng cho hay: “Hồi nhỏ nhà mình không có điều kiện, luôn đến sát Tết mới đi mua đào, quất và quần áo mặc Tết bởi lúc đó mới có hàng giảm giá. Những gì người ta không cần, nhà mình mới mua được và đem về. Có hôm gần giao thừa mới trưng đào bởi lúc đó mới rẻ. Thế nhưng ký ức tuổi thơ của mình lại rất vui, không ý thức như thế là giàu hay nghèo, cây đào to hay bé, rẻ hay đắt. Chỉ nhớ là mình luôn vui vẻ mỗi khi Tết đến”.
Cũng chính vì điều này mà khi có con, chị Thảo muốn hướng đến những giá trị văn hóa quê hương, và làm hệt như những gì ngày xưa mẹ làm cho mình. Sống tại nước ngoài với chồng người Mỹ, con được sinh ra tại Mỹ nhưng chị Thảo vẫn luôn giới thiệu về văn hóa Việt và dạy con tiếng Việt. Tuy nhiên vì con còn nhỏ, nên dịp Tết sẽ chỉ sắm những món đồ mà khi nói con thể hiểu được ý nghĩa.
“Con mới 2 tuổi nên chưa thể hiểu được quá nhiều những khái niệm trừu tượng. Nên Tết này mình sẽ đi khu chợ Việt mua hoa đào hoặc hoa mai, bánh chưng để giới thiệu cho con. Món ăn ngày Tết mình cũng sẽ mua như giò, chả, cuốn nem để chồng mình cũng có thể biết thêm về ẩm thực Việt. Mình sẽ không có mâm ngũ quả, không bày biện ăn uống quá vì tốn khá nhiều thời gian của 2 vợ chồng. Thay vào đó, 3 ngày Tết mình sẽ đi tham quan, vãn cảnh các chùa ở gần nơi mình ở, tìm những người có hoàn cảnh khó khăn hơn để giúp đỡ”, chị Thảo bày tỏ.
Bên cạnh đó, khi được hỏi về tâm lý mua sắm chung của nhiều người hiện nay, chị Thảo cho biết kiếm tiền cả năm, đến Tết có thể chi tiêu thoải mái hơn bình thường. Tuy nhiên, công sức bày vẽ rồi dọn dẹp lại khi hết Tết lại là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.
“Chị em có thể thương bản thân bằng cách mua ít lại để có thêm thời gian nghỉ ngơi, chơi với con và làm những việc ý nghĩa hơn là bày vẽ mua sắm rồi lại dọn dẹp nhiều. Khi có ý thức mua ít lại, mua những gì cần thiết, mọi người sẽ nhìn ra những người xung quanh của mình thật sự cần gì trong cuộc sống và mình để tâm vào đó. Mua sắm như vậy hạnh phúc hơn là kiểu mua thừa còn hơn thiếu.
Đối với mình, Tết chỉ là Tết, Tết không phải một cuộc đua xem ai giàu hơn ai, ai sắm khỏe hơn ai. Đại dịch của hơn 2 năm qua đã là một cú sốc toàn cầu để người người nhìn lại những giá trị quan trọng trong cuộc sống, hơn là việc phải thể hiện cho mọi người thấy mình có gì”, chị Thảo nói.
Lì xì mang tính chất lấy may, không nên suy nghĩ mừng nhiều hay ít
Cũng theo Iris Thảo Phương, chị sẽ không cho con nhận lì xì đến khi con 6 - 8 tuổi, được dạy về tiền bạc và đầu tư. Vì đang nuôi con tại Mỹ nên chị Thảo sẽ áp dụng theo thang giáo dục tại đây. Hơn nữa, sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và phương Đông trong cách dạy con về tiền cũng giúp chị Thảo có thể dễ dàng từ chối, không để con nhận lì xì.
Còn đối với những gia đình ở Việt Nam, người lớn nên bỏ mệnh giá thấp nhất vào phong bao lì xì để giữ đúng tính chất lấy may. Phong bao lì xì có thể giữ lại để dạy con cách sưu tập, rèn luyện về thủ công, thẩm mỹ. Còn tiền lì xì tùy theo độ tuổi phù hợp, dạy các con đếm hoặc tiết kiệm, đầu tư hay kinh doanh.
“Theo mình, trẻ em chưa được hiểu biết về tiền, bố mẹ có thể dạy con các tích trữ những phong bao đỏ, mẫu mã khác nhau qua từng năm để làm kỉ niệm. Khi trẻ em đã có kiến thức về toán, cộng trừ nhân chia được và hiểu được số học, có thể tập quản lý tiền. Ngoài ra, có thể sử dụng tiền nhỏ của mình vào những việc có ích, phù hợp lứa tuổi. Còn mình nghĩ, người lớn nên bỏ suy nghĩ lì xì sao cho nhiều, trả lễ sao đủ để bản thân không áp lực mà cũng không làm hỏng phong tục đẹp của dân tộc”, chị Thảo bày tỏ.