Không ồn ào, ông Trump âm thầm thu phục cử tri Mỹ

Khảo sát cho thấy không chỉ các nhóm cử tri trung thành năm 2016, mà nhiều nhóm cử tri khác cũng đang bị thuyết phục và tỏ ý ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tới.

Kết quả khảo sát của tờ The Wall Street Journal hợp tác với đài NBC News thực hiện trên hơn 900 cử tricông bố ngày 24-8 vẽ ra một viễn cảnh khá bất lợi cho đương kim Tổng thống Donald Trump khi tỉ lệ ủng hộ của ông chỉ đạt 41%, bị ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước tới 9%. Ông Trump cũng xếp sau ông Biden ở hầu hết các bang chiến trường, dù cách biệt tại những khu vực này nhỏ hơn khi tính trên bình diện toàn quốc.

Theo ông Nathan Gonzales, một chuyên gia tham gia tổ chức khảo sát, ông Trump không chỉ chật vật ở các thành phố lớn mà còn thể hiện không tốt ở cả những khu vực nông thôn. Và “nếu chúng ta nhìn vào từng hạt cụ thể, tôi không nghĩ có một hạt nào đó mà ông ấy đã thể hiện tốt như năm 2016”.

Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này ở cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump cũng bị đối thủ là bà Hillary Clinton dẫn trước 9%-10%. Thậm chí, cử tri Mỹ lúc đó còn có quan điểm tiêu cực về ông hơn hiện nay khi cách biệt giữa tỉ lệ ủng hộ và tỉ lệ phản đối là 33%, so với năm nay là 12%, nhưng cuối cùng ông Trump vẫn giành chiến thắng chung cuộc. Vậy đâu sẽ là những yếu tố giúp ông lập nên kỳ tích một lần nữa ở cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay?

Nhiều nhóm cử tri cũ vẫn ủng hộ ông Trump

Tổng thống Trump đã chứng tỏ ông là đại diện hàng đầu bảo vệ quyền lợi của tầng lớp cử tri da trắng trong bối cảnh các phong trào đòi bình quyền của người da màu bùng phát thời gian gần đây. Tỉ lệ ủng hộ và tỉ lệ phản đối ông Trump ở cử tri da trắng trong năm 2020 không chênh lệch, lần lượt là 45% và 55%. Kỳ bầu cử năm 2016, có 54% cử tri da trắng phản đối ông Trump, so với 35% người ủng hộ.

Theo biên tập viên Micah Roberts của The Wall Street Journal, việc ông Trump cải thiện hình ảnh trong mắt cử tri da trắng là một lợi thế rất quan trọng, bởi bộ phận này chiếm hơn 70% số cử tri toàn quốc.

Ở nhóm người Mỹ gốc Latinh, tỉ lệ ủng hộ của ông Trump cũng được cải thiện với khoảng 31% cho biết sẽ ủng hộ ông, cao hơn so với 28% năm 2016. Dù vậy, cũng cần lưu ý nhóm cử tri này không phải là một khối thống nhất với xu hướng chọn cử tri đồng đều nên nhiều khả năng sẽ có một số khác biệt nhất định khi đến lúc bỏ phiếu. Bên cạnh đó, con số 31% cũng không phải là một tỉ lệ quá cao nếu so với những nhóm khác, vì vậy ông Trump vẫn nên nỗ lực quan tâm và vận động nhiều hơn nữa để bảo đảm chiến thắng ở các bang chiến địa như Florida và Arizona.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại đại hội đảng Cộng hòa toàn quốc ở bang North Carolina. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại đại hội đảng Cộng hòa toàn quốc ở bang North Carolina. Ảnh: GETTY IMAGES

Cử tri Cộng hòa quan tâm hơn đến bầu cử

Theo khảo sát của The Wall Street Journal NBC News, có đến 85% cử tri Cộng hòa tự đánh giá bản thân rất quan tâm đến cuộc bầu cử, so với 83% cử tri Dân chủ. Ngoài ra, khoảng 27% người cho biết họ lạc quan và tự tin ông Trump sẽ tái đắc cử, cao gấp đôi con số 14% năm 2016.

NBC News cho rằng nội bộ cử tri Cộng hòa bất ngờ tăng quan tâm đến kỳ bầu cử do phe Dân chủ trong kỳ đại hội toàn quốc tuần trước đã có phần “chỉ trích quá tay” ông Trump, như gọi ông là “tổng thống sai lầm” hay gọi nhiệm kỳ của ông là “thời khắc đen tối của nước Mỹ”. Những từ ngữ cảm tính như vậy có thể đã gây tác dụng ngược, khiến cử tri Cộng hòa nóng mặt và buộc phải lên tiếng bảo vệ đại diện của họ. Có thể thấy lực lượng ủng hộ ông Trump không quá thiếu đoàn kết và phản đối ông như đảng Dân chủ đã dự tính. Ông Trump cũng sẽ có cách riêng để thu phục thêm lòng tin của nhóm trung thành này khi ông tham gia đại hội đảng Cộng hòa toàn quốc đang diễn ra ở bang North Carolina.

Một điểm đáng chú ý là hiện tại cách biệt giữa tỉ lệ phản đối và tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với hai đảng Cộng hòa, Dân chủ gần như tương đồng nhau, lần lượt ở mức 8% và 11%. Trong khi đó, con số này vào năm 2016 là 4% và 21%. Điều này cho thấy cuộc chơi đã cân bằng hơn, lợi thế không quá nghiêng về ứng viên cụ thể nào.

Nhóm cử tri trung lập và không có quan điểm chính trị xác định cũng đã tỏ ý sẵn sàng ủng hộ đảng Cộng hòa và ông Trump. Khoảng 22% trong số này có quan điểm tích cực về ông Trump, so với 11% của ông Biden. Đa số cử tri trung lập cho biết họ thích một ứng viên không ngại đương đầu khó khăn - một tính cách đặc trưng của ông Trump, thay vì một người chỉ thu hút cử tri dựa trên tài ăn nói và lịch sử chính trị hoành tráng - hai lợi thế ông Biden đặc biệt chú trọng khai thác. 42% cử tri nhóm này cũng muốn đảng Cộng hòa sẽ thành công tái chiếm Hạ viện cho nhiệm kỳ tới thay vì đảng Dân chủ. Dù vậy, nhóm trung lập chỉ chiếm 13% tổng số cử tri, do đó nếu muốn biến nhóm này thành lợi thế thì ông Trump phải tăng được tỉ lệ ủng hộ lên mức 60%- 70%.

Bên cạnh đó, hầu hết các cử tri đều đồng ý ông Trump vẫn là sự lựa chọn tốt nhất khi giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế với tỉ lệ ủng hộ ông ở lĩnh vực này lên tới 48%, cách biệt ông Biden đến 10%. Dù kinh tế Mỹ rõ ràng đang thiệt hại nặng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng người dân Mỹ tin tưởng chỉ có ông Trump mới giúp đất nước vượt qua cơn khủng hoảng này. Ông Trump chắc chắn sẽ sử dụng kỳ đại hội đảng để thuyết phục thêm cử tri đặt niềm tin và cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa để khôi phục kinh tế.

Vẫn còn nhiều thách thức cho ông Trump

Dù kết quả khảo sát cho thấy ông Trump được lòng giới cử tri Mỹ, nhà lãnh đạo này vẫn còn nhiều thách thức phải nhanh chóng giải quyết khi kỳ bầu cử đang bước vào giai đoạn nước rút.

Một trong những vấn đề lớn nhất là việc chính sách đối ngoại của ông đang hứng chịu nhiều chỉ trích từ chính các đồng minh Cộng hòa khi ngày 21-8, một nhóm 73 cựu quan chức đảng này cùng ký tuyên bố ủng hộ ông Biden, cáo buộc ông Trump đã đánh mất vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và phá hoại di sản ngoại giao của các lãnh đạo đi trước.

Nhiệm kỳ của ông Trump cũng có tỉ lệ đổi quan chức dưới quyền cao hơn nhiều các tổng thống trước, lên tới hơn 80%, theo thống kê của Viện Brookings (Mỹ). Hầu hết các quan chức này đều vì mâu thuẫn với chủ nhân Nhà Trắng mà chủ động từ chức hoặc bị sa thải.

Mặt khác, chính quyền ông Trump về cơ bản cũng đã thua trong cuộc đua điều chế vaccine COVID-19 khi Nga ngày 11-8 đã công bố loại vaccine COVID-19 đầu tiên do mình sản xuất và đang chuẩn bị tổ chức tiêm chủng hàng loạt. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến nước Mỹ nói chung và hình ảnh của ông Trump trong mắt cử tri.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/khong-on-ao-ong-trump-am-tham-thu-phuc-cu-tri-my-934283.html