Không phải ai cũng bán sách giáo khoa kiểu 'bia kèm lạc'

Trước luồng ý kiến cho rằng, nhà trường 'tiếp tay' cho việc bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, nhiều cán bộ quản lý, thầy cô khẳng định đó chỉ là hiện tượng 'con sâu làm rầu nồi canh'. Thực tế các trường học, thầy cô luôn vì học sinh và đặt quyền lợi của các em lên hàng đầu.

Không nhất thiết học sinh phải có cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo. Ảnh: NTCC

Không nhất thiết học sinh phải có cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo. Ảnh: NTCC

Nhà trường cần tư vấn để phụ huynh mua đúng, mua đủ, tránh lãng phí sách giáo khoa. Ảnh: NTCC

Nhà trường cần tư vấn để phụ huynh mua đúng, mua đủ, tránh lãng phí sách giáo khoa. Ảnh: NTCC

Loại bỏ tiêu cực từ suy nghĩ người lãnh đạo

Cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng), trao đổi: Cuối năm học, trường đã họp giáo viên để thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Ngoài đầu sách căn bản trong bộ sách, căn cứ việc triển khai dạy học tại trường cần thêm đầu sách tham khảo nào mới tư vấn để phụ huynh tìm hiểu và tăng cường cho con nếu thấy phù hợp.

“Hầu như phụ huynh chỉ đăng ký sách giáo khoa, cùng lắm mua thêm sách bài tập Toán, Tiếng Việt. Nhà trường coi đây là điều bình thường bởi phụ huynh hiểu con em mình cần gì và có quyền mua sách nào phù hợp cho con. Nhà trường, giáo viên không gợi ý, ép buộc trong việc mua sách tham khảo…”, cô Phượng khẳng định.

“Với giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi quán triệt tinh thần không gợi ý hay gây sức ép mua sách tham khảo. 100% giáo viên đã chấp hành nghiêm túc vai trò hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho phụ huynh”, cô Phạm Thị Huệ thông tin.

Tại Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang), theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Huệ, trường chỉ tư vấn phụ huynh mua những đầu sách học sinh phải sử dụng hàng ngày, trong suốt năm học. Với sách tham khảo, trường có giới thiệu giúp phụ huynh thấy con em mình có cần không và cần sách nào thì tự trang bị. Thậm chí để tránh trường hợp lầm tưởng giáo viên giới thiệu đầu sách tham khảo, nhà trường hướng dẫn phụ huynh tìm hiểu danh mục sách tham khảo và khai thác trên học liệu điện tử.

Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương) đã in phiếu danh mục sách giáo khoa riêng, sách tham khảo riêng gửi tới phụ huynh tự nghiên cứu (trong vài tuần đến 1 tháng). Gia đình mua sách nào thì tích và gửi lại để nhà trường tổng hợp số liệu đặt sách.

Đặc biệt, trước khi họp ban phụ huynh, trường yêu cầu toàn bộ giáo viên chủ nhiệm không được gợi ý, định hướng, ép phụ huynh mua sách tham khảo hay sách giáo khoa. Trường hợp vào năm học, phụ huynh phát sinh nhu cầu mua sách tham khảo cho con có thể nhờ giáo viên bộ môn, thủ thư mua hộ hay giới thiệu chỗ mua.

“Thực hiện minh bạch, công khai trong việc hỗ trợ mua sách giáo khoa năm học mới nên phụ huynh của trường nhiều năm nay đều không có phản ánh gì. Thậm chí nếu gia đình không mua đủ đầu sách thì giáo viên vẫn bố trí để học sinh được dùng chung cùng bạn.

Với gia đình hoàn cảnh khó khăn, trường sẽ cho mượn sách giáo khoa từ tủ sách dùng chung. Vấn đề “tiếp tay” cho đơn vị phát hành sách giáo khoa hoàn toàn nằm ngoài suy nghĩ, hành động của cán bộ quản lý, giáo viên toàn trường”, cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.

Nhà trường cần tư vấn để phụ huynh mua đúng, mua đủ, tránh lãng phí sách giáo khoa. Ảnh: NTCC

Nhà trường cần tư vấn để phụ huynh mua đúng, mua đủ, tránh lãng phí sách giáo khoa. Ảnh: NTCC

Không đi ngược với lợi ích học trò

Để loại bỏ tiêu cực từ việc mua bán sách giáo khoa đầu năm học mới, cô Vũ Thị Phượng cho hay: Trường yêu cầu giáo viên tách riêng danh mục sách giáo khoa và sách tham khảo, tránh đóng thành một “cục” gây hiểu lầm buộc phụ huynh phải mua. Đồng thời, giáo viên phải tuyên truyền, tư vấn để phụ huynh hiểu sách tham khảo cần thiết mua trong trường hợp nào? Và hoàn toàn được quyết định mua hay không mua.

“Không phủ nhận có tiêu cực trong việc tư vấn, giới thiệu sách giáo khoa khiến chi phí một bộ sách tăng vọt. Tuy nhiên, vấn đề tư vấn, giới thiệu sách hiện nay được đa số trường thực hiện với tinh thần, trách nhiệm với học trò”, cô Phượng bày tỏ quan điểm.

Cô Hoàng Thị Thủy, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai - Lào Cai), cho rằng: “Với phụ huynh nông thôn kinh tế khó khăn nếu phải “cõng” thêm khoản chi cho sách tham khảo sẽ trở thành “gánh nặng”. Do đó, trường không đưa sách tham khảo vào giới thiệu mà chỉ tư vấn, định hướng mua sách học theo thời khóa biểu…”.

Theo cô Thủy, nhà trường, giáo viên hiểu hơn hết trường dạy gì, học sinh cần đầu sách nào? Nếu từ quản lý đến giáo viên nghiêm túc thực hiện chắc chắn việc bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo trong nhà trường sẽ được giải quyết triệt để.

Phụ huynh hiện nay đặc biệt ở các thành phố rất am hiểu, có học thức và sẵn sàng lên tiếng với những sai trái của nhà trường (nếu có). Chia sẻ quan điểm trên, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bày tỏ: Với một bộ phận phụ huynh khác chưa thực sự quan tâm, mạnh dạn thì cũng cần nâng cao vai trò giám sát, phản biện theo nhiều cách để loại bỏ vấn đề trên nếu nhà trường, giáo viên cố tình làm sai. Như vậy, tình trạng “tiếp tay” cho các nhà xuất bản cùng thu lợi qua mua bán sách giáo khoa dù muốn cũng không có chỗ phát huy.

Với gần 1.000 học sinh nên việc mua sách giáo khoa cho năm học mới được Trường Tiểu học Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) triển khai “mạch lạc”. Cô Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, ví dụ: Chương trình GDPT mới, với lớp 6 có môn Khoa học tự nhiên, do đó, giáo viên sẽ tư vấn, giải thích để phụ huynh hiểu việc cần mua thêm sách bài tập, sách tham khảo để hỗ trợ việc học. Tuy nhiên, với môn học khác kể cả môn Toán, Văn, Ngoại ngữ…, trường không tư vấn phụ huynh mua sách tham khảo, sách bài tập vì nhận thấy không cần thiết với học sinh. “Kiên quyết không vì lợi ích nhỏ của cá nhân mà cán bộ quản lý, giáo viên đi ngược với lợi ích học trò và phụ huynh…”, cô Thanh bày tỏ.

Đức Trí

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-phai-ai-cung-ban-sach-giao-khoa-kieu-bia-kem-lac-post600487.html