Không phải ai cũng biết: Trường hợp người lao động được nghỉ làm mà vẫn nhận đủ lương

Nhiều người lao động không biết rằng, trong một số trường hợp nhất định, họ có quyền từ chối làm việc hoặc rời khỏi nơi làm việc mà vẫn được hưởng nguyên lương. Quy định này được pháp luật bảo vệ nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe và tính mạng người lao động.

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người lao động làm việc theo hợp đồng có quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.

Khoản 1 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

đ) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

e) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc người sử dụng lao động buộc người lao động tiếp tục làm việc trong khi nguy cơ tai nạn lao động chưa được xử lý có thể bị xử phạt nghiêm khắc.

Theo khoản 10 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi này bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng nếu vi phạm do cá nhân thực hiện. Trường hợp là tổ chức, mức phạt gấp đôi, tức từ 60 đến 80 triệu đồng.

Các hành vi bị xử phạt gồm:

Ép người lao động làm việc dù có nguy cơ tai nạn lao động đe dọa tính mạng.

Không cho người lao động rời khỏi nơi làm việc dù có nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Buộc tiếp tục làm việc khi các nguy cơ chưa được khắc phục.

Những quy định này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi và sự an toàn của người lao động, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của người sử dụng lao động.

Trong thực tế, nhiều lao động không biết mình có quyền dừng làm việc và vẫn được trả lương trong trường hợp đặc biệt này, dẫn đến chịu đựng nguy hiểm trong im lặng. Vì vậy, việc nắm vững pháp luật sẽ giúp người lao động chủ động hơn trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Ngoài ra, người lao động còn có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện nếu thấy quyền lợi bị xâm phạm, theo khoản e, Điều 6 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

NB (T/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/khong-phai-ai-cung-biet-truong-hop-nguoi-lao-dong-duoc-nghi-lam-ma-van-nhan-du-luong-19612.html