Không phải bởi tài năng và mưu lược, cả nước Nhật vẫn tôn sùng Gia Cát Lượng vì lý do này
Người Nhật Bản vô cùng tôn sùng Gia Cát Lượng, nhưng không phải vì tài năng và mưu lược hơn người của ông.
Khổng Minh - Gia Cát Lượng
Theo Thục chí, tài liệu được cho là chính xác nhất về Gia Cát Lượng, ông vốn là người Lang Nha, Dương Độ (nay thuộc huyện NghiNam, tỉnh Sơn Đông). Gia Cát Lượng sinh năm 181, tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh.
Ngay từ nhỏ, Khổng Minh là đứa trẻ vô cùng thông minh, hiếu học, đọc đủ loại sách vở và tầm sư học đạo khắp nơi. Sau này, ông là quân sư giỏi của Lưu Bị nước Thục, thời hậu Hán.
Không những thế, ông còn là học giả và nhà phát minh kỹ thuật đại tài. Khổng Minh sáng tạo ra các chiến thuật quân sự nổi tiếng như Bát trận đồ (Hình vẽ tám trận), Liên nỏ (Nỏ Liên Châu, tên bắn ra liên tục), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy).
Ngoài ra, tương truyền ông còn là người phát minh đèn trời (còn được gọi là Khổng Minh đăng) và món màn thầu nổi tiếng của Trung Quốc.
Những chuyện Khổng Minh xem bói, đoán trước tương lai được kể khá nhiều trong dã sử và chính sử. Chuyện nổi tiếng nhất là việc ông khiến Lưu Bá Ôn - danh tướng văn võ song toàn thời nhà Minh - phải phục sát đất, dù Lưu sinh sau Khổng Minh tới hơn 1.000 năm.
Kiếp người như một đóa hoa
Một nhà nghiên cứu chữ Hán nổi tiếng của Nhật Bản đã từng viết cuốn sách về Gia Cát Lượng, trong đó ông đã ví cuộc đời của Gia Cát Lượng là “Hoa chi sinh nhai”,nghĩa là: kiếp người như một đóa hoa.
Vậy đó là loại hoa nào? Trong lòng người dân Nhật Bản, loài hoa cao quý nhất thường được ví với các bậc chính nhân quân tử chính là quốc hoa –hoa anh đào.
Vậy hoa anh đào có đặc điểm gì?
Thứ nhất, đây là loài hoa hết sức rực rỡ diễm lệ; thứ hai, đây cũng là loài hoa chóng nở chóng tàn.
Giống như đóa hoa anh đào kia, cuộc đời của Gia Cát Lượng đã viết nên những trang sử oanh liệt hào hùng. Danh sĩ Tư Mã Huy từng hai lần tiến cử ông với Lưu Bị, nói rằng:Trên đời này hạng tuấn kiệt có hai người, đó là Ngọa Long (tức Gia Cát Khổng Minh) và Phượng Sồ (tức Bàng Thống). Có được một trong hai người này thì có thể bình định thiên hạ.
Từ Thứ, một mưu sĩ của Lưu Bị cũng không tiếc lời ngợi ca Gia Cát Lượng rằng:“Tôi so với Khổng Minh như ngựa so với Kỳ lân, như quạ so với Phượng hoàng. Chúa công có Khổng Minh như Văn vương có Lã Vọng, như Hán vương được Trương Lương”.
Và quả thật, kể từ khi xuất sơn làm quân sư cho Lưu Bị, Gia Cát chỉ mới 27 tuổi, nhưng ông đã làm nên những trận chiến kinh điển xuất sắc. Từ cuộc hỏa thiêu Tân Dã đến đại chiến Xích Bích; từ gảy đàn đuổi Trọng Đạt đến bảy lần bắt bảy lần thả Mạnh Hoạch; từ kế ‘Thuyền cỏ mượn tên’ cho đến việc lập đàn thất tinh cầu gọi gió Đông… Tất cả những mưu lược và kế sách của ông đã làm nên tên tuổi của một chiến lược gia vĩ đại.
Ảnh minh họa
Nhưng cuộc đời của bậc quân sư tài ba ấy cũng lại ngắn ngủi. Cả cuộc đời mình, ông không theo đuổi danh lợi, mà chỉ một lòng một ý phò tá Lưu Bị phục hưng nhà Hán, đặt sự hưng vong của quốc gia lên trên danh lợi và vinh nhục của cá nhân mình. Ý nguyện chưa thành, Gia Cát Lượng phải ngậm ngùi ra đi ở tuổi 54. Trong bài “Tam Quốc diễn ca”, La Quán Trung đã khóc thương Gia Cát Khổng Minh rằng:
…Kỳ Sơn trở ngọn cờ đào
Một tay mong chống trời cao nghìn trùng
Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng
Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa…
Bởi vậy mà trong mắt người dân Nhật, cuộc đời của ông cũng giống như hoa anh đào – loài hoa tượng trưng cho sự ngắn ngủi nhưng bừng sáng trong liêm khiết của người quân tử.Hoa anh đàorực rỡ nhất trong sắc xuân và sau đó thì tàn úa. Mục đích của loài hoa này khi tới thế gian là để khiến lòng người cảm động tới khắc cốt ghi tâm, để chúng ta nhận ra rằng sự tồn tại của sinh mệnh là cao quý nhường nào.
Và cái giá phải trả cho tất cả những điều đó là tàn úa ngay khi ở đỉnh cao rực rỡ. Khi vẫy tay chào tạm biệt thế gian cũng là lúc hoa mang đi những bụi trần, những giá lạnh và đau đớn, để lại cho con người phía sau sự hoài niệm tưởng nhớ suốt ngàn năm.
Đây là một kiếp sống, một kiếp nhân sinh anh hùng tỏa sáng. Ngắn ngủi nhưng vụt sáng rực rỡ, mong manh nhưng khiêm nhường, hoa anh đào vì vậy mà luôn được người dân Nhật yêu mến.
Những giá trị phẩm đức truyền thống
Ảnh minh họa
Trong Tam Quốc, nhà Thục Hán luôn cho rằng Hán triều mới là chính thống, và phục hưng cơ nghiệp nhà Hán là sứ mệnh cao cả và thiêng liêng. So với Tào Ngụy và Đông Ngô, từ các nhân vật đại biểu cho đến phẩm chất tinh thần của người Thục Hán cũng phù hợp hơn về giá trị quan chính thống xác lập triều Hán. Đó là “Ngũ Thường của Nho gia”, lấy việc mở rộng “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm giá trị quan cốt lõi.
Từ việc Lưu Bị dùng người cho tới việc vận trù sách lược của Gia Cát Lượng, tất cả đều làm phong phú hạch tâm của giá trị quan chính thống – Nhân, Nghĩa, Trí, Tín.
Quân sư Gia Cát Lượng vừa có tư tưởng chính trị tận trung báo quốc, một lòng “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, những điều ấy phù hợp với các giá trị đạo đức “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Tài trị thế dùng binh, nhân dũng vẹn toàn, căng chùng đúng mực của ông có thể nói là sự kết hợp hoàn mỹ giữa văn hóa Nho gia và văn hóa binh gia.
Điểm này cũng được giới sử học Nhật Bản công nhận. Một nhà sử học Nhật Bản nổi tiếng là kỹ tính đối với Trung Quốc hiện đại, lại là người hết sức cung kính và tôn sùng Gia Cát Lượng. Từ những năm tiểu học, ông đã đọc và say mê Tam Quốc. Ông kể rằng mỗi lần đọc “Xuất sư biểu” của Gia Cát Lượng, ông đều chảy nước mắt. Vì sao vậy? Bởi trong suy nghĩ của ông, Gia Cát Lượng chính là một tấm gương về sự mẫu mực, tinh thần của ông cũng phù hợp với tinh thần của giới sĩ Nho Nhật Bản. Ông chính là“Tôn hoàng nhương di Sonnō jōi“.
Thái độ một lòng trung thành, nhất tâm trợ giúp cha con Lưu Bị trong suốt cuộc đời của Gia Cát Lượng cũng giống như tinh thần hết lòng vì sự nghiệp quốc gia của người dân Nhật Bản. Họ ngưỡng mộ một vị anh hùng có tài năng trác việt hiếm có mà trung thành kiên cường, cũng giống như loài quốc hoa mà dân tộc họ tôn kính.
Bởi vậy, Gia Cát Lượng mới trở thành một tấm gương, một mô phạm anh hùng được người dân Nhật Bản ngợi khen tôn sùng. Và cho đến ngày nay, những phẩm cách tinh anh tuyệt xuất của vị anh hùng ấy vẫn là một hình mẫu lý tưởng của người dân xứ hoa anh đào.