Không phải 'chuyện trong nhà'!

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) giữa năm ở phường T có rất nhiều ý kiến đóng góp xây dựng cho Đảng, Nhà nước các cấp, nhất là công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh các ý kiến xây dựng nêu trên, cũng có những ý kiến phản ánh việc tranh chấp lối đi, chuyện bỏ rác sang cổng nhà hàng xóm, chuyện hát karaoke tại nhà gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng… Kết thúc buổi tiếp xúc, đại diện tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại khu vực phường T đã trả lời rành rọt, cặn kẽ những vấn đề người dân phản ánh, nhất là các ý kiến mang tính đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền các cấp. Nhiều người tấm tắc khen vị đại biểu có kiến thức rộng, nắm bắt được nhiều thông tin và có kỹ năng giao tiếp với cử tri, xứng đáng làm đại diện cho dân.

Tuy nhiên, có một phụ nữ lớn tuổi không hài lòng. Khi đoàn đại biểu của dân đã đi rồi, bà vẫn còn ấm ức và nói rất to, rằng vì sao ý kiến của bà không được trả lời? Có người khuyên bà: Đến tiếp xúc cử tri thì tìm chuyện gì lớn một chút mà phát biểu. Cán bộ quan tâm những chuyện lớn, có ý nghĩa quốc kế dân sinh, hay ít ra cũng là góp ý xây dựng Đảng, chính quyền phường vững mạnh chứ thời gian đâu trả lời mấy “chuyện trong nhà” của bà mà thắc mắc!

Thế là bà phân bua, nói lại những ý đã phát biểu. Đại ý là theo quy định mà các hộ dân trong khu phố đã cam kết với ban công tác mặt trận, những gia đình con cái hỗn hào với ông bà, cha mẹ, thiếu lễ phép với người ngoài, không chấp hành nội quy của khu phố thì không được đưa vào diện bình xét “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, cuối năm không được xét “Gia đình văn hóa”. Thế nhưng có một gia đình, chồng làm cán bộ (ở địa phương khác) nhưng vợ lại tham gia vào đường dây cho những người buôn bán ngoài chợ vay tiền với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng và thu tiền lãi theo tuần; rồi con trai ông ấy thường chạy xe máy phân khối lớn, rú còi ầm ĩ trong khu dân cư mà vẫn được bình xét gia đình văn hóa! Thử hỏi, ông không dạy bảo được vợ con thì ông nói được ai, giáo dục được ai?

Nghe câu tự vấn của người phụ nữ, tôi chợt liên hệ tới Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thể hiện sự quyết tâm của Đảng ta trong việc hình thành và xây dựng văn hóa chính trị công bằng, trung thực, giúp tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thế nên dù đã ban hành 1 năm nhưng Quy định 114 vẫn còn nguyên sức nóng. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang hiểu một cách máy móc về Quy định 114, rằng chỉ cần không bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở 13 ngành theo quy định; không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị… là đủ.

Câu hỏi của người phụ nữ lớn tuổi tại buổi tiếp xúc cử tri phường T không hẳn là “chuyện trong nhà” của mỗi gia đình, bởi nó liên quan tới bổn phận công dân, trách nhiệm xã hội và uy tín của cán bộ. Và tôi đoán rằng, hẳn vị đại biểu của dân đã sơ ý, quên câu hỏi của người phụ nữ chứ nhất định không coi việc bà phản ánh là việc nhỏ. Bởi như điều bà đã hỏi: “Ông không bảo ban, dạy dỗ được vợ con thì còn nói được ai”!?

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/159168/khong-phai-chuyen-trong-nha